Saturday, January 11, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiHội nghị an ninh lớn nhất thế giới: Những mối quan tâm...

Hội nghị an ninh lớn nhất thế giới: Những mối quan tâm đan xen

Chủ đề nổi bật tại MSC 54 là vai trò trong tương lai của Liên minh châu Âu (EU) và mối quan hệ giữa khối này với Nga và Mỹ, nhưng có rất nhiều mối quan tâm khác về an ninh đan xen lẫn nhau.

Toàn cảnh Hội nghị MSC 54

Trong 2 ngày 16 và 17/2 (theo giờ địa phương), tại thành phố Munich (Đức) đã diễn ra Hội nghị An ninh Munich thường niên lần thứ 54 (MSC 54).

Đây là Hội nghị an ninh lớn nhất thế giới với sự tham dự của hơn 500 quan chức của nhiều quốc gia, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các ngoại trưởng Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster…

Chủ đề nổi bật tại MSC 54 là vai trò trong tương lai của Liên minh châu Âu (EU) và mối quan hệ giữa khối này với Nga và Mỹ, nhưng có rất nhiều mối quan tâm khác về an ninh đan xen lẫn nhau.

Trước hết, nói về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, sau những sự kiện liên quan đến tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Nhiều quốc gia đã tiếp tục bày tỏ sự lo ngại và đề nghị gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng.

Hai là, vấn đề quan hệ Nga với Mỹ và EU cũng được đề cập. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết nước này luôn sẵn sàng đối thoại với Mỹ và EU trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn sẵn sàng tổ chức một cuộc đối thoại với EU dựa trên sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nhằm tìm ra lời giải cho các thách thức trên toàn cầu hiện nay. Nguyên tắc này cũng sẽ là cơ sở cho mối quan hệ với Mỹ và tất cả các quốc gia khác”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel cho biết ông ủng hộ nới lỏng một số lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, nếu đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine dưới sự giúp đỡ của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Ba là, việc Anh rời khỏi EU (Brexit) thì vấn đề an ninh sẽ được giải quyết như thế nào? Tại Hội nghị, Thủ tướng Anh Theresa May đã kêu gọi ký kết một hiệp ước an ninh với EU trước cuối năm 2019 nhằm bảo đảm duy trì quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực quân sự, tình báo và chống khủng bố. Bà May nêu rõ: “Những khía cạnh chính trong quan hệ đối tác giữa Anh và EU trong lĩnh vực này sẽ có hiệu lực từ năm 2019. Quan hệ đối tác mà chúng ta cần tạo ra là một mối quan hệ trong đó cho phép Anh và EU kết hợp những nỗ lực của hai bên một cách hiệu quả nhất trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm”.

Bốn là, về vai trò của Mỹ hiện nay như thế nào? Ngoại trưởng Đức Gabriel cảnh báo Mỹ cần EU nhiều như EU cần Mỹ và hai bên cần xây dựng lại các mối quan hệ vốn có và hợp tác với nhau, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh nước Mỹ không còn là siêu cường duy nhất và cần sự hỗ trợ từ các đồng minh truyền thống tại châu Âu, những quốc gia chia sẻ chung các giá trị với Washington. Cũng theo Ngoại trưởng Đức, các nước EU rõ ràng cũng cần Mỹ để có thể thực hiện được mong muốn tham gia định hình thế giới tương lai.

Ngoài những vấn đề nói trên, các đại biểu còn đề cập hàng loạt vấn đề an ninh quốc tế như các cuộc xung đột ở Trung Đông, đặc biệt là các mối quan hệ đi xuống giữa các quốc gia vùng Vịnh cũng như các diễn biến chính trị ở khu vực Sahel (châu Phi), kiểm soát vũ khí…

Đặc biệt, theo sáng kiến do Tập đoàn điện tử Siemens của Đức đề xuất, các doanh nghiệp lớn, trong đó có Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu Airbus, hãng sản xuất ô tô Đức Daimler, Công ty phần mềm Mỹ IBM và Công ty bảo hiểm Đức Allianz, đã cam kết áp dụng các nguyên tắc và tiêu chuẩn chung liên quan đến an ninh mạng.

Tuyên bố chung cũng đặc biệt nhấn mạnh 10 lĩnh vực cụ thể vốn đòi hỏi các chính trị gia và doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa để bảo đảm mức độ an toàn trong một thế giới ngày càng số hóa. Trong số những lĩnh vực này có việc chứng thực cơ sở hạ tầng then chốt cho cái gọi là “Internet vạn vật” – (hay Internet kết nối vạn vật, một tập hợp các thiết bị, phương tiện có khả năng kết nối với nhau, với Internet và với thế giới bên ngoài); tôn trọng các quy tắc an ninh mạng theo những thỏa thuận thương mại tự do và bảo đảm các chức năng an ninh cùng bảo vệ cá nhân phải được mặc định cài sẵn trong các sản phẩm… Theo ước tính mới đây của Cơ quan An ninh thông tin và Mạng của EU (ENISA), chỉ tính riêng năm 2016, các chi phí an ninh mạng đã lên tới 560 tỷ euro (gần 700 tỷ USD). ENISA cũng cảnh báo nguy cơ đối với an ninh mạng sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh ngày càng nhiều trang thiết bị kết nối với Internet.

Có thể nói, MSC 54 đã đề cập đến nhiều vấn đề an ninh mang tính toàn cầu và khu vực đan xen lẫn nhau hiện nay. Nhưng cốt lõi của vấn đề an ninh toàn cầu, mà theo nhà tổ chức MSC 54 Wolfgang Ischinger bày tỏ, đó là “thêm một lần nữa, MSC 54 sẽ góp phần vào quá trình đàm thoại giữa Moscow và Washington, giữa Moscow với các nước khác liên quan như Ukraine và nhiều điểm nóng khác trên thế giới” , vì theo ông, “cần phải thực tế, thế giới dường như đang trong giai đoạn xấu về vấn đề ổn định toàn cầu”.

RELATED ARTICLES

Tin mới