Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc có thể đang xây dựng trái phép trung tâm liên lạc trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Trung Quốc tiếp tục xây dựng cơ sở liên lạc trên đảo nhân tạo. Ảnh: AMTI
Theo báo cáo của chương trình Sáng kiến Minh Bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ, gần đây Trung Quốc có dấu hiệu tăng cường xây dựng và lắp đặt thiết bị tại các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông. Các chuyên gia thuộc tổ chức này cảnh báo, có thể Trung Quốc đang muốn biến các đảo nhân tạo thành trung tâm liên lạc để gia tăng hiện diện và ảnh hưởng trên khu vực.
Báo cáo của CSIS cho thấy khu vực Đông Bắc của Đá Chữ Thập (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam) đã được lắp đặt thêm các thiết bị liên lạc hoặc cảm biến lớn hơn so với các thiết bị tương tự được trang bị trên các đảo nhân tạo khác thuộc quần đảo Trường Sa.
Báo cáo này được công bố sau khi CSIS tiến hành so sánh hình ảnh vệ tinh và ảnh chụp từ trên không do tờ Philippine Daily Inquirer đăng tải hồi đầu tháng 2.
Đá Chữ Thập là một trong 7 thực thể bị Bắc Kinh khai thác phi pháp và xây dựng đảo nhân tạo trái phép nhiều nhất tại Trường Sa.
Trước đó, hồi tháng 12/2017, Reuters cũng từng đưa tin Trung Quốc tranh thủ khủng hoảng Triều Tiên để xây dựng phi pháp và bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo, đồng thời lắp đặt các radar cao tần và hầm vũ khí trên Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa, hay các sân bay trực thăng và turbine gió trên các thực thể mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép ở quần đảo này.
Theo AMTI, Đá Chữ Thập là nơi Trung Quốc bồi đắp và xây dựng phi pháp nhiều nhất, với tổng diện tích khoảng 100.000 mét vuông.
Cũng theo tổ chức này, một đường băng dài 3.000 mét đã được hoàn thành ở khu vực phía Bắc Đá Chữ Thập hồi năm 2015, còn các hầm trữ vũ khí, máy bay ném bom, xe tăng tiếp nhiên liệu và máy bay vận tải đã được xây dựng ở khu vực phía Nam của đường băng này.
Ngoài ra, Trung Quốc còn cho lắp đặt rất nhiều cột radar, cũng như hệ thống cơ sở liên lạc tại khu vực này, AMTI cho biết.
Theo ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore, Đá Chữ Thập là cơ sở để Trung Quốc hiện thực hóa âm mưu kiểm soát các thực thể khác trên quần đảo Trường Sa.
Ông Richard Heydarian, chuyên gia ngành khoa học chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila, nhận định Trung Quốc đang cố gắng gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực giữa những mập mờ trong chính sách ngoại giao của Mỹ, và mối quan hệ đang trên bờ vực của Manila và Bắc Kinh.