Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóng"Đuối" hơn TQ, Nhật Bản tính kế đổi cách sử dụng viện...

“Đuối” hơn TQ, Nhật Bản tính kế đổi cách sử dụng viện trợ phát triển

Sự khác biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc biểu hiện trong mục đích chính sách hợp tác phát triển và sử dụng viện trợ phát triển của từng bên.

Một phần trong dự án viện trợ ODA của Nhật ở Philippines. Ảnh: Kyodo

Nhật Bản “đuối” hơn Trung Quốc

Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định xem xét lại chính sách viện trợ phát triển và quan hệ hợp tác phát triển với các đối tác bên ngoài.

Lý do và mục đích của việc này không được nêu cụ thể nhưng có thể luận đoán được là nhằm đối phó với việc Trung Quốc công cụ hoá chính sách viện trợ phát triển và quan hệ hợp tác phát triển, làm cho hiệu ứng của chính sách viện trợ phát triển và quan hệ hợp tác phát triển không chỉ tăng thêm mà còn phải thiết thực hơn và chiến lược hơn đối với Nhật Bản.

Với mức độ viện trợ phát triển chính thức (ODA) khoảng 8,5 tỷ USD hàng năm, chiếm khoảng 0,2% GDP, Nhật Bản đứng thứ tư trên thế giới trong danh sách những nước cung cấp viện trợ phát triển nhiều nhất. Chỉ tính riêng ODA, Nhật Bản là nước cung cấp ODA nhiều nhất ở châu Á, hơn cả Trung Quốc.

Nếu tính gộp cả ODA và viện trợ, hỗ trợ tài chính thì Nhật Bản không bằng Trung Quốc. Sự khác biệt về số liệu này đã ẩn chứa sự khác biệt giữa mục đích và cách sử dụng viện trợ phát triển giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản chủ trương xem xét lại chính sách viện trợ phát triển và quan hệ hợp tác phát triển bởi cuộc cạnh tranh với Trung Quốc trên lĩnh vực này càng ngày càng thêm quyết liệt.

Nhật Bản yếu thế hơn Trung Quốc trên hai phương diện: Tiềm lực tài chính của Nhật Bản không mạnh bằng Trung Quốc và Trung Quốc không áp đặt các nước nhận viện trợ phát triển phải chấp nhận những điều kiện nhạy cảm về chính trị đối nội đối với họ như Nhật Bản.

Sự khác biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc biểu hiện trong mục đích chính sách hợp tác phát triển và sử dụng viện trợ phát triển của từng bên.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, viện trợ phát triển của Nhật Bản phục vụ trước hết mục tiêu xoá đói nghèo, phát triển y tế và giáo dục, thực hiện bình đẳng giới, sử dụng năng lượng sạch, cải thiện điều kiện sống, phát triển cơ sở hạ tầng và tạo công ăn việc làm.

Trong khi đó, Trung Quốc sử dụng viện trợ phát triển chủ yếu để gây dựng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng chính trị và tạo cơ hội kinh doanh cũng như việc làm cho doanh nghiệp và nhân công lao động của Trung Quốc.

Số liệu thống kê cho thấy từ năm 1999 đến năm 2014, Trung Quốc thực hiện 4300 dự án viện trợ phát triển ở 140 quốc gia trên thế giới. Ba nước là Pakistan, Nga và Angola nhận nhiều nhất viện trợ phát triển của Trung Quốc.

Nga và Angola là hai nguồn cung cấp nhiên liệu và nguyên vật liệu quan trọng đối với Trung Quốc trong khi Pakistan vì mối bất hoà với Ấn Độ mà chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc.

Cách sử dụng khác nhau, kết quả khác nhau

Mục đích khác nhau nên cách thực hiện chính sách viện trợ phát triển cũng khác nhau. Nhật Bản tìm đến những nơi có vấn đề về phát triển cần được trợ giúp để giải quyết trong khi Trung Quốc thực hiện các dự án viện trợ phát triển ở những nơi Trung Quốc có lợi.

Nhật Bản coi trọng điều kiện chính trị và việc đảm bảo các tiêu chuẩn về dân chủ và nhân quyền trong khi Trung Quốc chỉ để ý đến cơ hội hoạt động cho doanh nghiệp và nhân công cũng như lợi ích chiến lược của Trung Quốc.

Kết quả hai nước này đạt được trên thực tế bởi vậy rất khác nhau.

Các nước nhận viện trợ phát triển cũng như tài chính đều không muốn bị ràng buộc vào những điều kiện chính trị nào đấy, đều muốn thủ tục giải ngân đơn giản và quá trình thực hiện nhanh chóng. Vì thế, Trung Quốc có thể dễ dàng chinh phục họ hơn nhiều Nhật Bản.

Cũng là viện trợ phát triển thôi nhưng cách sử dụng khác nhau đưa lại hiệu quả khác nhau, tác động và ảnh hưởng khác nhau.

Trung Quốc còn kết hợp viện trợ phát triển với đầu tư phát triển và kiên định phương châm “đồng tiền giúp lâu bền quan hệ”. Nhờ đó, Trung Quốc đã dần đẩy lùi ảnh hưởng của EU ở châu Phi và Mỹ Latinh, đã dần mở rộng thêm ảnh hưởng ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Nếu không thay đổi cách tiếp cận và cách thực hiện, Nhật Bản không thể ganh đua được với Trung Quốc ở các khu vực trên thế giới.

Cái khó đối với Nhật Bản trong chuyện này là vừa phải dùng chính phương cách của Trung Quốc để ganh đua với Trung Quốc lại vừa phải duy trì những nguyên tắc và tiêu chí lâu nay.

Cái khó đối với Nhật Bản là phải có chính sách hợp tác phát triển riêng với bản sắc riêng và quy trình thực hiện riêng chứ không được liên danh với ai khác, kể cả LHQ hay EU.

Hiện chưa biết Nhật Bản điều chỉnh cụ thể chính sách viện trợ phát triển như thế nào và sẽ thành công đến đâu nhưng rõ ràng là nếu muốn đối phó Trung Quốc thật sự hiệu quả và lâu dài thì Nhật Bản không thể không ganh đua với Trung Quốc trên lĩnh vực viện trợ phát triển và hợp tác phát triển.

RELATED ARTICLES

Tin mới