Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiViệt Nam từng có cơ hội sở hữu xe tăng T-80 và...

Việt Nam từng có cơ hội sở hữu xe tăng T-80 và T-72 hiện đại nhất Đông Nam Á?

Theo tài liệu của GS. Thayer, nếu mua được lô xe tăng T-72 hoặc T-80 thì dường như lực lượng Tăng-Thiết giáp Việt Nam đã vượt xa mọi quốc gia Đông Nam Á.

Xe tăng T-80 do Liên Xô (Nga) chế tạo. Ảnh minh họa.

Qua Báo cáo “Vietnam People’s Army: Development And Modernization – Tạm dịch: QĐND Việt Nam: Phát triển và Hiện đại hóa” của Carlyle A. Thayer – Giáo sư danh dự trường Đại học New South Wales có thể thấy, trước khi Việt Nam ký hợp đồng mua xe tăng T-90S của Nga, trong quá khứ chúng ta đã từng để mắt tới 2 mẫu xe tăng hiện đại, mạnh mẽ là T-72 và T-80.

Nếu trong giai đoạn đó (đầu những năm 2000), nếu một trong 2 hoặc cả 2 thương vụ mua xe tăng T-72, T-80 thành công, thì tới nay lực lượng xe tăng của Việt Nam có thể coi là đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Lỡ cơ hội sở hữu xe tăng T-72…

Cụ thể, tháng 2/2005, Việt Nam đã có các thỏa thuận sơ bộ với Ba Lan về việc mua 150 chiếc xe tăng T-72 đã qua sử dụng. Trong hợp đồng còn bao gồm cả dịch vụ huấn luyện, sửa chữa bảo trì và đạn dược cùng linh kiện theo kèm.

Số xe tăng T-72 này được Ba Lan sản xuất theo giấy phép của Liên Xô (cũ), với chất lượng tương đương phiên bản T-72A nhưng giáp bảo vệ dày hơn và một số cải tiến nhỏ khác.

Mặc dù phiên bản T-72 của Ba Lan khi đó bị coi là vẫn chưa thể bằng nếu đem so với các dòng xe tăng tốt nhất của phương Tây như Leopard 2A4 hay M1 Abram, tuy nhiên nó vẫn được xem là hiện đại khi sở hữu công nghệ giáp composite với khả năng cản đạn xuyên chắc chắn tốt hơn hẳn T-54/55 hay T-62.

Ngoài ra, hỏa lực pháo 125mm đến nay vẫn đủ khả năng tiêu diệt các mẫu xe tăng hiện đại nhất. Đó thực sự là một lựa chọn không tệ. Thế nhưng, vào phút chót, năm 2006, thương vụ này đã bị đình chỉ.

… và hụt xe tăng T-80 hiện đại

Theo Báo cáo của GS. Thayer, trước thương vụ hụt với Ba Lan, có lẽ không nhiều người biết rằng, vào đầu những năm 2000, Liên bang Nga khi đó đã ngỏ ý cung cấp 100-150 chiếc xe tăng T-80B hiện đại hàng đầu thế giới cho Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thế nhưng, cuối cùng, Việt Nam phải từ chối vì nhiều lý do, mà một trong số đó, theo ông Thayer, là vấn đề kinh phí.

So với T-72, T-80B hiện đại hơn nhiều, bởi dù được trang bị khẩu pháo cùng cỡ với T-72 nhưng được nâng cấp tốt hơn về hệ thống điều khiển hỏa lực cho khả năng phản ứng nhanh hơn, bắn chính xác hơn.

“Giáp trần” trước thân của T-80B có độ dày tương đương 440-450mm khi chống đạn xuyên giáp (APFSDS); 500-575mm khi chống đạn HEAT. Trong khi tháp pháo có độ dày tương đương 500mm chống đạn APFSDS và đến 650mm chống đạn HEAT. Ngoài ra, có thể lắp thêm giáp phản ứng nổ Kontakt giúp tăng đáng kể khả năng chống đạn.

Đặc biệt, T-80B trang bị động cơ tuốc bin khí SG-1000 cực khỏe, cho phép dòng xe tăng này đạt tốc độ tối đa tới 70km/h.

Cả hai mẫu xe tăng T-72 và T-80 đều vượt xa các chiến xa T-54/55 và T-62 đang có mặt trong trang bị quân đội ta khi đó. Kể cả khi nâng cấp, các xe tăng T-54/55 và T-62 cũng khó sánh được T-72 và T-80 về cấp độ bảo vệ cũng như hỏa lực.

Trong khi, T-72 và T-80B nếu được nâng cấp thì sức mạnh của chúng sẽ ngang ngửa các mẫu tăng chủ lực như T-90A, M1A1/A2 Abrams hay Challenger II, Type 99… Và rõ ràng, Việt Nam đã không thể đưa vào nước 300 chiếc chiến xa cực kỳ hiện đại, niềm mơ ước của mọi quốc gia khi đó.

Dẫu vậy, việc tạm hoãn những thương vụ mua xe tăng T-72 hay T-80 là hoàn toàn hợp lý bởi tại thời điểm đó, định hướng chiến lược của Quân đội ta là cần phải tập trung đầu tư trang bị mới cho hải quân và không quân nhằm tăng cường khả năng tác chiến trên biển để giữ vững chủ quyền biển.

Và trên thực tế, diễn biến tình hình phức tạp ở khu vực Biển Đông và trên thế giới đã cho thấy đó là chiến lược hết sức đúng đắn.

Với các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 có khả năng tàng hình nhẹ, tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya, tàu ngầm Kilo, tiêm kích đa năng Su-30MK2 mới được trang bị, Hải quân và Không quân Việt Nam đã sở hữu trong tay những thứ vũ khí phòng thủ hữu hiệu.

Gần đây, sau khi Hải quân và Phòng không – Không quân có những thay đổi đột phá về chất, đến nay thì Lục quân bắt đầu được ưu tiên nhiều hơn bằng việc trang bị các loại vũ khí trang bị hiện đại mà trước hết là bộ binh (trang bị súng trường mới) và xe tăng hiện đại (mua T-90S/SK).

Bên cạnh đó, từ lâu Việt Nam đã chọn một cách tiết kiệm nhất về ngân sách khi tự nghiên cứu nâng cấp xe tăng T-54/55 và đến nay, đã đạt được một số thành quả nhất định. Trong năm 2017, phóng sự của Truyền hình QPVN cho biết, nhà máy Z153 (Tổng cục Kỹ thuật) đang thực hiện nâng cấp một số xe tăng T-54B đầu tiên.

“… Phát huy hiệu quả các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, không ngừng nghiên cứu tìm tòi học hỏi, chính điều đó đã giúp nhà máy Z153 từng bước làm chủ công nghệ để cải tiến, hiện đại hóa xe tăng T-54B”, phóng sự cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới