Friday, January 17, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBáo Bắc Kinh tiết lộ: Tướng TQ nêu kế hoạch đánh chiếm...

Báo Bắc Kinh tiết lộ: Tướng TQ nêu kế hoạch đánh chiếm Trường Sa từ thời Cách mạng Văn hóa

Lưu Hoa Thanh đã đề xuất tấn công Trường Sa trước khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc.

Lưu Hoa Thanh (đeo kính đen, hàng đầu, giữa) – là kẻ đưa ra tuyên bố khiêu khích: “Chiếm tất cả các đảo đá có thể chiếm [ở Trường Sa]”. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu

TQ muốn chiếm Trường Sa trước khi Chiến tranh VN kết thúc

Ngay từ thời Cách mạng văn hóa Trung Quốc, Lưu Hoa Thanh từng đề xuất việc chiếm đóng quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam khi có cơ hội thuận lợi.

Cụ thể, năm 1974, nhân lần hải quân Trung Quốc xâm nhập trái phép quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – chuyến đi mà Bắc Kinh lấp liếm là khảo sát – và bản báo cáo “Một số vấn đề cần giải quyết ở khu vực tuần tra Hoàng Sa” được Quân ủy trung ương và đảng ủy hải quân Trung Quốc tán dương, y liền suy tính đến việc tấn công quần đảo Trường Sa.

Lưu Hoa Thanh khi đó là Phó tổng tham mưu trưởng hải quân đã đề xuất kiến nghị gọi là “nhanh chóng giải quyết vấn đề Trường Sa nếu không sẽ để lại hậu họa vô cùng”. Mục đích của y chính là tấn công Trường Sa trước khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc.

Tuy nhiên, do trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vướng xử lý khủng hoảng từ cuộc Cách mạng văn hóa nên ý kiến của y bị bỏ qua.

Đến ngày 1/9/1982, ngay tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình yêu cầu Lưu – lúc này đang là Chủ nhiệm Ủy ban định hình vũ khí chiến lược quân ủy trở lại quân chủng hải quân cùng lời nhắn: “Hải quân còn rất nhiều vấn để cần phải chỉnh đốn”.

Nửa tháng sau, Lưu Hoa Thanh chính thức nhậm chức Tư lệnh hải quân. Sau khi nhậm chức, y cử hạm đối đến Trường Sa nhằm “khảo sát trắc lượng”. Trong bản báo cáo trung ương, Lưu viết: “Cần phải đến các đá, bãi Trường Sa dựng nhà giàn, giành chỗ đứng để chứng minh sự hiện diện của Trung Quốc ở Trường Sa”.

Để phục vụ tiến hành cho cuộc chiến mà y gọi là “có lý, có lợi” cho Trung Quốc, tháng 4/1987, y giao nhiệm vụ cho Tư lệnh hạm đội Nam Hải Trần Minh Sơn, yêu cầu các tàu chiến nhận nhiệm vụ tuần tra Trường Sa chuẩn bị kỹ lưỡng cho chiến tranh.

Cùng thời điểm này, khi UNESCO thông qua nghị quyết về xây dựng trạm quan sát hải dương toàn cầu, Trung Quốc đã nhân cơ hội bắt đầu công cuộc bành trướng, lợi dụng kế hoạch xây dựng trạm quan trắc để đưa những người mà họ gọi là “các nhà khoa học” và vật liệu xây dựng ra Trường Sa.

Ngày 6/5, Lưu Hoa Thanh hạ lệnh cho một biên đội 10 tàu, gồm tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa và tàu tiếp tế khởi hành từ Trạm Giang. Đây là lần đầu tiên sau 38 năm nước Trung Quốc mới thành lập, hải quân nước này tổ chức biên đội tàu chiến lớn nhất tuần tra Trường Sa.

Ngày 8/7, Lưu Hoa Thanh và Cục trưởng Cục hải dương quốc gia Trung Quốc Nghiêm Hoằng Mô trình lên Quốc vụ viện và quân ủy trung ương Trung Quốc báo cáo chung Về vấn đề xây dựng trạm quan trắc ở Trường Sa. Báo cáo đề ra hai phương án: Xây dựng trạm quan sát không người hoặc xây dựng trạm có người.

Bản thân Lưu ủng hộ phương án thứ hai. Chính y đã đề xuất xây dựng trạm quan sát ở đá Chữ Thập, thuộc Trường Sa, Việt Nam.

Ngày 6/11, Quốc vụ viện và Quân ủy trung ương Trung Quốc công bố bản phê chuẩn về đề xuất của Lưu. Lưu nhân đó lập tức triệu tập cuộc họp để thực hiện kế hoạch và các công tác chuẩn bị cho xây dựng trạm, theo đó, việc xây dựng trạm là trách nhiệm của hải quân Trung Quốc, với sự hỗ trợ của Cục Quản lý Hải Dương.

Trong thời gian ngắn, hải quân Trung Quốc đã hoàn thành một số công tác như khảo sát kỹ thuật và thiết kế, toàn bộ vật liệu xây dựng đều được đưa ra từ đất liền.

“Chiếm tất cả các đảo đá có thể chiếm”

Khoảng đầu năm 1988, Lưu Thanh Hoa cùng các lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục hậu cần và hải quân tổ chức nhiều cuộc hội thảo nghiên cứu phương án tác chiến Trường Sa.

Sau đó, một bản kiến nghị về kế hoạch tác chiến ở Trường Sa do Lưu chỉ đạo nhận được sự phê chuẩn của Ban thường vụ Bộ chính trị trung ương.

Báo Thanh niên Trung Quốc viết, diễn biến và sự thay đổi của cục diện Trường Sa nằm trong tính toán của Bắc Kinh.

Ngày 2/2/1988, 9 tàu của biên đội tàu thi công khởi hành từ Trạm Giang. Sáng sớm ngày 7, đội tàu này tiếp cận đá Chữ Thập. Trong quá trình xây dựng trái phép, hải quân Trung Quốc đã cử nhiều tàu hộ vệ làm nhiệm vụ cảnh giới, tuần tra ở các vùng biển xung quanh.

Thời gian sau đó, hải quân Trung Quốc chiếm thêm đá Châu Viên và cụm đá Gaven. Đến ngày 14/3, lính Trung Quốc tấn công vào Gạc Ma.

Báo Trung Quốc cho biết, khi lính Trung Quốc tấn công các chiến sỹ Việt Nam ở Gạc Ma, Lưu đã ra lệnh cho Bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu: “Đánh đến cùng, những đảo đá nào có thể chiếm thì đều phải chiếm”.

Một Phó tổng tham mưu kiến nghị: “Có cần thông báo cho Tổng Bí thư…”

Lúc này, Lưu xua tay: “Các anh không phải suy nghĩ gì nhiều, đảo đá có thể chiếm được thì đều phải chiếm. Có vấn đề gì, tôi sẽ trực tiếp báo cáo với trung ương”. Dứt lời, y lái xe tới thẳng phòng chỉ huy tác chiến hải quân.

Khi cuộc chiến bước gần tới hồi kết, chỉ huy biên đội trên biển xin chỉ thị: “Có bắt tù binh không?’, Lưu lạnh lùng ra lệnh: ” Bắt”.

Trận chiến Gạc Ma khiến 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh.

Ngày 2/8/1988, Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng trái phép trạm quan trắc trên đá Chữ Thập.

Tăng cường hiện diện ở Trường Sa

Sau trận hải chiến, nhằm tăng cường sự hiện diện ở Trường Sa, Lưu Hoa Thanh đã lên kế hoạch củng cố sức mạnh lực lượng hải quân Trung Quốc, mà ở đây là lĩnh vực không quân và chiến đấu cơ. Theo tính toán của y, đất liền Trung Quốc cách Trường Sa khoảng hơn 1.000 km, chiến đấu cơ khi bay tới Trường Sa sẽ không đủ nhiên liệu, khiến sức chiến đấu bị giảm sút.

Do đó, Lưu đã triệu tập cuộc họp khẩn thảo luận về cái gọi là “phương pháp sử dụng không quân phù hợp yêu cầu thực tế trong cuộc chiến ở Trường Sa”. Chính tại những cuộc họp này, Lưu đề xuất tiếp tục xây dựng công trình sân bay, trạm xăng ở Hoàng Sa.

Khi đề cập vấn đề xây dựng sân bay tại Hoàng Sa. Y cho biết: “Năm 1974, Chủ tịch [quân ủy] Đặng Tiểu Bình từng nói, nhất định phải xây dựng sân bay ở Hoàng Sa, vị trí nơi đó rất quan trọng, có thể vươn tới và khống chế Trường Sa”.

Tháng 4/1991, sau hơn 2 năm rưỡi, Trung Quốc hoàn thành sân bay hiện đại hóa đầu tiên trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam mà theo Bắc Kinh, ngay sau đó, không quân, hải quân đã nhận được lệnh chuyển tới sân bay này để thực hiện cái gọi là “đảm nhận sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa”.

RELATED ARTICLES

Tin mới