Tuesday, October 15, 2024
Trang chủĐàm luậnTập Cận Bình: “Vị hoàng đế” trọn đời mới?

Tập Cận Bình: “Vị hoàng đế” trọn đời mới?

Liệu Tập Cận Bình có thể là “vị hoàng đế” trọn đời hay không? Đó là điều thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới, nhất là phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vừa đề nghị bỏ quy định trong Hiến pháp, theo đó “chủ tịch và phó chủ tịch nước không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.

ĐCSTQ vừa đưa ra đề nghị bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ với vị trí chủ tịch và phó chủ tịch nước. ĐCSTQ cũng đề xuất đưa tư tưởng Tập Cận Bình về “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới” vào nội dung Hiến pháp. Đây là một quyết định hệ trọng. Nhà nước Trung Quốc là một nhà nước nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ, do vậy, đề xuất mà ĐCSTQ đưa ra chắc chắn luôn được các cấp chính quyền của nhà nước Trung Quốc chấp nhận. Theo đó, Tập Cận Bình có khả năng sẽ nắm quyền lực cho đến cuối đời, ở cả hai vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch Trung Quốc. Những người tiền nhiệm như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào từng nắm giữ quyền lực trong thời gian dài, nhưng chỉ giới hạn trong 10 năm. 

Chủ nghĩa cộng sản là một mô hình kết hợp chủ nghĩa tập thể về phương diện tổ chức kinh tế và chuyên chế về phương diện tổ chức chính trị. Tuy nhiên, sẽ không xảy ra khả năng Tập Cận Bình hay ĐCSTQ trở lại với chủ nghĩa cộng sản nguyên mẫu và từ bỏ mô hình mà ĐCSTQ đã lựa chọn, một mô hình kết hợp chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa chuyên chế. Mô hình của Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông có điểm giống với chủ nghĩa tư bản, cũng là nguồn gốc của sự phát triển kinh tế thần kỳ cũng như sự gia tăng sức mạnh địa chính trị của Trung Quốc trong 40 năm qua. 

Trung Quốc sẽ không thay đổi một mô hình “đang có sức thuyết phục”. Do vậy, ĐCSTQ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ duy trì chủ nghĩa tư bản. Họ cũng sẽ duy trì và thậm chí củng cố chủ nghĩa chuyên chế. Điều này có thể nhận thấy qua nhiều biểu hiện: Kể từ năm 2012, ĐCSTQ tuyên bố với người dân (đặc biệt với những nhà lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân lớn) rằng chỉ ĐCSTQ mới có quyền lực quyết định trong xã hội Trung Quốc; nhân danh cuộc chiến chống tham nhũng, phe phái Tập Cận Bình đã đồng loạt làm suy yếu các phe phái còn lại trong Đảng; ĐCSTQ đã nhất trí tôn sùng Tập Cận Bình bằng việc đưa các tư tưởng của ông vào Hiến pháp Trung Quốc. Như vậy, mọi thứ đã đi theo một trật tự như thể toàn bộ xã hội Trung Quốc đều bằng lòng chấp nhận các định hướng chính trị do phe phái Tập Cận Bình quyết định.

 ĐCSTQ thay đổi phương thức vận hành trong nội bộ Đảng

Tập Cận Bình và ĐCSTQ đã nhận thấy kể từ năm 2000, Trung Quốc không ngừng ghi điểm trước Mỹ trong mọi lĩnh vực và trên mọi khía cạnh: công nghiệp, thương mại, kinh tế, tài chính, tiền tệ, công nghệ, ngoại giao, thể chế quốc tế, vũ khí, xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài… Trên thực tế, Tập Cận Bình và Đảng của ông cho rằng nếu không mắc sai lầm, thì trong những năm tới, họ có thể khiến Mỹ phải chịu một thất bại địa chính trị lớn. Đó là lý do tại sao họ đã quyết định kiểm soát hoàn toàn xã hội Trung Quốc để không một phe đối lập nào trong nội bộ Đảng trở thành vật cản cản đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vào thời điểm họ đang nuôi ý định “tung đòn quyết định” với Mỹ và các đồng minh. Quyết định này không phải là một bất ngờ lớn. Đại hội XIX của ĐCSTQ, diễn ra vào mùa Thu 2017, đã không có chỗ dành cho người kế nhiệm Tập Cận Bình. Vả lại, các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, những nhân vật thân tín của Tập Cận Bình, cũng là những người cùng thế hệ với ông (sinh trong khoảng năm 1950-1957).

 Không có gương mặt trẻ nào nổi lên tại Đại hội XIX, và tuyên bố về việc chuẩn bị cho một nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình sau năm 2022 đã được mong đợi từ vài tuần trở lại đây. Tập Cận Bình đã đặt ra những mục tiêu như thế nào? Liệu ông có muốn tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba khi đã ngoài 70 tuổi và trở thành một chủ tịch trọn đời? Do vậy, có thể so sánh Tập Cận Bình với Mao Trạch Đông (tuy không giữ vai trò chủ tịch nước trong khoảng thời gian liên tục). Tất nhiên, cần cẩn trọng để tránh sự nhầm lẫn. Tập Cận Bình đã không ngừng tập hợp quanh ông quyền lực lớn hơn những người tiền nhiệm, và dường như chưa bao giờ, kể từ khi Đặng Tiểu Bình (tuy không phải là chủ tịch nước) mãn nhiệm, lại có một nhân vật nắm quyền lực lớn đến vậy, với cương vị là người đứng đầu hai thể chế chính trị quan trọng của Trung Quốc.

Sự quay trở lại chủ nghĩa tôn sùng cá nhân (như đã được nhận thấy dưới thời Mao Trạch Đông) và mong muốn nắm quyền lực trọn đời? Tương lai sẽ cho câu trả lời, nhưng quyết định này đặt ra câu hỏi về sự đại diện của giới tinh hoa chính trị thuộc thế hệ sinh vào những năm 1960, thế hệ “bị đánh mất” – đã chịu đựng cuộc cách mạng văn hóa trong thời tuổi trẻ. Và chúng ta có thể nhận được nhiều giải đáp. 

Vai trò của Đảng Cộng sản hiện nay trong việc xác định quyền lực và các thể chế lãnh đạo

ĐCSTQ là đảng nắm quyền lãnh đạo ở Trung Quốc. Do vậy, các cấp chính quyền hoàn toàn do Đảng chi phối. Chúng ta chứng kiến một nhà nước do một đảng lãnh đạo (một nhà nước-đảng) và một đảng hoàn toàn chi phối nhà nước (một đảng-nhà nước). 

 ĐCSTQ giữ vai trò trung tâm trong đời sống chính trị, cũng như với nền kinh tế, các định hướng xã hội và cả với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Người ta dùng thuật ngữ “nhà nước-đảng”, và đôi khi “đảng-nhà nước” để chỉ hệ thống chính trị dựa vào sự chi phối của ĐCSTQ đối với các thể chế chính trị. Đây không phải là điều mới mẻ, nhưng những diễn biến về kinh tế và xã hội trong vòng 30 năm qua đã đặt ra những câu hỏi chính đáng về sự suy yếu của hệ thống chính trị Trung Quốc. Câu trả lời được tìm thấy qua bài diễn văn dài của Tập Cận Bình tại Đại hội XIX. Tại Đại hội lần này, ông đã nhiều lần nhấn mạnh việc củng cố ĐCSTQ như là mục tiêu trong nhiệm kỳ của mình. Hơn bao giờ hết, nhà nước Trung Quốc và ĐCSTQ có mối liên quan mật thiết với nhau, và điều này sẽ không thay đổi một khi Tập Cận Bình nắm giữ quyền lực.

Đề xuất sửa đổi Hiến pháp nói trên được chào đón như thế nào ở Trung Quốc? 
Cả người dân cũng như các đảng viên của ĐCSTQ đều không có tiếng nói và biết rằng họ không có quyền làm điều đó. Trên thực tế, các tờ báo không còn tồn tại, đài phát thanh và truyền hình bị chế độ đảng-nhà nước kiểm soát và chịu sự kiểm duyệt tuyệt đối. Danh tính những công dân có các ý kiến bất đồng chính trị trên các trang mạng xã hội Trung Quốc dễ dàng được xác định và họ sẽ chịu sự trừng phạt nặng nề. 

Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo khá được lòng dân ở Trung Quốc. Niềm tự hào dân tộc, những hứa hẹn sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, và những kết quả của cuộc chiến chống tham nhũng (với nỗ lực nối lại sợi dây gắn kết giữa các nhà lãnh đạo và xã hội, và  củng cố tính hợp pháp của chính quyền) là những nền tảng giúp ông được lòng dân. Do vậy, đề xuất sửa đổi Hiến pháp nói trên đã được chào đón. Tuy nhiên, đặt bản chất của chế độ chính trị và tầm ảnh hưởng của các thể chế chính trị sang một bên, chúng ta cần đặt câu hỏi kiểu nhà lãnh đạo nào mà người dân Trung Quốc mong muốn, vượt trên cả bản chất của chế độ và sức ảnh hưởng của các thể chế. Nếu giới hạn hai nhiệm kỳ tổng thống ở phương Tây được nhìn nhận như là một tiến bộ, thì liệu điều này có đúng với trường hợp của Trung Quốc hay không?

Chừng nào một nhân vật được xem như là người kế nhiệm tất yếu của Tập Cận Bình chưa xuất hiện (hoặc do thực sự không có, hoặc do Tập Cận Bình đã luôn chú ý tìm cách gạt bỏ các đối thủ), câu hỏi liên quan tới việc khi nào chủ tịch đương nhiệm rời bỏ quyền lực sẽ chưa được đặt ra một cách quyết liệt. Cuối cùng, cần nhớ rằng tư tưởng sùng bái cá nhân (được xem như là một tư tưởng dị biệt ở phương Tây) lại không được nhìn nhận theo một cách khác ở Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới