Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTừ vụ TQ nằng nặc mua Su-27: Vì sao Bắc Kinh "chết...

Từ vụ TQ nằng nặc mua Su-27: Vì sao Bắc Kinh “chết mê chết mệt” chiến đấu cơ Nga?

Bất chấp các tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực chế tạo máy bay chiến đấu, Trung Quốc vẫn tiếp tục tìm cách mua các tiêm kích hiện đại từ Nga. Vì sao vậy?

Máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc, bản sao của Su-27.

Khi mới được phát triển, Su-27 Flanker không được Nga lên kế hoạch xuất khẩu như “người anh em họ” của nó – MiG-29.

Tuy nhiên, kể từ khi được phép xuất khẩu, Su-27 đã trở thành một trong những mẫu máy bay chiến đấu xuất khẩu phổ biến nhất tại khu vực châu Á.

Khách hàng đầu tiên của Su-27 là Trung Quốc, họ đã đạt được thỏa thuận mua sắm ngay từ khi Liên Xô còn chưa sụp đổ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã đạt được điều này bằng cách nào?

Buộc Liên Xô phải “bật đèn xanh”

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Charlie Gao (chuyên nghiên cứu các vấn đề về chính trị và khoa học máy tính tại Đại học Grinnel – Mỹ) cho biết, khởi đầu cho thành công của thương vụ Su-27 là thời kỳ tan băng trong mối quan hệ Xô – Trung năm 1989.

Trong chuyến thăm của Gorbachev tới Trung Quốc vào tháng 5/1989, đã có nhiều dấu hiệu được đưa ra để khôi phục lại hoạt động giao dịch quân sự giữa hai phía. Một cuộc phỏng vấn đăng trên tạp chí tháng 9/1989 đã đề cập rằng, sẽ không có rào cản chính trị nào ngăn Trung Quốc mua MiG-29.

Tháng 5/1990, phái đoàn Trung Quốc đến Liên xô để thảo luận khả năng mua máy bay chiến đấu. Phái đoàn này đã mục sở thị màn trình diễn của MiG-29, Su-27 và một số loại trực thăng của Nga.

Phía Liên Xô muốn thúc đẩy bán MiG-29 nên đã nhấn mạnh tới lịch sử lâu đời Trung Quốc mua và vận hành các máy bay MiG của Nga.

Tuy nhiên, sau khi thưởng thức màn trình diễn của các máy bay, phái đoàn Trung Quốc muốn chọn Su-27. Lý do được đưa ra là Su-27 có bán kính tác chiến lớn hơn, trang bị hệ thống “Điều khiển điện tử” (Fly-by-Wire) tiên tiến, động cơ có hiệu suất vượt trội.

Đây sẽ là nền tảng tốt nhất để Trung Quốc xây dựng các chương trình nâng cấp trong tương lai, đồng thời sẽ là “cơ sở” hiện đại để các máy bay chiến thuật thế hệ mới của Trung Quốc dựa vào.

Xét tới các chương trình nâng cấp và hiện đại hóa đáng kể mà Trung Quốc đã buộc phải tiến hành với mẫu MiG-21 nội địa (tức J-7) trong thời gian dài mối quan hệ Xô-Trung chia rẽ, thì ngành công nghiệp Trung Quốc đã tích lũy được những kinh nghiệm đáng kể trong lĩnh vực sửa chữa và cải tiến các thiết kế máy bay Liên Xô.

Có lẽ giới lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy rằng nếu so với MiG, khả năng khí động học tuyệt đỉnh và khung thân lớn của Su-27 đã khiến nó trở thành mẫu máy bay lý tưởng nhất cho các chương trình thử nghiệm và nâng cấp như trên.

Mặc dù Liên Xô có phần lưỡng lự nhưng dường như những khó khăn về kinh tế vào thời điểm đó đã khiến họ quyết định “bật đèn xanh” cho thương vụ Su-27 với Trung Quốc.

Các nguồn tin Trung Quốc lại nhấn mạnh hơn tới tinh thần hợp tác anh em và nhu cầu bù đắp trong quan hệ giữa hai phía sau một thời gian dài lạnh lẽo. Tuy nhiên, theo chuyên gia Charlie Gao, động cơ liên quan đến kinh tế có vẻ hợp lý hơn cả.

Trung Quốc bộc lộ tham vọng lớn

Sau các cuộc đàm phán vào mùa đông năm 1990, Trung Quốc ký thỏa thuận mua 24 chiến đấu cơ Su-27SK và Su-27KUB. Bất chấp Liên Xô sụp đổ, cố Tổng thống Boris Yeltsin vẫn tôn trọng thỏa thuận này và những chiếc máy bay đầu tiên đã được chuyển tới Trung Quốc ngày 27/6/1992.

Thế nhưng, với Trung Quốc, như vậy chưa đủ. Nắm bắt được những khó khăn khủng khiếp về kinh tế mà Nga gặp phải trong những năm 1990, Bắc Kinh đã thúc giục Moscow chuyển giao công nghệ chế tạo Su-27, trong đó bao gồm dây chuyền sản xuất đầy đủ.

Thỏa thuận này đã được thông qua năm 1995. Từ đây, Trung Quốc bắt đầu sản xuất Su-27 theo giấy phép, với định danh là J-11.

Chiến lược này có vẻ mang lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, bởi một trong những mục tiêu ban đầu của Bắc Kinh khi mua Su-27 là có được một nền tảng tiên tiến, tại đó, công nghệ Trung Quốc có thể được ứng dụng và phát triển.

Chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này trong vô số các phiên bản J-11 mà Trung Quốc tung ra những năm gần đây.

J-11B trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA), vật liệu tổng hợp, buồng lái và động cơ do Trung Quốc chế tạo. J-16D cho thấy nỗ lực của Trung Quốc trong việc tạo ra một máy bay tác chiến điện tử tương tự như mẫu EA-18G Growler của Mỹ.

Nếu như Ấn Độ mở gói thầu MMRCA để tìm kiếm một mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm mới vì họ cho rằng Su-30MKI không có khả năng đa nhiệm thực sự thì J-11 lại có thể triển khai nhiều loại đạn tấn công mặt đất của Trung Quốc, trong đó có cả phiên bản “made in China” từ bom đường kính nhỏ (SDB) của Mỹ.

Thiết bị do Nga sản xuất đã được thay thế dần dần, từ máy tạo oxy cho tới máy thu cảnh báo radar.

Bất chấp những tiến bộ này, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua máy bay chiến đấu từ Nga, mặc dù phần lớn mục đích là nhằm có được công nghệ trên phiên bản mới nhất của gia đình Flanker – Su-35.

Trung Quốc đặt mua Su-35 vào tháng 12/2015. Mục tiêu quan trọng đầu tiên của Bắc Kinh được cho là động cơ tiên tiến trên Su-35, do Trung Quốc không có được giấy phép từ Nga để sản xuất bộ phận này và họ đang gặp khó khăn trong việc sản xuất các bản sao động cơ Su-27SK cho J-11.

Nhưng nhìn chung, theo ông Gao, lý do mà Trung Quốc muốn mua Su-27 chính là: Bắc Kinh muốn có được một mẫu máy bay chiến đấu hàng đầu với công nghệ tốt nhất mà từ đó họ có thể học hỏi và rồi làm chủ nó.

RELATED ARTICLES

Tin mới