Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ ngấm ngầm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông

TQ ngấm ngầm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông

Tham dự đàm phán hòa bình ở Syria, mong muốn hàn gắn Israel-Palestine, tăng cường quan hệ với Iran và Saudi Arabia… Trung Quốc đang mong muốn trở thành tác nhân quan trọng trong khu vực Trung Đông.

Vào tháng 1-2018, báo chí quốc tế rộ lên thông tin Trung Quốc đang đàm phán với Pakistan về kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân mới của Trung Quốc tại Jiwani gần biên giới Iran. 

Nếu kế hoạch được thực hiện, đây sẽ là căn cứ quân sự thứ hai của Trung Quốc ở nước ngoài sau căn cứ ở Djibouti. Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin này nhưng không mấy ai tin.

Phát triển dự án “Vành đai – Con đường”

Trung Đông là ngã tư giáp giới trên biển và trên bộ với châu Âu, châu Phi và châu Á, trục trung tâm của các tuyến hàng hải thương mại lớn và các tuyến đường biển trọng yếu như kênh đào Suez, eo biển Bab el-Mandeb (biển Đỏ), eo biển Hormuz (vịnh Ba Tư). Gần 50% sản lượng dầu mỏ thế giới được vận chuyển qua Trung Đông.

 Trước đây, Trung Đông là khu vực chịu ảnh hưởng của phương tây, đặc biệt là Mỹ. Trung Quốc bắt đầu tăng tốc quan hệ với Trung Đông từ khi ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước năm 2013, sau đó đưa ra dự án “Vành đai – Con đường”.

Năm 2014, Trung Quốc đã bơm 40 tỉ USD chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng dầu khí ở Trung Á. Năm 2015, Trung Quốc kiểm soát cảng chiến lược Gwadar của Pakistan. Năm 2016, đoàn tàu hỏa chở hàng đầu tiên của Trung Quốc chạy đến Tehran (Iran).

Tháng 1-2016, lần đầu tiên Bắc Kinh công bố tài liệu về chính sách Ả rập nhằm cổ súy quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Ả rập về quân sự, chống khủng bố, chống hải tặc, trao đổi nhân sự, vũ khí và công nghệ, chia sẻ thông tin.

Cùng thời gian đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến công du đầu tiên đến ba nước Trung Đông (Saudi Arabia, Ai Cập và Iran). Ông Tập tuyên bố Trung Quốc mong muốn góp phần đấu tranh cho hòa bình, phát triển và ổn định trong khu vực.

Trung Quốc ngấm ngầm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông - Ảnh 2.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas (phải) công du đến Bắc Kinh vào tháng 7-2017 – Ảnh: UPI

Điều này cũng dễ hiểu bởi do phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông, Trung Quốc cần giảm liều lượng xung đột vì xung đột càng căng thẳng, giá dầu càng tăng và như thế chỉ bất lợi cho Trung Quốc.

Đến nay Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu dầu hỏa số một của Trung Đông và nước xuất khẩu hàng hóa số một của khu vực này. Iran đã bán 90% dầu mỏ cho châu Á, trong đó chủ yếu bán cho Trung Quốc.

Tăng cường ngoại giao, hợp tác quân sự

Từ giai đoạn phát triển kinh tế với Trung Đông, Trung Quốc đã chuyển sang thực hiện chiến lược toàn diện bao gồm ngoại giao, hợp tác quân sự, bảo vệ lợi ích kinh tế.

Tháng 3-2016, Trung Quốc đã bổ nhiệm một đặc phái viên chuyên trách về Syria, cắt đứt truyền thống can thiệp vào Syria qua trung gian của Nga.

Đối với Iran, vào tháng 11-2016 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và người đồng cấp Iran Hossein Dehghan đã ký thỏa thuận hợp tác quân sự. Đến tháng 6-2017, hai nước đã tổ chức tập trận chung trên eo biển Hormuz.

Trung Quốc ngấm ngầm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông - Ảnh 3.

Tàu chiến Trung Quốc tham gia tập trận với Iran trên vịnh Ba Tư vào tháng 6-2017 – Ảnh: Tehrantimes

Ngoài ra, Trung Quốc còn mời gọi Iran gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Tháng 9-2017, ít lâu sau khi Mỹ thông báo các biện pháp cấm vận mới đối với Iran, một công ty đầu tư công Trung Quốc đã đồng ý cấp tín dụng 10 tỉ USD cho các ngân hàng Iran.

Trung Quốc chơi với Iran nhưng vẫn là đối tác thương mại số một của Saudi Arabia, đối thủ của Iran. Trung Quốc đã ký với Saudi Arabia dự án xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái quân sự ở Saudi Arabia.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 7-2017 của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, phía Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẵn sàng đóng góp tích cực hơn trong vấn đề giải quyết xung đột Israel-Palestine.

Chiến lược ngoại giao không can thiệp

Khác với các nước phương tây, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc chỉ tập trung vào thương mại và ưu tiên phát triển các mối quan hệ làm ăn chứ không xét nét đến vấn đề chính trị tại Trung Đông.

Trung Quốc chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Do đó, đến nay Trung Quốc vẫn duy trì hình ảnh tích cực ở Trung Đông. Một số nước dù có truyền thống quan hệ với Mỹ vẫn tìm cách củng cố quan hệ với Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đang tập trung hai mục tiêu ưu tiên: Phát triển sự hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương và duy trì khu vực đại Trung Đông (từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Afghanistan) trở thành trung tâm chiến lược.

Trung Quốc lập luận ai kiểm soát Trung Đông là kiểm soát vòi bơm dầu thế giới. Và ai kiểm soát vòi bơm dầu thế giới thì có thể kiểm soát kinh tế thế giới, tối thiểu trong tương lai gần”

Chuyên gia Tewfik Hamel

Chuyên gia Tewfik Hamel ở  Đại học Paul Valéry (Pháp) đánh giá động thái Mỹ điều chỉnh lại không gian chiến lược về khu vực đại Trung Đông là một cuộc cách mạng về chiến lược nhằm hợp lý hóa sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước ngoài.

Chuyên gia Vali Nasr, nguyên cố vấn ngoại giao của Tổng thống Obama, đánh giá Trung Đông sẽ trở thành trung tâm đối đấu trong tương lai giữa Bắc Kinh và Washington nếu đối đầu xảy ra.

Nếu Mỹ không cản trở, Trung Quốc sẽ trở thành tác nhân quan trọng trên bàn cờ Trung Đông trong 20 năm nữa.

Trung Quốc ngấm ngầm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông - Ảnh 6.

Các tay súng người Duy Ngô Nhĩ tại Syria – Ảnh: levanttimes.com

Xây dựng căn cứ ở Afghanistan ngăn chặn Hồi giáo cực đoan

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Afghanistan xác nhận với AFP hai bộ quốc phòng Afghanistan và Trung Quốc đã thảo luận dự án xây dựng một căn cứ quân sự Trung Quốc ở Afghanistan. Afghanistan sẽ phụ trách xây dựng, Trung Quốc tham gia đầu tư và huấn luyện cho binh sĩ Afghanistan.

Căn cứ sẽ được xây dựng tại vùng núi Wakhan ở đông bắc Afghanistan đối diện với khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc. Trung Quốc lo ngại các phần tử Duy Ngô Nhĩ xâm nhập tấn công Trung Quốc từ vùng núi Wakhan hoặc các tay súng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chạy từ Iraq và Syria đi qua khu vực Wakhan để xâm nhập vào Tân Cương.

RELATED ARTICLES

Tin mới