Trung Quốc tìm cách phát triển hải quân để bảo đảm an toàn hàng hải, đồng thời tìm kiếm lợi ích kinh doanh cảng biển từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, vùng biển Trung Đông.
Tháng 12/2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Nam Hải. Ảnh: Sohu/Xinhuanet.
Hiện nay, Trung Quốc đang tìm mọi cách để vững bước trở thành cường quốc biển . Trung Quốc lần lượt giành được quyền sử dụng cảng biển trên tuyến đường giao thông trên biển kết nối từ các nước sản xuất dầu mỏ Trung Đông với đất liền Trung Quốc.
Trung Quốc còn đang mở rộng thực lực hải quân, tiếp tục đối kháng với hải quân Mỹ, lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới. Trung Quốc sẽ không dừng các bước mở rộng thực lực trên biển.
Tăng cường sức mạnh hải quân
Vào thượng tuần tháng 2/2018, hình ảnh tàu đổ bộ Hải quân Trung Quốc chở tháp pháo khổng lồ lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận. Cộng đồng mạng phỏng đoán “Trung Quốc lần đầu tiên chế tạo thành công tàu chiến mang theo pháo ray điện”.
Pháo ray điện là pháo lớn dựa vào dòng điện lớn để tăng tốc cho đạn, tầm bắn đạt 200 km, gấp 10 lần đại pháo, tốc độ và khả năng phá hoại mục tiêu được tăng cường rất lớn. Chính phủ Trung Quốc mặc dù giữ im lặng về vấn đề này, nhưng có chuyên gia cho rằng Trung Quốc cũng đã chiếm được thời cơ đi trước trong phát triển vũ khí mũi nhọn.
Chuyên gia hải quân cho rằng: “Đến trước năm 2030, Trung Quốc sẽ xây dựng thành công 4 cụm chiến đấu tàu sân bay“. Năm 2012, Trung Quốc lần đầu tiên đưa vào hoạt động tàu sân bay, loại trang bị không thể thiếu trong việc tiến hành kiểm soát biển. Tàu sân bay này tên là Liêu Ninh, được cải tạo trên nền tảng thân tàu sân bay của Liên Xô.
Năm 2017, tàu sân bay tự chế đầu tiên của Trung Quốc đã hạ thủy, chiếc tàu sân bay thứ ba cũng đang được chế tạo ở Thượng Hải.
Kinh phí quốc phòng năm 2017 của Trung Quốc đã vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,3% GDP), tăng 10 lần so với năm 2000. Mặc dù chi tiêu quân sự chỉ bằng 30% của Mỹ, nhưng lại giữ vững vị trí thứ hai thế giới và theo đuổi Mỹ một cách vững chắc.
Trung Quốc có truyền thống coi trọng xây dựng lục quân, lấy lục quân làm trung tâm, nhưng nay coi tăng cường sức mạnh hải quân là một trong những lĩnh vực trọng điểm.
Chuyên gia của Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu Canon (CIGS) cho rằng: “Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh hải quân để xác lập hiện diện quân sự có thể đối đầu với hạm đội Mỹ hoạt động ở Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương và Trung Đông”.
Tìm cách bảo đảm an toàn hàng hải
Trung Quốc nhấn mạnh “đẩy nhanh xây dựng cường quốc biển”, thực lực hải quân mạnh có nghĩa là có thực lực bảo đảm an toàn tuyến đường hàng hải .
Ngoài ra, Trung Quốc còn lần lượt giành được quyền sử dụng cảng biển trên tuyến đường hàng hải từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, vùng biển Trung Đông. Tàu thuyền Trung Quốc được quyền ra vào những cảng biển này, Trung Quốc tìm cách thu lợi từ kinh doanh trên các tuyến đường hàng hải.
Tháng 12/2017, Cục cảng vụ Sri Lanka chính thức chuyển nhượng quyền vận hành kinh doanh của cảng Hambantota phía nam cho Trung Quốc.
Từ năm 2008, Sri Lanka đã sử dụng nguồn vốn Trung Quốc là chính để đầu tư xây dựng cảng trị giá khoảng 1,3 tỷ USD, nhưng chính phủ không thể hoàn lại khoản tiền xây dựng, vì vậy đến tháng 7/2017 đã chuyển nhượng quyền kinh doanh cho Trung Quốc. Cảng Hambantota nằm giữa biển Ả rập và Ấn Độ Dương, nằm ngay cạnh Ấn Độ.
Các tổ chức tài chính của chính phủ và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thúc đẩy xây dựng cảng cỡ lớn ở nước ngoài, đã có được quyền lợi của 7 cảng biển. Trước cuối năm 2017, Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận như viện trợ xây dựng liên quan đến 30 cảng biển.
Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách bảo đảm an ninh cho tuyến đường biển đi qua eo biển Malacca khi vận chuyển dầu mỏ từ khu vực Trung Đông về nước.
Eo biển Malacca là tuyến đường ngắn nhất kết nối Ấn Độ Dương với Biển Đông, nhưng độ rộng là 70 km, độ sâu bình quân chỉ khoảng 25 m. Nếu xảy ra chiến sự, tàu ngầm của quân đội Mỹ có thể sẽ phong tỏa eo biển này, gây lo ngại rất lớn cho Trung Quốc.
Trung Quốc bỏ vốn gần 200 triệu USD để viện trợ xây dựng cảng Gwadar của Pakistan, đã giành được quyền sử dụng 43 năm. Trung Quốc có kế hoạch sử dụng đường ống dầu khí và đường sắt để kết nối cảng này với khu vực tây bắc Trung Quốc.
Đường ống dầu khí dài gần 800 km kết nối giữa khu vực Kyaukpyu bờ biển phía tây Myanmar với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc do Trung Quốc đầu tư đã khai thông. Điều này sẽ đảm bảo cho tài nguyên dầu khí trực tiếp vận chuyển về Trung Quốc mà không phải đi qua eo biển Malacca.
Ảnh hưởng trên biển ngày càng mở rộng
Đúng như cựu quan chức ngoại giao Nhật Bản Kunihiko Miyake đã nói, “Trung Quốc tìm cách thoát khỏi bóng tối lịch sử bị các cường quốc xâm lược sau chiến tranh nha phiến năm 1840”. Nhưng đối với Mỹ, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển, đang thách thức trật tự quốc tế sau Chiến tranh.
Là nước nắm bá quyền trên biển, nhưng tháng 12/2017, báo cáo chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ đã thừa nhận: “Cạnh tranh giữa các cường quốc đang tái diễn”. Báo cáo chủ trương dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự để phong tỏa Trung Quốc và Nga. Đối đầu trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt, các nước khác cũng không thể chỉ lo cho bản thân mình.