Ngày 9/3, Lobsang Sangay, nhà lãnh đạo chính quyền Tây Tạng lưu vong đã có bài trả lời phỏng vấn với tờ Le Temps, nhật báo hàng đầu của Thụy Sỹ về tham vọng thay đổi thế giới của Trung Quốc và sự “ngây thơ” của châu Âu khi đối mặt với những tham vọng của Bắc Kinh.
Ông Sangay đang có chuyến thăm tới Geneva để chuẩn bị cho cuộc mít tinh lớn nhất tại châu Âu của những người Tây Tạng lưu vong nhân dịp kỷ niệm 59 năm Tây Tạng bị quân đội Trung Quốc tấn công. Cuộc biểu tình diễn ra ngày 10/3 tại Quảng trường LHQ ở Geneva, với một sân khấu lớn được dựng lên ngay đối diện với cổng chính của trụ sở LHQ.
Trong khi đó, tại thủ đô Bern, ông Sangay đã có các cuộc gặp với những thành viên của nhóm ủng hộ Tây Tạng của Quốc hội liên bang Thụy Sỹ, nơi ông muốn đưa ra hai thông điệp, đó là: Thụy Sỹ cần tiếp tục ủng hộ cho đối thoại giữa giới chức Trung Quốc và đại diện của Đạt Lai Lạt Ma (vốn đã bị gián đoạn từ nhiều năm nay); và Thụy Sỹ cần ủng hộ cho chính sách một Trung Quốc như yêu cầu của Bắc Kinh đồng thời cũng ủng hộ cho việc khôi phục sự tự trị thực sự cho Tây Tạng.
Ủng hộ một thế giới cởi mở, cho chủ nghĩa đa phương, chia sẻ tương lai chung là thông điệp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra trong bài phát biểu tại trụ sở LHQ ở Geneva cách đây một năm. Bài phát biểu đã được nhiệt liệt đón chào. Nhưng tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11 vừa qua, Trung Quốc của ông Tập Cận Bình đã cho thấy một thông điệp khác: Nền dân chủ tự do đã biến mất. Với ông Tập, một kỷ nguyên mới đang bắt đầu, đó là kỷ nguyên chinh phục thế giới. Và phần còn lại phải lựa chọn hoặc là thay đổi Trung Quốc thành một nền dân chủ tự do, hoặc là để Trung Quốc biến đổi theo các tiêu chuẩn của “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.
Từ lâu nay, người ta tưởng rằng khi có ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc học tập ở nước ngoài, Trung Quốc sẽ ngày càng cởi mở và chuyển hóa từ bên trong để trở thành một xã hội giống phương Tây. Ngày nay, điều này đang diễn biến ngược lại. Trung Quốc muốn thế giới giống họ. Bắc Kinh có một chương trình nghị sự, một hệ tư tưởng và nếu có người nghĩ rằng Trung Quốc muốn giành lấy ngọn cờ lãnh đạo trong các vấn đề như chống biến đổi khí hậu thì hãy nhìn vào tấm gương Tây Tạng. Các nhà môi trường Trung Quốc đề nghị đưa cao nguyên Tây Tạng thành một công viên quốc gia khổng lồ, nhưng nạn khai thác mỏ, phá rừng, xây dựng đập thủy điện vẫn diễn ra.
Tất cả thế giới đều muốn hợp tác với Trung Quốc, nhưng khi nói về một tương lai chung, ông Tập lại muốn áp đặt các giá trị Trung Quốc cho thế giới. Mao Trạch Đông thống nhất Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình hiện đại hóa Trung Quốc và Tập Cận Bình thì muốn đưa Trung Quốc lên vị trí số 1.
Tất cả các nước, trong đó có Thụy Sỹ, đều nhìn thấy ở Trung Quốc một thị trường khổng lồ, một cơ hội cho thương mại. Nhưng một khi Trung Quốc có được bí quyết và công nghệ cần thiết, nước này sẽ bán ra nhiều hàng hóa hơn là tiếp nhận hàng hóa. Thực tế là hiếm nước nào có được cán cân thương mại thặng dư với Trung Quốc. Thụy Sỹ có thể là một trường hợp ngoại lệ, nhưng Trung Quốc thu lợi về thương mại với đa số các nước đối tác. Dự án Con đường Tơ lụa của nước này trước hết mang lợi ích cho doanh nghiệp Trung Quốc. Trung Quốc sẽ mua nguyên vật liệu ở Trung Á, chuyển chúng thành hàng hóa tại Trung Quốc và bán thành phẩm trên thị trường châu Âu. Đó là một chiến lược rõ ràng, được lên kế hoạch và theo chủ nghĩa trọng thương.
Tuy nhiên, người châu Âu lại rất “ngây thơ”. Khoảng cách và chủ nghĩa Đông phương học của Trung Quốc khiến châu Âu khó hiểu được nước này. Những nhà Trung Quốc học thường có một cái nhìn lãng mạn về Trung Quốc. Thụy Sỹ muốn bán 1,3 tỷ đồng hồ, 1,3 tỷ chiếc dao cho Trung Quốc, nhưng cuối cùng Trung Quốc sẽ bán lại dao và đồng hồ cho người Thụy Sỹ. Con đường Tơ lụa là một chiến lược để Trung Quốc kiếm tiền. Nếu có tranh cãi, tòa trọng tại sẽ được đặt tại Trung Quốc, Bắc Kinh không muốn thông qua Tòa trọng tài quốc tế mà muốn định ra tiêu chuẩn, chuẩn mực với những vị thẩm phán của họ.
Về nền tự trị cho Tây Tạng, hãy nhìn vào các cuộc đối thoại song phương về nhân quyền, các nước không muốn nói tới chủ đề này một cách công khai trước áp lực của Trung Quốc. Từ 15 năm nay, tình trạng nhân quyền tại Trung Quốc đang bị thụt lùi. Sự ủng hộ cho Tây Tạng cũng giảm. Australia đang trải nghiệm những gì xảy ra với Tây Tạng khi lựa chọn đường lối thân châu Á, Trung Quốc và xa châu Âu. Ảnh hưởng (của Trung Quốc tại Australia) không chỉ về thương mại mà còn là chính trị. Nguồn thu nhập lớn thứ ba của Australia hiện nay là giáo dục, và điều đó đến từ làn sóng sinh viên đến từ Trung Quốc.
Nếu một giáo sư đại học nhắc tới Đài Loan và sinh viên Trung Quốc phản đối, các trường đại học sẽ làm gì? Họ đuổi vị giáo sư này. Đã có 4-5 trường hợp như vậy và đó không phải là giáo dục Phương Tây ảnh hưởng lên sinh viên Trung Quốc mà ngược lại. Không thể nhắc đến Đài Loan, cũng không thể nói tới Tây Tạng hay Thiên An Môn nữa. Điều đó cũng đang xảy ra với Thụy Sỹ. Tại Mỹ, có các Viện Khổng Tử trong các trường đại học, ở đây (Thụy Sỹ) cũng có một Viện Khổng Tử và do đó, cũng tồn tại 3 vùng cấm trên.
Xét về khả năng thay đổi đến từ bên trong Trung Quốc, trả lời câu hỏi này ông Sangay cho rằng sự trấn áp của Chính phủ Trung Quốc có tính hệ thống. Bắc Kinh quản lý lãnh thổ bằng gián điệp, cảnh sát, quân đội và quân cảnh. Trung Quốc hiện đã sử dụng các thẻ căn cước gắn chip sinh trắc học thế hệ thứ hai, trang bị các máy quay khắp nơi. Khi một người Tây Tạng di chuyển, những hoạt động của anh ta sẽ được ghi lại. Các thuật toán và phần mềm kiểm soát cho phép giới chức chính quyền biết những làng nào người này có nhiều hoạt động nhất, giúp họ khoanh vùng, xác định nghi can và đưa ra những chiến thuật đáp trả tiếp theo.
Ngoài ra, còn có sự kiểm soát của những người lân cận. Trước đây, tại Tây Tạng 1 người sẽ giám sát 500 gia đình. Hiện nay, tỷ lệ này là 1 – 20. Họ được nhận tiền khi cung cấp thông tin. Nếu người dân muốn tới bệnh viện, lấy một loại giấy phép nào đó, họ cần cung cấp thông tin. Từ 2-3 năm nay, Trung Quốc triển khai một hệ thống mới được giữ bí mật và tích hợp với hệ thống giám sát trước đây thông qua những người sống lân cận. Hệ thống này đã được triển khai ở cao nguyên Tây Tạng và đang mở rộng sang Tân Cương. Đồng thời, chính quyền cũng hạn chế việc di chuyển trong khu vực bằng cách không cấp hộ chiếu cho người Tây Tạng.