Trước sự khó lường của Nga trong năm 2018, NATO chuẩn bị tổ chức cuộc tập trận với quy mô lớn nhất sau thời kỳ Chiến tranh lạnh để đối phó.
Thông tin về cuộc tập trận này được hãng RT dẫn tuyên bố của Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, Tướng Robert Neller cho biết, Mỹ cùng các đồng minh trong NATO sẽ tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng biển Na Uy, gần biên giới với Nga.
Ông Neller nói: “Vào tháng 10/2018, chúng ta sẽ tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn của NATO. Đây sẽ là cuộc tập trận lớn nhất từ thời Chiến tranh Lạnh, có tên là Trident Juncture”.
Theo Tướng Robert Neller, cuộc tập trận sẽ là nơi phô diễn kỹ năng và uy lực của 45.000 quân nhân cùng hàng chục tàu chiến và máy bay chiến đấu tối tân.
Vị tướng này nhấn mạnh, dù cuộc tập trận này có thể bị Nga phản đối nhưng chắc chắn nó sẽ vẫn được thực hiện đúng kế hoạch. “Tôi cho rằng điều này cho thấy tầm quan trọng của cam kết chiến lược mà Mỹ đang theo đuổi về sát cánh và bảo vệ các đồng minh NATO”.
Tuyên bố trên được ông Neller đưa ra để trả lời câu hỏi về những nỗ lực của Mỹ nhằm răn đe và đáp trả hành động quân sự tiềm tàng của Nga, qua đó kích hoạt qua đó kích hoạt Điều 5, hay “điều khoản phòng vệ tập thể” của Hiệp ước NATO.
Cùng với tuyên bố của ông Neller, Tổ chức Economic Intelligence Unit (EIU) cũng cho rằng, quan hệ ngoại giao giữa Nga và các nước còn lại của thế giới, đặc biệt là khối NATO khó dự đoán hơn cả thời Chiến tranh Lạnh. Vì vậy, một cuộc tập trận cỡ lớn như vậy được coi là rất cần thiết với phương Tây.
Bà Agathe Demarais chuyên gia hàng đầu của Economic Intelligence Unit về Nga nhận xét: “Nga có thể trở thành một trong những rủi ro chính trị lớn nhất trong năm 2018. Tình hình quốc tế bây giờ kém ổn định hơn và khó dự đoán hơn cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin, Nga đang thể hiện sự hồi phục của một siêu cường với ảnh hưởng to lớn với cục diện thế giới. Châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đang dõi theo từng bước đi của Nga, để tìm ra chiến lược của Moscow thông qua chính sách đối ngoại.
Nỗ lực khẳng định mình của Nga đã khiến các nước láng giềng châu Âu cũng như phương Tây vô cùng lo ngại. Việc bán đảo Crimea sáp nhập lại vào Nga năm 2014 và vai trò của Moscow trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine đã gây ra phản ứng mạnh mẽ với Mỹ và NATO, họ liên tục áp đặt những lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga.
Hiện tại, Nga cũng đang ở trung tâm của những cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ diễn ra năm 2016. Tuy nhiên, Moscow vẫn giữ nguyên quan điểm và khẳng định không dính líu tới hệ thống chính trị của Mỹ.
Chuyên gia Demarais cũng cho rằng: “Nga ngày càng trở nên tự tin và khó dự đoán hơn. Trong chính sách đối ngoại của Nga có hai mục tiêu hàng đầu. Một là, không cho bất cứ nước nào nằm trong khu vực ảnh hưởng trực tiếp của Moscow tiếp xúc và ngả về phương Tây. Hai là, củng cố vị thế của Nga trên vũ đài quốc tế”.
Trong quan hệ với Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng: “Nga và Mỹ đã bước vào một giai đoạn tương đương với thời Chiến tranh Lạnh. Có thể, chúng ta đã bước vào một giai đoạn mà trong nhiều khía cạnh tương đương với Chiến tranh Lạnh”.
Những động thái của Nga cả trong lĩnh vực chính trị lẫn quân sự đã khiến phương Tây bất an và khó đoán trước. Vì vậy, bà Demarais cho rằng, cấm vận sẽ không tác động nhiều đến Nga mà chỉ có những cuộc tập trận được coi là thiết thực nhất chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.