11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã chính thức đặt bút ký vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Santiago, Chile.
Đại diện Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đã tham gia lễ ký rạng sáng ngày 9-3 (giờ VN).
Phát biểu trước lễ ký, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz khẳng định CPTPP truyền đi một thông điệp mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.
“CPTPP là một tín hiệu mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa bảo hộ, hướng tới một thế giới mở cửa thương mại và không còn các biện pháp trừng phạt đơn phương hay nguy cơ chiến tranh thương mại,” hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Munoz.
Việc CPTPP chính thức được ký kết sẽ tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường, là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới cũng như hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho 11 quốc gia.
Sau khi ký kết, CPTPP cần phải được thông qua tại ít nhất 6 trong số 11 nước thành viên thì mới chính thức có hiệu lực.
CPTPP là một hiệp định thương mại tự do bao gồm 11 nước là Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Úc và Việt Nam.
Theo đó, các nước thành viên sẽ có lộ trình kéo giảm thuế suất nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa và dịch vụ trong khối khi hiệp định chính thức đi vào hiệu lực dự kiến sớm nhất vào cuối năm nay.
CPTPP là kết quả đạt được của các nước bên lề Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra ở Đà Nẵng vào tháng 11 năm ngoái.
Tiền thân của CPTPP là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũ bao gồm 12 nước thành viên trong đó có Mỹ. Nước này đã tuyên bố rút khỏi hiệp định vào đầu năm ngoái.
Văn bản cuối cùng của CPTPP đã được các nước thống nhất và công bố chính thức tại New Zealand vào ngày 21-2 năm nay, sau nhiều vòng đám phán do Nhật Bản và Canada dẫn dắt.
Với gần nửa tỷ dân, 11 nước thành viên của CPTPP đóng góp tổng cộng 10.000 tỷ USD, tức hơn 13%, GDP toàn cầu và là một trong 3 hiệp định thương mại tự do lớn nhất hành tinh, theo Reuters.
Các diễn biến liên quan tới thương mại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong một tuần vừa qua hết sức sôi động. Hôm 2-3, Singapore, quốc gia giữ ghế chủ tịch luân phiên ASEAN 2018, nhận định đầy lạc quan rằng tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ kết thúc trước cuối năm nay.
Bắt đầu đàm phán từ năm 2013, RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN và 6 nước đối tác ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Dù ASEAN giữ vai trò trung tâm trong RCEP, một số nhà phân tích vẫn cho rằng ý tưởng do Trung Quốc thúc đẩy này là sự đối chọi với TPP do Mỹ dẫn đầu.