Thursday, January 2, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiSố phận các nước trên "Vành đai và Con đường" của TQ:...

Số phận các nước trên “Vành đai và Con đường” của TQ: Vũng lầy nợ nần dễ sa, khó thoát?

Một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Phát triển Toàn cầu nhận định “hình thức cho vay của Trung Quốc chắc chắn không thể hứa hẹn điều gì tốt đẹp” khi nói về Vành đai và Con đường.

Ảnh minh họa. Nguồn: news.163.com.

Một nghiên cứu mới cho biết kế hoạch “bơm” hàng trăm tỉ USD vào các công trình cơ sở hạ tầng như các cảng, tuyến đường sắt, và các dự án khác của Trung Quốc tại lục địa Á – Âu – Phi có thể khiến các “con nợ” phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nợ chất chồng trong tương lai gần.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu, một tổ chức tư vấn phi lợi nhuận tại Mỹ, các khoản vay từ Trung Quốc để thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ “gia tăng đáng kể nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ” của 8 quốc gia Pakistan, Montenegro, Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông cổ và Tajikistan.

Ông John Hurley, một trong những tác giả của nghiên cứu trên nhận định: “Vành đai và Con đường đem lại cho các quốc gia những thứ họ cần – đó là tài chính và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên hình thức cho vay của Trung Quốc chắc chắn không thể hứa hẹn điều gì tốt đẹp”.

Hiện nay, Pakistan là “con nợ” lớn nhất, đồng thời cũng đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ cao nhất. Ước tính Trung Quốc đang “bơm” khoảng 50 tỉ USD vào dự án xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng và nhà máy điện ở Pakistan.

“Không chỉ đứng trước nguy cơ khủng hoảng, Pakistan còn phải gánh mức lãi suất khá cao do phía Trung Quốc đưa ra”, nghiên cứu này cho biết.

Nhóm nghiên cứu cũng đã cố gắng ước tính giá trị khoản nợ ngày càng gia tăng của 7 quốc gia còn lại. Tuy nhiên, họ đã gặp khó khăn trong khâu này do Trung Quốc không công bố các khoản cho vay “một cách minh bạch hoặc có hệ thống”.

Theo số liệu năm 2016, khoản nợ Trung Quốc ở Djibouti chiếm 82% trên tổng số tiền quốc gia này vay từ nước ngoài. Nhóm nghiên cứu ước tính khoản nợ Trung Quốc ở Kyrgyzstan sẽ tăng từ 37% cuối năm 2016 lên 71% trong những năm tới, chủ yếu do những dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường đang được xây dựng ở nước này.

Nhóm nghiên cứu lo ngại Trung Quốc sẽ lợi dụng khoản nợ này để ảnh hưởng đến quyết định chiến lược của các nước, thậm chí giành quyền kiểm soát các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng, một khi viễn cảnh khủng hoảng nợ xảy ra.

Điều các nhà nghiên cứu lo ngại đã từng xảy ra trước đó. Gần đây nhất là ví dụ của Sri Lanka hồi năm ngoái. Để được xóa bỏ khoản nợ 8 tỉ USD, nước này đã đồng ý cho Trung Quốc thuê và kiểm soát một cảng mới được xây dựng trong vòng 99 năm.

Trước đó, hồi năm 2011, Trung Quốc từng đồng ý xóa nợ cho Tajikistan để đổi lấy quyền kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp.

Đặc biệt, Trung Quốc áp dụng cách giải quyết riêng cho mỗi “con nợ”, thay vì áp dụng “quy tắc con đường” chung của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB).

Nghiên cứu này kết luận, thay vì thúc đẩy tăng trưởng và cơ hội kinh tế, dự án của Trung Quốc có thể sẽ khiến các quốc gia “tụt hậu” khi phải giải quyết khủng hoảng nợ.

RELATED ARTICLES

Tin mới