Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mới5 nguyên nhân lớn nhất chia rẽ quan hệ Nga - Mỹ

5 nguyên nhân lớn nhất chia rẽ quan hệ Nga – Mỹ

Ông Trump đã muốn cải thiện quan hệ Nga – Mỹ. Song để thực hiện được mong muốn này là cả một chặng đường, trong khi ông và các cộng sự thân cận lại đang sa lầy trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Khi tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã muốn cải thiện quan hệ Nga – Mỹ. Nhưng để thực hiện được mong muốn này là cả một chặng đường, trong khi ông và các cộng sự thân cận lại đang sa lầy trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.

Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, cho rằng một năm sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống, quan hệ song phương rơi vào tình trạng “sụp đổ”.

Ai là thủ phạm khiến qua hệ Nga-Mỹ xấu đi?

Từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991, các đời Tổng thống Mỹ đã tìm cách “mở cửa” với Nga nhưng tất cả đều không thay đổi được tình thế. Điều này khiến người ta nghĩ là quan hệ Nga – Mỹ là do những “nguyên tắc căn bản hơn” quy định chứ không phải vấn đề con người.

Theo nhận xét của ông John Herbst, một cựu Đại sứ Mỹ, hiện là nhà nghiên cứu ở Atlantic Council, “điểm bất đồng đầu độc quan hệ song phương từ năm 1991 là trật tự quốc tế sau khi bức tường Berlin sụp đổ và sự tan rã của Liên Xô”. Sau Chiến tranh Lạnh, Moscow vẫn chưa nguôi ngoai vì đế chế sụp đổ, nhiều nước thuộc liên bang gia nhập Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Nga.

Ý đồ khôi phục lại ảnh hưởng trở nên rõ nét hơn kể từ khi ông V.Putin trở thành Tổng thống Nga. Theo nhận định của nhà báo Mikhaïl Zygar, “không chỉ mỗi Putin muốn có vị trí trong câu lạc bộ những nhà quyết định chính trường thế giới, mà các nhân vật tự do quanh ông cũng cho rằng quá trình làm suy yếu nước Nga là cố ý”. Một bộ phận thiểu số chính trị gia Mỹ thuộc trường phái “hiện thực” cũng từng kêu gọi “Washington cân nhắc đến lợi ích của Nga”.

Tuy nhiên, thực tế lại đẩy xa ý tưởng này, bắt đầu từ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 khiến đa số chính trị gia tại Mỹ cho rằng Nga là một cường quốc xâm lăng, tìm cách thách thức hiện trạng và gây hại đến lợi ích của Washingtong ở khắp nơi.

Còn nhà báo Evguenia Albats, thành viên của phe đối lập tự do Nga nhận định “bước ngoặt Ukraine 2014 vận dụng tinh thần dân tộc và phương Tây như kẻ thù tưởng tượng làm phương tiện để củng cố quyền lực của Putin”, sau nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn chống Tổng thống Nga năm 2012.

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

5 điểm chia rẽ sâu sắc nhất quan hệ Nga – Mỹ

 Thứ nhất, hồ sơ Ukraine chiếm vị trí chính. Moscow phủ nhận đó là nguồn cội quyết định ly khai của phe thân Nga ở Ukraine. Washington yêu cầu bán đảo Crimea được trả lại cho Ukraine để dỡ bỏ cấm vận được áp đặt từ thời Tổng thống B.Obama. Trái với những gì người ta tưởng trong kỳ vận động tranh cử của ông Trump, chính quyền hiện nay lại nghiêm giọng hơn và thậm chí cấp vũ khí cho Kiev.

Thứ hai là nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Bộ Quốc phòng Mỹ liệt chính sách tài trợ và tuyên truyền của Nga tại Mỹ và châu Âu vào hàng những mối đe dọa nghiêm trọng, còn trên cả “đe dọa khủng bố”.

Thứ ba là vai trò ”tiêu cực” do Nga cố tình thực hiện trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Mỹ cáo buộc Moscow, cùng với Bắc Kinh, phá vỡ lệnh trừng phạt dầu lửa nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng.

Thứ tư là chiến sự tại Syria. Tổng thống Nga đã tài tình tận dụng sự không can thiệp của đồng cấp lúc đó là Obama để chiếm ưu thế và loại bỏ nỗ lực của Mỹ trong hồ sơ này.

Cuối cùng, căng thẳng Nga – Mỹ cũng rất rõ nét trên hồ sơ hạt nhân Iran. Chính quyền Trump liên tục đưa ra những tín hiệu cổ vũ các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Teheran, trong khi Nga lại tỏ ra lo lắng về “việc thay đổi chế độ”.

Về ảnh hưởng của cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ, truyền thông phương Tây nhận định rằng trái ngược với những hy vọng ban đầu, Moscow hiện tin chắc rằng cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ ngăn cản mọi cải thiện quan hệ song phương.

Theo khẳng định của cựu đại sứ John Herbst, “điều này không sai, ông Trump sẽ không thể tự phép đưa ra bất kỳ sách lược nào liên quan đến Nga một khi cuộc điều tra chưa kết thúc”.

Tuy nhiên, chưa chắc rằng tình thế sẽ thay đổi khi cuộc điều tra kết thúc, nếu căn cứ vào những điểm bất đồng gay gắt hiện nay, cũng như việc toàn bộ đội ngũ cố vấn, bộ trưởng của chính quyền Trump và Nghị viện đã bỏ phiếu gần như tuyệt đối tán thành loạt biện pháp mới trừng phạt Nga.

Mặc dù vậy, cựu đại sứ Mỹ John Herbst cũng không loại trừ điều bất ngờ nếu Tổng thống Mỹ được rảnh tay hành động và Tổng thống Nga đổi ý về hồ sơ Ukraine.

RELATED ARTICLES

Tin mới