Theo các chỉ số cảnh báo sớm của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Trung Quốc cùng với Canada và Hồng Kông nằm trong số các nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng cao nhất.
Canada là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và nhanh nhất kể từ năm 2011. Tuy nhiên, phía sau con số tăng trưởng ấn tượng là một thực tế đáng báo động khi số lượng thẻ tín dụng hộ gia đình và mức dư nợ tăng kỷ lục.
Theo nghiên cứu của BIS, vay mượn gia đình cũng được xem như một nguy cơ tiềm ẩn đối với hệ thống ngân hàng Trung Quốc và Hồng Kông.
Các chuyên gia phân tích của BIS nhận định “chỉ số về vay tiêu dùng của các hộ gia đình làm gia tăng rủi ro ở một số nền kinh tế”.
Báo cáo của BIS cũng chỉ ra một số kết quả đáng ngạc nhiên như Italia, dù đang phải vật lộn với một nền kinh tế chậm phát triển và các ngân hàng bị “mắc kẹt” trong các khoản nợ xấu, lại không nằm trong vòng cảnh báo nguy hiểm của ngân hàng này.
Về kinh tế Trung Quốc, BIS cho biết chỉ số mức chênh lệch giữa tín dụng và tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đang có cải thiện đáng kể. Điều này có thể do chính phủ nước này đạt được một số kết quả tích cực trong nỗ lực giảm rủi ro của khu vực tài chính.
Theo đó, chỉ số này của Trung Quốc đã giảm xuống còn 16,7% trong quý III/2017, so với mức đỉnh 28,9% ghi nhận vào tháng 3/2016 và thấp nhất kể từ năm 2012. Song Trung Quốc vẫn nằm trong nhóm nguy hiểm các nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng ngân hàng cao nhất theo BIS.
Chuyên gia kinh tế Ding Shuang tại Standard Chartered Plc ở Hồng Kông cho rằng sự cải thiện trong hệ thống trung gian tài chính của Trung Quốc góp phần làm chậm lại tốc độ tăng của mức tín dụng so với GDP.
Trung Quốc đang nỗ lực cải thiện những nguy cơ tiềm ẩn trong hệ thống tài chính nước này. Kể từ tháng 4/2017, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc cũng nhắm đến việc hạn chế sự tăng trưởng tín dụng và vay mượn liên ngân hàng nhằm giải quyết quả “bom” nợ không ngừng phình to và có nguy cơ nổ bất cứ khi nào.