Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ: “Lợi bất cập hại”

TQ xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ: “Lợi bất cập hại”

Theo đề xuất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) khóa XIII của nước này đang diễn ra tại Bắc Kinh sẽ xem xét thông qua việc thay đổi hiến pháp, bỏ giới hạn tối đa hai nhiệm kỳ với các chức vụ Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước. Liên quan đến nội dung này, báo Liên hợp buổi sáng (Singapore) đăng bài viết của ông Đặng Duật Văn, nhà nghiên cứu cao cấp làm việc tại Viện Nghiên cứu Charhar, cho rằng quyết định đó của Trung Quốc sẽ “lợi bất cập hại”, thậm chí còn trở thành bước thụt lùi của văn minh và cải cách chính trị.



Ông Đặng Duật Văn cho rằng việc lãnh đạo tối cao của Trung Quốc tìm cách kéo dài thời gian nắm quyền của mình không có gì khiến mọi người phải kinh ngạc. Ngay từ sau khi Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc đã liên tục có thông tin cho rằng Tập Cận Bình sẽ vẫn tiếp tục nắm giữ quyền lực tại Đại hội XX, dự kiến diễn ra vào năm 2023.

Tuy nhiên, việc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước ngay trước thềm kỳ họp Lưỡng hội” (Quốc hội và Chính hiệp) khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Đó là vì chỉ 1 tháng trước đây tại Hội nghị Trung ương 2 chuyên về sửa đổi hiến pháp, các đại biểu hầu như không đả động gì đến vấn đề xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của người đứng đầu nhà nước, khiến cho dư luận nhầm tưởng rằng Hội nghị Trung ương 3 và thậm chí là cả kỳ họp Lưỡng hội cũng sẽ không thảo luận gì đến vấn đề này. Quan trọng hơn, mặc dù Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, song dưới chế độ chính trị của Trung Quốc cũng chỉ là hư danh, mang nặng tính hình tượng và lễ tân đối ngoại.

Tại Trung Quốc, vai trò lãnh đạo của Đảng là cao nhất và mọi quyền lực đều tập trung trong tay Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Do đó, việc giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước về thực chất không tạo ra trở ngại đối với việc liên nhiệm của lãnh đạo tối cao Trung Quốc. Mọi người đều cho rằng Tập Cận Bình nếu muốn tiếp tục liên nhiệm hoàn toàn có thể đề xuất sửa đổi một số quy định tại Đại hội XX để thực hiện kế hoạch của mình. Do đó, việc gấp gáp đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước của Tập Cận Bình xem ra có phần mạo hiểm hoặc vì một lý do nào đó mà bên ngoài không thể biết. 

Tuy nhiên, xét về mặt logic, quyết sách trên của Tập Cận Bình có thể được đưa ra trên cơ sở tính toán đến tiến trình thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” do chính ông này đề ra khi lên nắm quyền tại Trung Quốc. Ông hy vọng trong thời gian lãnh đạo của mình sẽ biến “Giấc mộng Trung Hoa” thành hiện thực để thông qua thành tựu đó đi vào lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, sánh ngang hàng và thậm chí còn cao hơn cả vị trí của Mao Trạch Đông. Cách đây 5 năm, Tập Cận Bình khi đề ra “Giấc mộng Trung Hoa” nhiều khả năng chưa lường trước hết được những khó khăn sẽ phải đối mặt. Cuộc chiến chống tham nhũng khắc nghiệt nhất trong lịch sử đã giúp Tập Cận Bình tập trung quyền lực, thuần phục đội ngũ lãnh đạo các cấp để ép họ toàn tâm toàn sức cho việc thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. 

Tập Cận Bình cùng đội ngũ của mình sau 5 năm cũng nhận ra rằng kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách chưa được như mong muốn. Không cải cách hoặc cải cách không đạt tiến độ đề ra sẽ không kích thích được tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của Trung Quốc. Theo đó, “Giấc mộng Trung Hoa” có khả năng sẽ chỉ là giấc mộng, mãi mãi không trở thành hiện thực. Nói cách khác, việc cải cách có quan hệ mật thiết với tiến trình thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”, trong đó cải cách đóng vai trò là động lực để hiện thực hóa giấc mộng. Giới hạn hai nhiệm kỳ theo hiến pháp cùng tình hình thực tiễn của chế độ chính trị tại Trung Quốc cho thấy các lãnh đạo trong nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt là trong nửa cuối của nhiệm kỳ thứ hai, thường thiếu kiên quyết, đồng thời vai trò quyền uy cũng giảm rõ rệt. Thêm vào đó, cả quan trường lúc này đều trở nên hỗn loạn xung quanh việc bàn giao quyền lực.

Những người đang nắm giữ các chức vụ quan trọng sẽ tìm mọi cách chạy đua để thăng tiến lên chức vụ cao hơn hoặc tìm kiếm chỗ dựa quyền lực cho mình trong nhiệm kỳ tới. Tình trạng này thường xảy ra vào khoảng 3 năm cuối của nhiệm kỳ thứ hai, cả quan trường sẽ không có ai còn chuyên tâm vào việc phục vụ nhân dân cũng như thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Điều này diễn ra theo chu kỳ, lặp đi lặp lại không chỉ gây lãng phí thời gian mà còn tổn thất cả về tiền của. Tập Cận Bình đương nhiên không muốn việc này sẽ lại diễn ra trong nhiệm kỳ thứ hai của mình. 

Trong nhiệm kỳ thứ nhất, Tập Cận Bình đã rất bận rộn với công việc chống tham nhũng và nghiêm trị Đảng, nên nhiệm kỳ hai sắp tới sẽ tập trung sức lực để thực hiện một số công việc cụ thể. Tuy nhiên, nếu tình trạng trên lại một lần nữa xuất hiện, các quan chức thất thường, không chuyên tâm làm việc thì tiến trình biến “Giấc mộng Trung Hoa” thành hiện thực rất có khả năng sẽ kéo dài vô tận. Đây có thể là nguyên nhân chủ yếu khiến Tập Cận Bình chủ trương giải quyết sớm vấn đề nghỉ hưu, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước và thể hiện rõ quyết tâm liên nhiệm để hiệu triệu mọi người tập trung sức lực vào việc cải cách và xây dựng phát triển. 
Ông Đặng Duật Văn nhấn mạnh không thể phủ nhận quyết định xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ không có mặt tốt. Tuy nhiên, mặt tốt này sẽ phải đánh đổi bằng sự thụt lùi của văn minh và cải cách chính trị.

Ông Đặng Duật Văn kết luận, chế độ nghỉ hưu do Đặng Tiểu Bình đặt ra tại Trung Quốc đã thực hiện được hơn 30 năm, qua các thế hệ lãnh đạo khác nhau và trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của thể chế chính trị hiện hành. Sắp tới, nếu chế độ này bị xóa bỏ sẽ là một bước thụt lùi đáng tiếc cho tiến trình cải cách chính trị tại Trung Quốc. Thêm vào đó, bước thụt lùi này sẽ gây tổn thương rất lớn đối với toàn bộ hệ thống xã hội của Trung Quốc.

Theo phản ánh của truyền thông nước này, người dân nói chung đều tỏ ra bất mãn và cảm thấy khó hiểu khi Đảng Cộng sản quyết định xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước. Đáng chú ý, ngay sau khi công bố thông tin kể đó, tỷ lệ người dân tìm kiếm từ “di dân” trên mạng Internet đã đột nhiên tăng vọt. Mặc dù thực tế không rõ bao nhiêu người có ý muốn ra đi, song điều này cũng gián tiếp phản ánh ý muốn của dân chúng. Để mất đi sự ủng hộ của dân chúng và chỉ dựa vào bộ máy quan chức, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc chắc chắn sẽ không thể biến “Giấc mộng Trung Hoa” thành hiện thực. 

RELATED ARTICLES

Tin mới