Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ chính thức hóa “giấc mộng hoàng đế” của Tập

TQ chính thức hóa “giấc mộng hoàng đế” của Tập

Theo Đài BBC đêm 11/3, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua việc gỡ bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ cho vị trí lãnh đạo nước này, trong một động thái được cho là mở đường, cho phép ông Tập Cận Bình duy trì chức vụ Chủ tịch nước tới hết đời. Các thay đổi Hiến pháp đã được thông qua tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc diễn ra ngày 11/3. Đây là một kết quả với đa số thuận cực lớn, dù 2 đại biểu đã bỏ phiếu chống, 3 trường hợp khác không bỏ phiếu, trong số 2.964 phiếu bầu. 

Trung Quốc áp đặt giới hạn 2 nhiệm kỳ lên vị trí Chủ tịch nước kể từ thập niên 1990. Ông Tập Cận Bình, người lẽ ra sẽ phải rời chức vụ năm 2023, đã bất tuân truyền thống khi không giới thiệu một người kế nhiệm tiềm năng trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2017. Thay vào đó, ông củng cố quyền lực chính trị của mình khi Đảng Cộng sản Trung Quốc biểu quyết tôn vinh tên tuổi và ý thức hệ chính trị của ông trong điều lệ của Đảng – nâng vị thế của ông ngang tầm với người sáng lập, cố Chủ tịch Mao Trạch Đông.Trên giấy tờ, Quốc hội là cơ quan lập pháp quyền lực nhất ở Trung Quốc – tương tự như nghị viện ở các quốc gia khác. Người ta tin tưởng rằng Quốc hội sẽ chấp nhận những gì được Đảng Cộng sản yêu cầu làm. 

Theo Stephen McDonell, phóng viên của BBC tại Bắc Kinh, giờ đây, khó có thể thấy Tập bị thách thức bởi bất cứ điều gì. Ông đã tích lũy được quyền lực từ những gì không được thấy, kể từ sau thời của Chủ tịch Mao. 

5 năm trước, Trung Quốc còn được đặt dưới sự lãnh đạo tập thể. Dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người ta có thể tưởng tượng những quan điểm khác nhau được biểu đạt trong một Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 thành viên. Đã có một cảm giác ông Hồ Cẩm Đào cần làm hài lòng các phe phái khác nhau trong Đảng Cộng sản Trung Quốc và có vẻ như cứ 10 năm, một nhà lãnh đạo mới sẽ đồng hành với tập thể trên trong một quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ. 
Từ ngày 11/3, tất cả những điều này đã biến mất. Hiến pháp đã được thay đổi để cho phép ông Tập Cận Bình giữ chức Chủ tịch nước vượt quá hai nhiệm kỳ. Không có cuộc tranh luận quốc gia nào về việc liệu một nhà lãnh đạo có được phép trụ lại trên ghế quyền lực cho đến chừng nào được vị đó lựa chọn. Âm thầm, nhưng chắc chắn ông Tập Cận Bình đã thay đổi cách thức đất nước của ông được cai trị. 
Trả lời các phóng viên, Shen Chunyao, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề lập pháp của Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, đã bác bỏ các quan ngại rằng động thái trên sẽ dẫn tới sự nắm quyền độc tài hay gây ra hỗn loạn chính trị hay đấu đá nội bộ.

Theo ông Shen, trong 9 thập kỷ hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vượt qua những khó khăn và giải quyết các vấn đề lớn, bao gồm sự chuyển giao lãnh đạo một cách trật tự và duy trì sức sống của Đảng và đất nước cũng như sự ổn định lâu dài. Ông khẳng định: “Trong gần 40 năm cải cách và mở cửa, chúng tôi đã thiết lập, duy trì và mở rộng thành công con đường phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Bởi vậy con đường chúng tôi tiếp bước sẽ dài hơn và rộng mở hơn, cùng tương lai tươi sáng hơn”. 

Phát biểu với AFP, nhắc lại quan điểm của Đảng rằng việc gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ nhận được sự ủng hộ nhất trí của “toàn dân”, Ju Xiuqin, một đại biểu từ tỉnh Hắc Long Giang phía Đông Bắc Trung Quốc, nói: “Đây là nguyện vọng cấp bách của toàn dân”. 

Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu lần này cũng kích động các bình luận tiêu cực trên mạng xã hội Weibo. Một người sử dụng mạng Weibo đã bất chấp các lệnh kiểm duyệt khi viết rằng “mọi thứ đã chấm dứt”, trong khi một tài khoản khác viết “chúng ta đang trở lại thời Triều đại nhà Thanh”, ám chỉ triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc. 

Lo ngại trước việc thay đổi Hiến pháp, đưa đến sự ra đời của một bạo chúa mới, một số trí thức Trung Quốc cũng lên tiếng, bất chấp kiểm duyệt và áp lực dữ dội. Phóng viên Đài RFI Heike Schmidt từ Bắc Kinh dẫn lời nhà báo Lý Đại Đồng (Li Datong), nguyên tổng biên tập của một tờ báo điều tra, một nhân vật kỳ cựu trong làng báo Trung Quốc trong một bức thư ngỏ để phản đối quyền lực không giới hạn của Chủ tịch họ Tập: “Mọi người từng nghĩ ông ta không dám sửa đổi Hiến pháp, nhưng ông ta đã làm… Tập Cận Bình đã vượt qua giới hạn đỏ. Người Trung Quốc thế hệ chúng tôi đã biết đến sự thống trị của Mao, nhà lãnh đạo không bị giới hạn về nhiệm kỳ… Trở thành một bạo chúa nhờ được cầm quyền đến mãn đời, Mao đã đưa xã hội Trung Quốc rơi vào thảm họa”. 

Theo ông Đồng, “các đại biểu chỉ là những con rối, một cỗ máy bỏ phiếu theo chỉ thị”. Ông dự đoán “phần lớn trong số họ tuy phản đối việc sửa đổi Hiến pháp nhưng sẽ bằng lòng với việc vỗ tay. Họ không dám bày tỏ chính kiến”. 

Về chủ trương thâu tóm toàn bộ quyền lực của lãnh đạo Trung Quốc, nhà chính trị học Jean Luc Domenach, Giáo sư Học viện Chính trị Paris (Sciences Po), lưu ý trong những năm tới Chính quyền Bắc Kinh sẽ phải chuẩn bị để đối mặt với nhiều thách thức hơn trước về mặt đối nội: “Về mặt kinh tế, Tập Cận Bình không thể bảo đảm được tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ mãi mãi ở mức 6-7%/năm như điều vẫn diễn ra cho đến nay. Về mặt chính trị, tại khắp các địa phương Trung Quốc, có hàng loạt yêu sách chống lại chính quyền trung ương, cùng lúc đó đòi hỏi của người dân về các vấn đề xã hội. Trong những năm tới, lãnh đạo Trung Quốc sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn do mức sống tăng chậm và cũng vì vậy dân chúng sẽ ngày càng trở nên khó bảo hơn”.

Các nhà hoạt động chính trị hiện lo sợ rằng việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ sẽ dẫn tới việc thắt chặt hơn nữa kiểm soát truyền thông, xã hội dân sự và tôn giáo vốn đã ở mức rất khắt khe, trong bối cảnh Tập Cận Bình áp đặt quan điểm ý thức hệ của ông về chủ nghĩa xã hội trong mọi khía cạnh của xã hội. 

Kể từ khi động thái này lần đầu được công bố, các nhà kiểm duyệt trên mạng đã chặn các cụm từ như “tôi phản đối” và “hoàng đế” và hình ảnh chú gấu hoạt hình Winnie the Pooh vốn được sử dụng để so sánh với Tập Cận Bình. Nhà hoạt động chính trị Hu Jia tại Bắc Kinh, người cho biết chính quyền đã buộc ông phải rời khỏi thủ đô khi cuộc họp Quốc hội diễn ra, đã gọi việc sửa đổi Hiến pháp lần này là “bất hợp pháp”. Ông nói: “Tập Cận Bình đã yêu cầu người dân tuân thủ Hiến pháp, và sau đó sử dụng việc sửa đổi để đặt ông ta lên trên Hiến pháp. Ông ta sử dụng Hiến pháp như vũ khí pháp lý tối cao để ràng buộc các quan chức và toàn thể người dân”.

RELATED ARTICLES

Tin mới