Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngTập trận khủng với 23 quốc gia, Ấn Độ muốn "dằn mặt"...

Tập trận khủng với 23 quốc gia, Ấn Độ muốn “dằn mặt” TQ?

Cuộc tập trận với sự tham dự của 23 quốc gia do Ấn Độ chủ trì trong tháng Ba tới bị giới chuyên gia Trung Quốc xem là hành động nhằm dằn mặt Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng năng lực quân sự.

Việc Ấn Độ làm nước chủ nhà tổ chức cuộc tập trận hải quân quy mô lớn với sự tham dự của 23 quốc gia vào tháng Ba tới khiến giới quan sát Trung Quốc cảnh báo căng thẳng Trung – Ấn đang mở rộng cả ở trên biển và trên đất liền. Nói cách khác, quân đội Trung Quốc cần sẵn sàng phương án đối phó.

“Cuộc tập trận đa phương mang tên ‘Milan’ sắp diễn ra ở quần đảo Andaman và Nicobar trong 8 ngày từ ngày 6/3 tới”, hãng tin Press Trust of India (PTI) của Ấn Độ cho hay.

Theo PTI, Ấn Độ sẽ đón tiếp lực lượng hải quân của ít nhất 16 quốc gia tham dự cuộc tập trận kéo dài 8 ngày “trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”.

Dẫn lời phát ngôn viên hải quân Ấn Độ, Tướng DK Sharma, PTI cho hay 16 quốc gia sẽ tham dự cuộc tập trận hải quân quy mô lớn sắp tới là Australia, Malaysia, Maldives, Mauritius, Myanmar, New Zealand, Oman, Việt Nam, Thái Lan, Tanzania, Sri Lanka, Singapore, Bangladesh, Indonesia, Kenya và Campuchia.

Tuy nhiên, theo thông tin trên trang web chính thức milan18.org liên quan tới cuộc tập trận Milan, 23 quốc gia sẽ tham dự đợt diễn tập hải quân lớn tại Ấn Độ sắp tới. Cụ thể, các quốc gia không được PTI nhắc tới còn có Nam Phi, Philippines, Mozambique, Brunei, Papua New Guinea, Seychelles và Timor Leste. 

“Cuộc tập trận Milan 2018 do Ấn Độ chủ trì sẽ là đợt diễn tập có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Ấn Độ đang chọc giận Trung Quốc. Đây là hành động không có lợi cho mối quan hệ hai nước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cuộc chiến giữa Trung – Ấn sẽ được mở rộng cả ở trên biển và trên bộ”, nhà nghiên cứu Hu Zhiyong tại Viện Các mối quan hệ quốc tế thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu hôm 26/2.

Trung Quốc nên “chuẩn bị sẵn phương án quân sự đối phó trước những hành động khiêu khích vô lý”, ông Hu nói thêm.

Trong khi đó, quần đảo Andaman và Nicobar nằm ở phía đông Ấn Độ Dương cũng như tiếp giáp với vịnh Bengal và biển Andaman, khu vực chứng kiến 9 cuộc diễn tập hải quân đa phương từ năm 1995.

 

Theo milan18.org, cuộc tập trận hải quân năm 2014 có 16 nước tham dự. Trang web milan18.org cũng khẳng định cuộc tập trận sắp tới sẽ tạo nền tảng hợp tác giữa các nước trong việc phản ứng trước các sứ mệnh cứu trợ nhân đạo.

Song theo PTI, các quan chức hải quân của những nước tham dự cuộc tập trận Milan 2018 sẽ còn nhóm họp để thảo luận về hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Mục tiêu của sự kiện đang bị thay đổi. Cuộc tập trận không còn giữ được mục tiêu ban đầu và dường như đang chĩa về phía Trung Quốc”, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời ông Zhao Gancheng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải.

Hồi tháng Một, Ấn Độ đã cho phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Agni-V. “Với tầm bắn hơn 5.000 km, tên lửa Ấn Độ có thể tấn công mọi mục tiêu ở khu vực phía bắc Trung Quốc”, tờ Times of India nhận định.

Vào cuối tháng Một, Ấn Độ cũng đã tiếp tục cho phóng thử tên lửa Prithvi-II có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân ở bang Odisha.

Còn hồi tháng Sáu năm ngoái, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã có hơn 70 ngày đối đầu căng thẳng ở cao nguyên tranh chấp Doklam.

Theo ông Zhao, Trung Quốc nên tìm cách tiến hành đối thoại với các quan chức hàng đầu Ấn Độ để giải quyết hàng loạt vấn đề nhạy cảm giữa hai nước nhằm tránh xảy ra xung đột.

RELATED ARTICLES

Tin mới