Trong nỗ lực kiểm duyệt phản ứng của người dân trước đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ đang áp dụng với Chủ tịch và Phó chủ tịch nước, giới chức Trung Quốc đã cấm nhiều từ ngữ hoặc hình ảnh được cho là “nhạy cảm” trên mạng internet, trong đó có ký tự “N” và gấu Pooh.
Trung Quốc mở đợt kiểm duyệt sau khi đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ với Chủ tịch nước được công bố – Ảnh: Getty Images
Theo ông Victor Mair, giáo sư về ngôn ngữ và văn học Trung Quốc của đại học Pennsylvania, cho biết có thể chính quyền Bắc Kinh lo ngại “N” có thể đề cập đến số nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, giống như trong phương trình toán học “N > 2” vậy.
Dùng “N” thay cho số từ (thường từ 2 trở lên, có ý chỉ nhiều) là cách dùng được cư dân mạng Trung Quốc sáng tạo ra trong những năm trở lại đây và hiện rất phổ biến.
Không chỉ ký tự “N”, hàng trăm từ ngữ tiếng Trung cũng bị cấm xuất hiện trên các nền tảng tin tức và mạng xã hội, như “Tập Trạch Đông” (Xi Zedong, ghép họ của Chủ tịch Tập với tên của cố lãnh đạo Mao Trạch Đông); “vạn tuế” (wan sui, từ dùng để tung hô vua chúa); “chế độ trọn đời” (zhong shen zhi); “mộng hoàng đế” (huang di meng);…
Tuy nhiên, ký tự “N” chỉ bị cấm tạm thời và hiện đã được phép sử dụng trở lại từ ngày 1.3.
Đặc biệt, hình ảnh gấu Pooh, nhân vật hoạt hình trong loạt phim Winnie the Pooh, cũng bị tình trạng tương tự, cùng với “Disney” (phiên âm tiếng Trung là “Di si ni”). Hình ảnh này là đối tượng thường xuyên của các đợt kiểm duyệt.
Gấu Pooh thường được cư dân mạng dùng để chỉ Chủ tịch Tập Cận Bình. Sự gán ghép này bắt đầu vào năm 2013, khi bức ảnh chú gấu Pooh đi cùng với hổ Tigger được đặt bên cạnh ảnh Chủ tịch Tập Cận Bình tản bộ với Tổng thống Barack Obama. Ảnh ông Tập bắt tay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại APEC 2014 cũng từng bị ghép với ảnh Pooh và lừa Eeyroe.
Năm 2015, một bức ảnh so sánh ông Tập Cận Bình dùng ôtô duyệt binh với hình gấu Pooh ngồi xe đồ chơi đã bị cấm ngay lập tức.
Lần kiểm duyệt gắt gao này của Bắc Kinh được thực hiện ngay khi nội dung đề xuất sửa đổi Hiến pháp mà Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đệ trình trong kỳ họp Quốc hội nước này được công bố vào ngày 25.2, trong đó đáng chú ý là đề xuất bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước quy định tại khoản 3, điều 79 hiến pháp. Đây được xem là động thái mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền lâu hơn.
Ông Tập Cận Bình năm nay 64 tuổi, được bầu làm Tổng bí thư và Chủ tịch Trung Quốc từ năm 2013. Ông tái đắc cử vào năm 2017 và đang ở trong nhiệm kỳ 5 năm thứ hai.