Bản tin Biển Đông ngày 06/03/2018.
Phát ngôn viên Tổng thống Philippines: hợp tác chung ở Biển Đông là “một thực tiễn chung”
Sun Star đưa tin, ngày 5/3, tại buổi họp báo, Phát ngôn viên Tổng thống Philippines Harry Roque khẳng định với báo giới rằng hợp tác chung ở Biển Đông là “một thực tiễn chung ” ở khu vực và thế giới. Tuyên bố của ông Roque được đưa ra sau khi Thẩm phán Toà án tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng kế hoạch thăm dò chung giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông chỉ có thể chấp nhận được nếu tuân thủ luật pháp Philippines. Trước đó, Phủ Tổng thống Philippines cũng đã thông báo rằng Philippines và Trung Quốc dự kiến sẽ cùng tiến hành hợp tác tại các khu vực lô Dịch vụ dầu khí SC57 (Calamian) và SC72 (Bãi Cỏ Rong). Ông Roque cho biết, “Calamian không phải là khu vực tranh chấp, Philippines có thể cho phép các công ty nước ngoài có thể thăm dò và khai thác nếu Philippines muốn”, “miễn là Philippines có quyền kiểm soát tuyệt đối đối với các hoạt động thăm dò và phát triển”. Trong khi đó, tại khu vực tranh chấp tại Bãi Cỏ Rong, ông cho rằng hai bên cần thông qua một điều ước song phương cho phép các bên tham gia vào hoạt động thăm dò chung và nhấn mạnh rằng nguyên tắc công bằng theo luật quốc tế cần phải được áp dụng cho hoạt động hợp tác chung tại khu vực này.
Ông Richard Heydarian, chuyên gia nghiên cứu về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế, Đại học De La Salle, Philippines tại một buổi phỏng vấn trên truyền hình cùng ngày, cũng cho rằng trước hết Trung Quốc cần phải công nhận chủ quyền của Philippines tại Biển Đông trước khi bất cứ hoạt động thăm dò chung nào diễn ra vì “nếu các bên khác không công nhận chủ quyền của Philippines ở Biển Đông dù là chính phủ hay công ty dầu khí, năng lượng của Trung Quốc, điều đó cũng sẽ đi ngược lại Hiến pháp của Philippines”.
Ý kiến chuyên gia: hoạt động thăm dò chung ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc cần một khung điều ước
Hãng ABS-CBN đưa tin, ngày 6/3, trả lời phỏng vấn với hãng tin ANC của Philippines, ông Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Các vấn đề biển và Luật biển, Đại học Philippines cho rằng Philippines có thể cùng thăm dò chung tại Biển Đông với Trung Quốc nếu hai bên có thể thống nhất thông qua một khung điều ước, “cách duy nhất để hai bên ràng buộc với các nguyên tắc về thăm dò chung”. Cụ thể, ông Batongbacal cho hay “thoả thuận này cần phải có các điều luật về thi hành riêng, bởi thoả thuận sẽ khác hoàn toàn với hệ thống hợp đồng hiện nay”, nhấn mạnh một điều khoản sẽ được đặt trong điều ước này để đảm bảo rằng hoạt động thăm dò chung sẽ không gây phương hại đến yêu sách pháp lý của Manila ở Biển Đông, và đặc biệt là không ảnh hưởng đến Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Ngoài ra ông Batongbacal cũng cảnh báo rằng Philippines cần “đề cao cảnh giác” khi hợp tác thăm dò chung với Trung Quốc do nếu có vấn đề phát sinh từ hoạt động này, Philippines sẽ là nước phải chịu tác động về môi trường trước tiên.
Trung Quốc khăng khăng rằng “chi tiêu quân sự của họ chỉ ở mức thấp và cân đối”
Tạp chí The Straits Times cho biết, theo tờ Trung Hoa Nhật báo đưa tin ngày 06/3, ngày 05/3, Trung Quốc đã công bố mức tăng ngân sách quốc phòng lớn nhất của nước này trong 3 năm là 8,1% trong năm 2018, một mức tăng mà truyền thông nước này bao biện rằng vẫn là “thấp và cân đối”. Tuy nhiên, The Straits Times nhận định mức tăng chi tiêu quân sự quốc phòng này chứng tỏ một điều rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh chương trình hiện đại hoá quân sự của nước này và làm tăng thêm những lo ngại cho các nước láng giềng. Trong khi đó, thế giới vẫn đang theo dõi sát sao hoạt động chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, một trong những căn cứ để đánh giá các tính toán chiến lược của nước này trong các hoạt động phát triển năng lực quân sự rầm rộ hiện nay, bao gồm các phi cơ chiến đấu, tàu sân bay và các loại tên lửa chống vệ tinh. The Straits Times cũng cho biết, liên quan đến mức tăng chi tiêu quân sự này, tờ Trung Hoa Nhật báo khăng khăng rằng các hoạt động chi tiêu quân sự của họ luôn minh bạch và không nhằm đe doạ bất cứ bên nào, trái lại chỉ nhằm cải tiến các khí tài lạc hậu và bảo vệ “các lợi ích chính đáng của mình”, dù đó là những hành động mà dư luận quốc tế cho là ngày càng hung hăng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tờ báo này bao biện: “Trung Quốc thấy rằng các lợi ích trên biển của mình đang ngày càng bị phương hại nhiều hơn trong những năm gần đây, và do đó việc có một lực lượng quân đội hùng mạnh là đương nhiên để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc và đối phó với bất cứ nguy cơ nào xuất phát từ hành động khiêu khích bởi những quốc gia lo lắng về sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Về lập luận này, The Straits Times cho biết Trung Quốc luôn xem Mỹ là mối đe doạ an ninh tiềm tàng lớn nhất với các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.