Với tiềm lực và khả năng của mình, những máy bay Mỹ khi vào tay Nhật Bản đã được cải thiện khả năng chiến đấu một cách đáng kể.
Vì những căng thẳng đang gia tăng khắp Châu Á, Nhật Bản đã bắt tay vào một chương trình tái vũ trang để chủ động hơn trong khu vực. Một trong những lực lượng được chú trọng trong chiến lược này là Không quân của Lực lượng Tự vệ Nhật Bản (JASDF).
Ngành công nghiệp bản địa của Nhật Bản đã nâng cấp rất nhiều cho các máy bay chiến đấy của JASDF, làm cho chúng có khả năng trội hơn bản gốc do Mỹ sản xuất trong một số khía cạnh. Nhật Bản hiện là quốc gia duy nhất vẫn còn duy trì hoạt động chiếc F-4 Phantom II cổ kính.
JASDF đảm nhiệm ba nhiệm vụ chính là: Phòng không; Ứng phó với các tình huống khẩn cấp; Và thiết lập một môi trường an toàn. Để hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên, JASDF sở hữu khoảng 260 máy bay chiến đấu các loại.
Phần lớn các máy bay này là F-15J, một phiên bản được sản xuất tại Nhật Bản của chiếc F-15C Eagle của Mỹ. Hãng Mitsubishi Heavy Industries đã sản xuất và phân phối gần 199 máy bay này cho JASDF.
Những chiếc F-15 của Nhật được trang bị ra-đa mới hỗ trợ tên lửa không đối không AAM-4 được phát triển và sản xuất trong nước. Đây là tên lửa không đối không đầu tiên sử dụng ra-đa AESA nhằm tăng tốc độ quét và độ chính xác tấn công mục tiêu.
Nhật Bản hiện cũng đang phát triển mũ phi công có khả năng giao tiếp với phiên bản tên lửa AAM-5 mới, cho phép phi công khóa mục tiêu chỉ bằng cách nhìn vào nó như công nghệ được sử dụng trên Su -27 và Su-30 Flankers của Nga.
Khác với AIM-9 của Mỹ, AAM-5 của Nhật Bản có thể sử dụng được trên trực thăng, giống như những tên lửa không đối không tầm ngắn của Nga.
Phi công có thể giao tiếp với tên lửa không đối không AAM-5 thông qua chiếc mũ đội trên đầu
Hiện nay, trong 200 chiếc F-15J được đưa vào hoạt động, một nửa đã được hiện đại hóa, một nửa còn lại sẽ được loại biên và thay thế dần trong tương lai.
JASDF cũng đưa vào biên chế gần 100 chiến đấu cơ Mitsubishi F-2, một thiết kế giống như chiếc F-16 nhưng được nâng cấp một số tính năng tàng hình. F-2 có động cơ lớn hơn, ra-đa AESA tiên tiến hơn so với chiếc F-16 nguyên gốc.
Theo kế hoạch của JASDF sẽ thay thế khoảng 50 chiếc F-4 còn đang hoạt động bằng chiếc F-35A của Lookheed Martin.
F-35 được chọn để thay thế cho những chiếc F-4J đang trong biên chế
Ngoài ra, với những chiếc F-15 đã hiện đại hóa sẽ được tiếp tục nâng cấp, và những chiếc F-15 còn lại sẽ được thay thế bởi chiếc F-35B hoặc một thiết kế mới của chiếc F-2 của Nhật Bản.
Phiên bản F-35B đang được xem xét vì nó có thể được vận hành từ các đường băng ngắn. Điều này cho phép JASDF triển khai căn cứ không quân của mình trên những hòn đảo xa xôi.
Ngoài ra, JASDF cũng đang duy trì hoạt động của các máy bay E-2C và E-2D Hawkeye, kết hợp với hệ thống ra-đa mặt đất cho nhiệm vụ chỉ thị các mục tiêu. Việc tuần tra biển được thực hiện bởi P-3 Orion của hãng Lookheed Martin.
Máy bay cảnh báo sớm E-2D Hawkeye của Nhật Bản
Để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thiên tai, cũng như vận chuyển hàng không quân sự, JASDF vận hành máy bay vận tải Kawasaki C-1 và C-2 do trong nước tự sản xuất. Ưu điểm của những loại máy bay này là có thể hoạt động trên các đường băng dân dụng trên các đảo nhỏ của Nhật Bản.
Tóm lại, với tiềm lực hiện tại JASDF là một trong những lực lượng không quân “có khả năng nhất” ở Châu Á.
Cùng với nền công nghiệp hiện đại hàng đầu thế giới, các chiến đấu cơ của Mỹ sản xuất dưới bàn tay Nhật Bản đã cải thiện khả năng chiến đấu một cách đáng kể nhờ vào việc được trang bị hệ thống tác chiến điện tử và vũ khí tân tiến do nước này tự sản xuất.
Do đó, giới quân sự cũng đang rất chờ đợi F-35 khi được Nhật Bản đưa vào trực chiến sẽ tăng khả năng của JASDF đến đâu.