Nhiều rào cản đối với hợp đồng dầu mỏ bằng đồng nội tệ, Trung Quốc không quá kỳ vọng.
Hợp đồng dầu thô tương lai đầu tiên được định giá bằng đồng nhân dân tệ sẽ chính thức được giao dịch trên Sàn Giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải (INE) trực thuộc Sàn Giao dịch Hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (SHFE).
Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã không đặt quá nhiều kỳ vọng về sự cạnh tranh hay vẽ ra viễn cảnh tươi sáng của loại hợp đồng này trong thời gian tới.
Sàn Giao dịch Hàng hóa kỳ hạn Thượng Hải (SHFE) cũng không đề cập đến bất cứ sự cạnh tranh có thể có của hợp đồng dầu thô định giá bằng đồng nhân dân tệ trên thị trường dầu mỏ thế giới như hợp đồng dầu Brent của Intercontinental Exchange và dầu Tây Texas của New York Mercantile Exchange.
SHFE chỉ cho rằng, việc phát hành hợp đồng dầu thô tương lai là “nỗ lực mới để mở cửa thị trường hoàn toàn”. Nó sẽ là một quá trình lâu dài trước khi đạt được vai trò lớn trong nền kinh tế quốc gia, một tiêu chuẩn khu vực và giúp Trung Quốc kiểm soát giá cả hàng hóa.
Theo SHFE, hợp đồng này là một công cụ bảo hiểm rủi ro có thể phản ánh tốt hơn các điều kiện thị trường ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Huang Lei, nhà phân tích về hợp đồng hàng hóa tương lai đánh giá, vẫn còn rất nhiều rào cản trước khi Trung Quốc muốn khẳng định bất cứ điều gì về năng lực dầu mỏ của mình trên thị trường thế giới.
“Đây là hợp đồng hàng hóa quan trọng nhất trên thị trường kỳ hạn của Trung Quốc. Sẽ không dễ dàng để thiết kế và tạo ra một hệ thống hoàn chỉnh trong một thị trường mới” – ông Huang Lei nói.
Theo South China Morning Post, tổng cộng có 149 công ty được cho phép cung cấp dịch vụ cho các nhà giao dịch hợp đồng dầu thô tương lai bằng nhân dân tệ, nhưng vẫn chưa rõ có bao nhiêu công ty dầu khí và nhà đầu tư nước ngoài đăng ký để giao dịch hợp đồng này.
Các nguồn tin cho hay, ExxonMobil và Royal Dutch Shell có thể là những công ty nước ngoài tham gia giao dịch. Các nhà đầu tư cá nhân sẽ không được phép tham gia trao đổi hợp đồng nếu không có đủ 500.000 nhân dân tệ trong tài khoản giao dịch của họ.
Bất chấp các nỗ lực hiện tại của Bắc Kinh khi bày tỏ ý định quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ, thống kê của Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) cho thấy thị phần giao dịch quốc tế của đồng nội tệ Trung Quốc khó tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, chỉ 1,61% thanh toán nội địa Trung Quốc và quốc tế được thực hiện bằng đồng CNY trong tháng 12/2017.
“Tiến trình quốc tế hóa đồng CNY của Trung Quốc trong năm 2017 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có triển vọng trong dài hạn”, ông Michael Moon, Trưởng phòng thị trường thanh toán châu Á- Thái Bình Dương của SWIFT, cho biết.
Trên thực tế, giá trị giao dịch quốc tế của nhân dân tệ đã giảm khá mạnh trong những năm qua. Nếu như thị phần giao dịch quốc tế của đồng nhân dân tệ tháng 12/2015 là 2,31%, thì đến tháng 12/2016 giảm mạnh xuống còn 1,68% và giảm tiếp xuống còn 1,61% vào tháng 12/2017.
Sở dĩ thị phần giao dịch của đồng nhân dân tệ giảm mạnh là do chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định kiểm soát chặt hệ thống tài chính, đặc biệt là các giải pháp hạn chế dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
“Sự kiểm soát dòng vốn đầu tư của Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục được thực hiện trong năm nay, do đó thị phần giao dịch quốc tế của CNY cũng khó tăng mạnh mẽ” – ông Michael Moon nhận định.
Mặc dù vậy, nhưng việc một số quốc gia đã chuyển đổi sang nắm giữ đồng nhân dân tệ, thay vì USD trong thanh toán quốc tế, cũng như trong dự trữ ngoại hối, có thể sẽ hỗ trợ tích cực cho Trung Quốc trong việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Đầu tháng 1/2018, ngân hàng trung ương Pakistan cho biết sẽ sử dụng đồng nhân dân tệ thay cho USD trong thanh toán song phương với Trung Quốc.
Năm 2017 vừa qua là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ của Bắc Kinh trong nhập khẩu ròng dầu thô lớn nhất thế giới với 420 triệu tấn vào năm 2017, tăng 10,7% so với năm trước đó.
Trung Quốc đại lục cũng là nơi tiêu thụ dầu nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.