Văn phòng Chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo đề xuất cung cấp hơn 300 triệu yên (tương đương 2,7 tỉ USD) nhằm hỗ trợ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đồng ý, theo Nikkei.
Đề xuất này được đưa ra nhằm thúc đẩy Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản và Hoa Kỳ nhìn nhận các cuộc thanh tra của tổ chức IAEA là bước đầu hướng tới phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đây cũng là cách Nhật Bản thể hiện vẫn giữ nguyên quan điểm duy trì đàm phán quốc tế với Triều Tiên tiếp theo các tuyên bố từ Hoa Kỳ và Hàn Quốc, cả hai quốc gia này đều lên kế hoạch hội đàm thượng đỉnh với Triều Tiên.
Nhật Bản có kế hoạch trả phần lớn các chi phí ban đầu từ 350 triệu yên đến 400 triệu yên cho việc kiểm tra khu liên hợp hạt nhân Triều Tiên tại Yongbyon, bao gồm nhà máy làm giàu uranium, lò phản ứng và cơ sở tái chế nhiên liệu đã sử dụng. Nhật Bản cũng xem xét hỗ trợ nhiều hơn nếu chi phí tăng lên, chẳng hạn trong trường hợp tìm thấy các địa điểm mới.
Tại Vienna tháng trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Giám đốc IAEA, ông Yukiya Amano đã đồng ý cùng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với hy vọng khôi phục lại cuộc thanh tra.
Tổ chức IAEA không có quyền tiếp cận các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên kể từ khi các thanh tra, giám sát viên của họ đã bị trục xuất vào tháng 4/2009.
Tháng 8/2017, cơ quan giám sát hạt nhân của LHQ đã tổ chức một nhóm các chuyên gia để chuẩn bị tái khởi động cuộc kiểm tra, và nhóm này có thể nhanh chóng hoạt động nếu đạt được thỏa thuận.
Theo chính phủ Hàn Quốc, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói với đặc phái viên Hàn Quốc trong cuộc họp tại Bình Nhưỡng hôm 5/3 rằng ông cam kết phi hạt nhân hóa.
Ông Taro Kono có thể thảo luận những cách thức xác thực tiến trình phi hạt nhân khi ông gặp một trong những đặc phái viên đã tới Triều Tiên – ông Suh Hoon, giám đốc Trung tâm Tình báo Quốc gia Hàn Quốc – vào hôm thứ Hai (12/3) để biết thêm thông tin chi tiết về cuộc đàm phán tại Bình Nhưỡng.
Nhật Bản dự kiến sẽ làm việc với Hoa Kỳ và Hàn Quốc để xây dựng một lộ trình cho phi hạt nhân hóa Triều Tiên dựa trên tuyên bố chung tháng 9/2005, bản tuyên bố đã được đưa ra với cuộc đàm phán 6 bên, trong đó có Trung Quốc và Nga.
Lộ trình có thể thiết lập nhiều giai đoạn, với sự xác thực bởi các thanh tra của tổ chức IAEA tại từng giai đoạn, cuối cùng dẫn dắt tới việc dỡ bỏ các cơ sở và vũ khí hạt nhân.
Một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết quá trình này sẽ đòi hỏi kiên nhẫn, thậm chí việc tìm ra tất cả các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, theo Nikkei.