Friday, November 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChâu Âu đã “vỡ mộng” về TQ như thế nào?

Châu Âu đã “vỡ mộng” về TQ như thế nào?

Châu Âu đặt nhiều kỳ vọng vào Trung Quốc khi Tổng thống Mỹ Trump không mấy mặn mà với EU nhưng mọi chuyện không hề đơn giản.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Davos. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc muốn chia rẽ châu Âu?

Hơn một năm trước, khi giới tinh hoa trên toàn cầu tập trung tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, tất cả dường như vẫn còn chưa hết sốc trước thắng lợi của ông Trump, trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Nên nhớ rằng, ông Trump không hề giấu giếm thái độ coi thường đối với liên minh đa phương và thương mại vốn được cho là nền tảng của EU.

Cũng trong sự kiện ở Davos, khi bước lên bục phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hứa hẹn rằng nếu Mỹ không còn đóng vai trò nhà lãnh đạo hệ thống toàn cầu thì Trung Quốc sẽ làm điều này. Tuyên bố của ông Tập khiến các quan chức châu Âu và giới lãnh đạo doanh nghiệp rất xúc động.

Thế nhưng, một năm sau đó, giới tinh hoa châu Âu lại đang phải đối mặt với một thực tế là bản thân ông Tập Cận Bình không phải là “người bảo vệ” hệ thống toàn cầu. Thậm chí, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu giờ đây còn cáo buộc Trung Quốc đang chia rẽ Liên minh châu Âu thông qua việc lôi kéo các nước ở vùng Balkan và Trung Âu bằng những khoản đầu tư lớn. Họ cũng cảnh giác trước việc Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán hơn về mặt quân sự, tích cực triển khai mạng lưới tình báo và mạnh tay đầu tư ở nước ngoài để mở rộng ảnh hưởng.

Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Sigmar Gabriel đã đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc đang theo đuổi mô hình thế giới của riêng mình và cố dán mác Trung Quốc trên khắp thế giới, áp đặt hệ thống của Trung Quốc trở thành hệ thống toàn cầu nhưng không giống như những giá trị mà châu Âu theo đuổi.

Ông Gabriel đặc biệt quan tâm tới sáng kiến “vành đai, con đường” – một dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ với tham vọng mở rộng quyền lực của Trung Quốc thông qua việc phát triển các tuyến thương mại mới bao gồm cả ở châu Âu. Để đẩy nhanh tiến trình này, Trung Quốc đã tạo ra nhóm “16 +1” với thành viên là Trung Quốc và 16 quốc gia châu Âu. 11 trong số đó là thành viên của EU và 5 thành viên còn lại là các nước ở Tây Balkan.

“Nếu chúng ta thất bại trong việc phát triển một chiến lược đơn lẻ với Trung Quốc thì Bắc Kinh sẽ thành công trong việc chia rẽ châu Âu”, ông Gabriel nói trong một bài phát biểu trước đó.

Đe dọa hiện hữu

Vào thời điểm đó, một số người coi nhận xét của ông Gabriel là “thổi phồng” những mối quan ngại nhưng đến giờ những ý kiến loại này đã ít đi. Mặc dù Đức xuất khẩu lượng hàng hóa khổng lồ sang Trung Quốc và đầu tư lớn ở đó và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức với kim ngạch thương mại hai chiều năm ngoái đạt 230 tỷ USD, Đại sứ Đức tại Bắc Kinh Michael Clauss đã công khai chỉ trích chính sách của Trung Quốc sau nhiều năm im lặng.

Các công ty của Trung Quốc đã tạo “sóng” thông qua việc mua công ty sản xuất máy móc, công cụ và robot của Đức Kuka và sau đó là nỗ lực để mua công ty bán dẫn chủ chốt Aixtron. Vụ mua bán này cuối cùng bị chặn lại bởi phản ứng từ phía Mỹ sau những lo ngại về mặt an ninh.

Tuần trước, công ty ô tô Geely của Trung Quốc “gây sốc” với việc mua lại gần 10% cổ phần của Daimler – một biểu tượng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô Đức. Thương vụ này làm dấy lên những câu hỏi về nguồn gốc thực sự của số tiền 9 tỷ USD. Cần phải lưu ý rằng, Geely là công ty nhỏ hơn Daimler rất nhiều.

Angela Stanzel, một chuyên gia châu Á tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại cho rằng: “Đây là một cuộc thảo luận công khai về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đức”.

Berlin và Brussels đã bị rung chuyển vì những quan ngại cho rằng mục đích thực sự của sáng kiến “Vành đai, con đường” ngoài kinh tế còn ẩn chứa ý đồ chính trị.

Trung Quốc muốn “chia để trị” EU?

“Sự lo lắng chính là chính sách chia để trị của Trung Quốc”, bà Stanzel nói. “Mối quan ngại mới phát sinh là vì Trung Quốc đang cố để kích hoạt cách tiếp cận này. Bắc Kinh sẽ đầu tư ít hơn cho mối quan hệ với Brussels”.

Cả Đức và Pháp hiện đang thúc đẩy Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành của khối xây dựng các quy định sàng lọc đầu tư chặt chẽ hơn để bảo vệ các công ty và an ninh của châu Âu. Theo bà Stanzel, châu Âu sẽ phải tìm ra một đối sách mới với Trung Quốc, đặc biệt sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước – động thái được cho là mở đường để ông Tập Cận Bình nắm quyền lâu dài.

Bà Shirk, giám đốc Trung tâm Trung Quốc thế kỷ 21 tại Đại học California, San Diego nhận định: “Trong khi Tổng thống Nga Putin muốn làm một người thay đổi trật tự thì ông Tập Cận Bình luôn muốn được tôn trọng như một nhà lãnh đạo toàn cầu. Ông ấy (Tập Cận Bình) không cố gắng phá vỡ những cấu trúc đã tồn tại từ lâu. Nhưng gần đây, ông Tập đã bắt đầu xây dựng vị thế cho riêng mình”.

Đối với châu Âu, viễn cảnh Trung Quốc đóng vai trò đối thủ chiến lược đồng thời cũng là đối thủ chính trị sẽ là một thách thức lớn. Theo ông Orville Schell, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Mỹ – Trung Quốc tại Hiệp hội Châu Á, Bắc Kinh đã có thời gian cởi mở, chuẩn bị cho một kế hoạch lâu dài để thực hiện tham vọng của họ một cách có hệ thống. Và giờ đây, khi thời cơ chín muồi, những giá trị Trung Quốc không hoàn toàn phù hợp với giá trị châu Âu có thể sẽ đặt ra thách thức thực sự với EU, đặc biệt trong bối cảnh vai trò đầu tầu duy trì trật tự thế giới của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang bị đặt dấu hỏi.

RELATED ARTICLES

Tin mới