Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines làm gì khi TQ tuân thủ một phần phán quyết?

Philippines làm gì khi TQ tuân thủ một phần phán quyết?

Từ khi Tòa Trọng tài ra phán quyết ngày 12/7/2016, Trung Quốc công khai không tuân phủ phán quyết. Trung Quốc làm chìm phán quyết trong các hoạt động ngoại giao chính trị chính thức. Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc hành xử theo kiểu “lẽ phải thuộc kẻ mạnh” và sẽ không bao giờ tuân thủ phán quyết. Điều này có thể đúng, song Trung Quốc cũng rất ranh ma, thể hiện tuân thủ một phần để giữ thể diện. Philippines cần kiên trì theo đuổi, lấy phán quyết làm vũ khí để đối phó với Trung Quốc.

Nước lớn tuân thủ một phần

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết của vụ kiện Philippines-Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên công bố không tuân thủ. Điều này dấy lên lo ngại trong giới quan sát quốc tế rằng nước lớn ưa sử dụng sức mạnh nên sẵn sàng bất tuân luật pháp quốc tế giống như trường hợp Mỹ không tuân thủ phán quyết trong vụ kiện Nicaragua – Mỹ (1984-1986) và Nga không tuân thủ phán quyết trong vụ kiện Hà Lan – Nga (2013). Các nước lớn thường hành xử theo cách tiếp cận “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” và sẵn sàng bất tuân luật pháp quốc tế.

Điều này chưa hoàn toàn đúng vì các nước lớn như Mỹ và Nga vẫn phải giữ thể diện và hình ảnh trước cộng đồng quốc tế. Trong vụ Nicaragua-Mỹ, năm 1986, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) xử Mỹ thua liên quan đến hoạt động bán quân sự của Mỹ nhằm chống lại chính phủ Nicaragua. Mỹ đã hỗ trợ lực lượng nổi dậy Contra chống chính quyền Sandinista và rải mìn ở cảng biển của Nicaragua. Mỹ rút khỏi quá trình tranh tụng sau giai đoạn xác định thẩm quyền của tòa. Sau khi ICJ ra phán quyết, Mỹ rút hoàn toàn khỏi vụ kiện. Nicaragua đệ trình Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Mỹ thực thi phán quyết nhưng Mỹ phủ quyết. Nicaragua kiện lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và thành công. Quốc hội Mỹ sau đó cắt ngân sách viện trợ cho lực lượng Contra như yêu cầu trong phán quyết. Chính quyền Tổng thống Ronald Regan ngừng công khai ủng hộ Contra. Chính quyền Tổng thống George H.W. Bush dỡ bỏ cấm vận thương mại chống lại Nicaragua, như yêu cầu của phán quyết. Mỹ cũng viện trợ kinh tế cho Nicaragua, song không gọi là bồi thường cho Nicaragua. Trong vụ Hà Lan – Nga, năm 2013, Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) xử Nga thua trong việc bắt giữ và cáo buộc 30 người trên tàu Arctic Sunrise treo cờ Hà Lan hoạt động cướp biển. Nga không tham gia vào quá trình tố tụng và không tuân theo phán quyết. Một tháng sau khi ITLOS ra phán quyết, Quốc hội Nga ra sắc lệnh ân xá, không gọi thủy thủ đoàn của tàu Arctic Sunrise là hô-li-gân và thả về nước. Năm 2014, Nga thả tàu Arctic Sunrise, song không bồi thường cho Hà Lan.

Hai ví dụ trên cho thấy phán quyết quốc tế không chỉ liên quan đến các chính phủ trực tiếp mà còn liên quan đến các chủ thể khác trong nước và các chủ thể nước ngoài như các nước khác và các tổ chức quốc tế. Nếu lựa chọn không tuân thủ phán quyết quốc tế, nước lớn sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ trong nước và hình ảnh có thể bị xói mòn trước cộng đồng quốc tế. Nicaragua và Hà Lan hiểu điều này khi họ dựa vào cộng đồng quốc tế để cho nước lớn thấy cái giá phải trả nếu không tuân thủ phán quyết. Do đó, dù không công khai, Mỹ và Nga ngầm tuân thủ một phần phán quyết.

Trung Quốc cũng tuân thủ một phần

Trung Quốc có vẻ như cũng tính đến khả năng này. Về danh nghĩa, Trung Quốc kiên quyết phản đối và không tuân thủ phán quyết. Nhưng trên thực tế, Trung Quốc lặng lẽ điều chỉnh một số hành xử cho phù hợp.

Thứ nhất, Trung Quốc giao thiệp không chính thức với Tòa Trọng tài và tuân thủ một phần một số yêu cầu trong quá trình tranh tụng. Trung Quốc coi những giao thiệp này không phải là hình thức tham gia quá trình tranh tụng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đáp lại một cách gián tiếp và bán chính thức với các yêu cầu của Tòa, đặc biệt trong giai đoạn xác định thẩm quyền. Trung Quốc ra các tuyên bố xử lý trực tiếp các nội dung mà Tòa xem xét và khá trùng khớp với thời hạn Tòa đặt ra, trong đó Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan là cầu nối chính.

Tháng 8/2013, Đại sứ của Trung Quốc tại Hà Lan yêu cầu gặp Chủ tịch của Tòa Trọng tài nhưng Tòa đã từ chối và gửi thông báo tới các bên tránh giao thiệp một phía. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan hai lần đề đạt việc trao đổi về thủ tục. Sau đó, trong giai đoạn đệ trình tranh luận bằng văn bản, Tòa đã hướng dẫn Trung Quốc đệ trình bản kháng cáo vào ngày 15/12/2014. Thay vì đệ trình theo yêu cầu, Trung Quốc công bố văn bản lập trường (position paper) trước thời hạn một tuần vào ngày 7/12/2014, trong đó gồm nội dung phản bác Tòa không có thẩm quyền xét xử vụ kiện. Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan gửi công hàm tới Tòa và đề nghị chuyển bản lập trường này, gồm bản dịch tiếng Anh cho các thành viên bồi thẩm đoàn. Sau đó, ngày 16/12/2014, Tòa yêu cầu nêu ý kiến về việc thăm thực địa và góp ý của bên thứ ba khách quan. Ngày 6/2/2015, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan gửi thư riêng cho các thành viên bồi thẩm đoàn nhắc lại văn bản lập trường và bày tỏ phản đối với các vấn đề về thủ tục. Cuối cùng, Tòa chấp nhận văn bản lập trường của Trung Quốc và thư của Đại sứ Trung Quốc như là lời biện hộ trước Tòa vào ngày 21/4/2015. Ngày 1/7/2015, Đại sứ Trung Quốc tại Hà Lan lần thứ hai viết thư nhắc lại bản lập trường. Ngày 13/7/2015, Chủ tịch Tòa Trọng tài đưa ra thời hạn đến 17/8/2015 Trung Quốc nêu ý kiến về bất cứ vấn đề gì trong quá trình tranh tụng. Trung Quốc không đưa ra ý kiến nhưng ngày 24/8/2015 đưa ra tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhắc lại văn bản lập trường nói trên.

Khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về thẩm quyền của Tòa vào ngày 29/10/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố phán quyết là vô hiệu và không ràng buộc đối với Trung Quốc. Tòa tiếp tục xét xử, sau các phiên điều trần, mời Trung Quốc cho ý kiến về bản tường trình vào ngày 9/12/2015. Ngày 21/12/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại văn bản lập trường rằng Tòa không có thẩm quyền xét xử. Ngày 12/5/2016, Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời báo chí nhấn mạnh Tòa không có thẩm quyền, trong khi Tòa tiếp tục tìm kiếm bằng chứng từ các bên và từ các chuyên gia độc lập. Ngày 20/5/2016, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Lan đề nghị Tòa chuyển tuyên bố trước đó của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đến các thành viên bồi thẩm đoàn. Ngày 8/6/2016, Đại sứ mới của Trung Quốc tại Hà Lan cũng gửi thư cho các thành viên bồi thẩm đoàn nhắc lại lập trường của Trung Quốc về thẩm quyền của Tòa, và ngày 10/6/2016 chuyển tuyên bố của Hội Luật gia Trung Quốc phản đối thẩm quyền của Tòa.

Thứ hai, bên cạnh tham gia thực tế vào quá trình tranh tụng, Trung Quốc tích cực vận động quốc tế ủng hộ lập trường của Trung Quốc và tránh ủng hộ Philippines. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), Trung Quốc đã vận động khoảng 65 nước trong quá trình xét xử (đa phần là các nước ở xa và gần như chẳng có lợi ích hay dính dáng đến Biển Đông), trong đó 31 nước sau đó công khai ủng hộ Trung Quốc, và 4 nước thẳng thừng từ chối ủng hộ. Sau phán quyết, 5 nước bày tỏ phản đối phán quyết, 9 nước ra tuyên bố trung lập không đề cập đến phán quyết, 33 nước thể hiện tích cực nhưng không kêu gọi tuân thủ và chỉ có 7 nước công khai hối thúc các bên tuân thủ phán quyết.

Thứ ba, hành xử sau phán quyết cho thấy Trung Quốc cẩn trọng cân bằng phản ứng của mình với phán quyết đầy bất lợi. Trung Quốc ra hai tuyên bố cùng ngày, gồm tuyên bố của Bộ Ngoại giao nhắc lại các biện hộ trước đó trong bản lập trường; và tuyên bố của Quốc vụ viện có vẻ hòa giải hơn khi không nhắc đến phán quyết nhưng khẳng định chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền và lợi ích biển của Trung Quốc, tăng cường hợp tác với các nước khác duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Tuyên bố của Quốc vụ viện Trung Quốc có đoạn viết: “trong lúc chờ giải quyết cuối cùng, Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực cùng các nước trực tiếp liên quan tiến hành các dàn xếp tạm thời (provisional arrangements) thực chất, gồm khai thác chung ở các vùng biển liên quan để đạt kết quả cùng thắng và cùng duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông”. Việc đề cập đến cụm từ “dàn xếp tạm thời” thay vì nhấn mạnh “khai thác chung” sau phán quyết cho thấy Trung Quốc sử dụng ngôn ngữ gần với UNCLOS hơn. Đặc biệt, việc sử dụng “dàn xếp tạm thời” có thể ngầm công nhận rằng chỉ một số phần trên Biển Đông là tranh chấp vì “dàn xếp tạm thời” chỉ áp dụng cho khu vực Tòa gọi là tranh chấp. Do đó, “dàn xếp tạm thời” không thể áp dụng cho toàn bộ khu vực bên trong “đường lưỡi bò”, mà chỉ cho lãnh hải xung quanh các thực thể nổi khi thủy triều lên theo phán quyết của Tòa.

Philippines cần làm gì tiếp theo?

Trong bối cảnh như vậy, Philippines cần khéo léo nêu phán quyết trong các tương tác song phương và đa phương ở khu vực, đủ để thấy phán quyết có ràng buộc Trung Quốc, tạo cơ hội cho Trung Quốc giữ thể diện. Philippines nên tránh đẩy mạnh tuyên truyền vận động sự ủng hộ của công luận quốc tế, nhất là Mỹ về hành xử bất tuân luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Nếu Philippines phô trương phán quyết, có thể gây kích động quá mức, có thể sẽ ép Trung Quốc phản ứng hung hăng và quyết đoán hơn do khơi gợi về “thế kỷ ô nhục” mà Trung Quốc đã trải qua do sự xâu xé của các cường quốc bên ngoài.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy các “dàn xếp tạm thời” ở khu vực tranh chấp theo ý nghĩa của phán quyết. Nếu quyết định thăm dò chung với Trung Quốc ở Biển Đông, Philippines cần đảm bảo rằng khu vực thăm dò chung nằm trên thềm lục địa của Philippines, nội dung phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế đặc biệt là UNCLOS 1982 và “không phương hại” đến yêu sách chủ quyền và quyền chủ quyền của bên thứ ba. Nếu khu vực thăm dò chung liên quan đến bên thứ ba, Philippines cần phải trao đổi và có sự đồng thuận tham gia của tất cả các bên liên quan vì tranh chấp lãnh thổ và vùng biển ở Biển Đông không thuần túy là song phương giữa Philippines và Trung Quốc, mà còn liên quan đến Việt Nam, Malaysia và Brunei, trong khi cộng đồng quốc tế và các nước khác ở khu vực cũng có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông.

Tóm lại, hành xử của Trung Quốc tới nay cho thấy trên thực tế Trung Quốc cũng phần nào tuân theo phán quyết để giữ thể diện (dù rất nhỏ). Tuy nhiên, điều này không chứng tỏ là trong tương lai Trung Quốc sẽ tuân thủ đầy đủ phán quyết. Philippines cần kiên trì theo đuổi và bám lấy phán quyết để làm cơ sở đấu tranh với Trung Quốc, khéo léo nêu phán quyết tại các diễn đàn đa phương và song phương, thận trọng xem xét các thỏa thuận thăm dò chung với Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 và tránh phương hại đến chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích biển chính đáng của bên thứ ba.

RELATED ARTICLES

Tin mới