Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNói UNESCO giao Trung Quốc xây trạm quan trắc hải dương ở...

Nói UNESCO giao Trung Quốc xây trạm quan trắc hải dương ở Trường Sa là bịa đặt

1988 Trung Quốc xâm lược Gạc Ma, năm 1990 Hệ thống Quan trắc Đại dương toàn cầu mới được thiết lập. Trung Quốc lợi dụng UNESCO lấp liếm cho thảm sát Gạc Ma.

Ngày 15/3/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài “Thời báo Hoàn Cầu nói gì về vụ xâm lược, thảm sát Gạc Ma ngày 14/3/1988?” đang làm dư luận đặc biệt quan tâm, với nhiều thông tin, nhận xét, đánh giá, bình luận khác nhau…

Trong bài báo này, nhà báo Hồng Thủy đã nêu một số ý kiến phản biện có liên quan đến bản chất của sự kiện.

Nhiều người cho rằng, rõ ràng đây là một cuộc thảm sát do lính Trung Quốc nhằm vào 64 chiến sĩ công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; 

Thậm chí, cũng nhiều ý kiến khẳng định rằng, đây đích thực là cuộc chiến xâm lược một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do quân đội Trung Quốc tổ chức.

Trung Quốc thực hiện cuộc chiến xâm lược này theo lộ trình đã được tính toán sẵn, sau khi họ đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1956 và 1974.

Cuộc xâm lược và thảm sát Gạc Ma là hành động có kế hoạch, tính toán kỹ lưỡng chứ không phải “để nổ ra xung đột thực chất hoàn toàn không phải mong muốn của Bắc Kinh” như các tác giả Trung Quốc lập luận.  

Để “thanh minh” cho hành vi xâm lược có chủ đích và cuộc thảm sát dã man 64 cán bộ, chiến sỹ công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam đã và đang bị dư luận lên án, các học giả Trung Quốc mà đại diện là “chị Đao”, tác giả của bài báo trên Thời báo Hoàn Cầu, đã dẫn ra 2 lý do được coi là “nguyên nhân” chủ yếu dẫn tới xung đột:

Thứ nhất: Vào thời điểm đó, để thực hiện nhiệm vụ “được UNESCO ủy thác xây dựng 5 trạm quan trắc hải dương, trong đó có trạm quan trắc ở Trường Sa , đặt tại Chữ Thập, Trung Quốc bắt đầu lục tục triển khai hoạt động khảo sát ở khu vực quần đảo Trường Sa…”

Thứ hai: “Phía Việt Nam lập tức tỏ ra không vui, không ngừng phái hàng loạt tàu thuyền đến quấy rối, thậm chí chớp thời cơ chiếm các đảo, đá…”

Với tư cách là những nhân chứng lịch sử của thời điểm diễn ra “sự kiện lịch sử” này, trên tinh thần thật sự công bằng, khách quan, chúng tôi xin được trình bày phản biện của mình đối với lý do thứ nhất mà các học giả Trung Quốc cho rằng:

Trung Quốc đã được UNESCO giao nhiệm vụ xây dựng các trạm quan trắc hải dương ở Trường Sa.

Trung Quốc xâm lược Gạc Ma năm 1988, Hệ thống Quan trắc Đại dương toàn cầu năm 1990 mới ra đời

Trước hết, chúng tôi muốn cung cấp thông tin liên quan đến Hệ thống Quan trắc Đại dương Toàn cầu, tên viết tắt tiếng Anh là GOOS (Global Ocean Observing System).

Để hưởng ứng lời kêu gọi của Hội nghị khí hậu toàn cầu lần thứ 2, Geneva 1990, Ủy ban Đại dương Liên chính phủ (IOC) đã sáng lập ra Hệ thống quan trắc Đại dương Toàn cầu (GOOS) tháng 3 năm 1990. 

Sáng lập này cũng là kết quả nguyện vọng của nhiều quốc gia nhằm thực thi các quan sát toàn cầu các đại dương để xác định tình trạng của đại dương toàn cầu. 

Nó là hệ thống toàn cầu thường trực cho quan trắc, mô hình hóa và phân tích của các biến đổi của biển và đại dương để hỗ trợ các dịch vụ biển hoạt động trên toàn thế giới. 

GOOS cung cấp mô tả chính xác hiện trạng của các đại dương, bao gồm cả tài nguyên sinh vật; dự báo liên tục trong các điều kiện tương lai của biển càng xa càng tốt, và là cơ sở cho những dự báo về biến đổi khí hậu.

Các phương tiện quan sát biển và đại dương gồm có trạm thời tiết, phao trôi và vệ tinh khí tượng. Hệ thống được quản lý bởi ban điều hành. Hệ thống này là thành phần hải dương học của Hệ thống Quan sát Trái đất toàn cầu (GEOSS). 

GOOS được quản lý bởi Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (IOC), kết nối với Hệ thống Quan trắc Khí hậu Toàn cầu GCOS và Hệ thống Quan trắc Mặt đất Toàn cầu GTOS, cũng như các khối cơ bản hợp thành GEOSS.

GOOS là thực thể chương trình được hỗ trợ bởi Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ IOC thuộc UNESCO, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP, Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO và Hội đồng Khoa học Quốc tế ICSU.

Tại Venice, Italy, Hội nghị quan sát Đại dương 09 (The OceanObs’09 conference) diễn ra từ 21/9 đến 25/9/2009 với sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ 36 quốc gia nhằm xác định tầm nhìn về nhiệm vụ quan trắc đại dương mang lại lợi ích cho xã hội trong những thập niên tới.  

Các đại biểu than gia Hội nghị đã kêu gọi xây dựng kế hoạch nhằm củng cố và tăng cường hệ thống quan trắc toàn cầu hiện có…

Hội nghị quan sát Đại dương 09 (The OceanObs’09 conference) tại Venice, Italy diễn ra từ 21-25/9/2009. Ảnh: oceanobs09.net

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Chương trình SEAGOOS (Southeast Asian Global Ocean Observing System) được hình thành vào năm 2002, chính thức được thông qua tại Phiên họp lần thứ V của WESTPAC tổ chức tại Australia.

Mục đích của chương trình nhằm khuyến khích sự hợp tác giữa các nước thành viên có quan tâm tới các hoạt động quan trắc đại dương, mô hình hóa, trao đổi và ứng dụng số liệu trong khu vực Đông Nam Á và khu vực lân cận. 

Chương trình do Tiến sĩ Somkiat Khokiattiwong người Thái Lan và Wenxi Zhu, Trưởng Văn phòng WESTPAC tại Thái Lan đồng chủ trì. 

Chương trình gồm hai dự án:

1. Giám sát sự phát triển của gió mùa và tác động của chúng đến kinh tế – xã hội (SEAGOOS-MOMSEI) bắt đầu từ 2009, đã thực hiện được 3 chuyến khảo sát trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2010 đến tháng 5 năm 2012.

Ngoài ra dự án đã tổ chức được 6 lớp học hè cho các nhà khoa học trẻ trong khu vực.

2. Hệ thống dự báo đại dương (SEAGOOS-OFDS). Đây là một trong những dự án thử nghiệm của Chương trình SEAGOOS do IOC/WESTPAC bảo trợ.

Dự án được thông qua tại Phiên họp lần thứ 8 của WESTPAC tại Indonesia, năm 2010.

Đây là một dự án hợp tác khu vực với sự tham gia của 3 nước là Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Chủ trì dự án là Giáo sư Tiến sĩ Fengli Qiao, Trung Quốc.

Pha một của dự án được thực hiện từ năm 2010-2012. Pha hai của dự án đang được tiến hành. 

Lập luận vô lý của Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa UNESCO

Từ những thông tin nói trên có lẽ cũng giúp chúng ta nhận ra những điều vô lý, nếu các học giả Trung quốc không đưa ra những thông tin cụ thể nào khác, để bảo vệ cho lập luận của họ về cái gọi là:

“Nhiệm vụ được UNESCO ủy thác xây dựng 5 trạm quan trắc hải dương, trong đó có trạm quan trắc ở Trường Sa , đặt tai Chữ Thập, Trung Quốc “bắt đầu lục tục triển khai hoạt động khảo sát ở khu vực quần đảo Trường Sa”.

Thứ 1: Các học giả Trung Quốc đã “khéo vận dụng”, nếu không muốn nói là đã “cố tình nhận vơ” nhiệm vụ của GOOS, được sáng lập năm 1990, sau sự kiện Gạc Ma 1988 chí ít là 2 năm…

Lập luận này là để đánh lừa dư luận hòng giảm tội cho hành vi xâm lược của quân đội Trung Quốc đối với một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.

Thứ 2: Giả thiết, vì một lý do nào đó mà các cơ quan chức năng của UNESCO đã “giao nhiệm vụ” cho Trung Quốc xây dựng các trạm quan trắc đại dương nhằm thực hiện những mục tiêu nhân đạo và cao cả của GOOS, thì nhiệm vụ đó, theo lẽ thường chỉ có thể triển khai trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc;

Chứ Trung Quốc không thể có quyền tự do thực hiện trên các vùng biển, đảo thuộc các quyền hợp pháp của quốc gia khác.

UNESCO là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, càng không có thẩm quyền giao cho một quốc gia này thực hiện nhiệm vụ ngay trên phạm vi lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền khác, nếu không có thỏa thuận của các quốc gia khác đó.

Thứ 3: Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là những quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó là lập trường bất di bất dịch của Nhà nước Việt Nam. 

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

Không một quốc gia nào, không một tổ chức, cá nhân nào có quyền can thiệp, vi phạm chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc thiêng liêng đó. 

Vì vậy, việc Trung Quốc lợi dung danh nghĩa của các tố chức quốc tế để hợp thức hóa yêu sách chủ quyền của mình là hoàn toàn sai trái. 

Những tổ chức đã từng bị Trung Quốc lợi dụng / tìm cách lợi dụng cho mục đích này có thể kể ra đây như:

Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ IOC thuộc UNESCO, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc UNEP, Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO và Hội đồng Khoa học Quốc tế ICSU, Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế, Tổ chức Địa chất quốc tế….

Trung Quốc nhiều lần lợi dụng các tổ chức quốc tế xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam

Việt Nam đã nhiều lần lên tiêng đấu tranh, phản đối việc làm này của phía Trung Quốc tại nhiều diễn đàn do các Tổ chức quốc tế nói trên tổ chức nếu có đại diện của Việt Nam tham dự. Chẳng hạn:

Ngày 09/9/1975, tại Hội nghị Khí tượng Thế giới, Geneve, để bác bỏ đề nghị của phía Trung Quôc, Đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa niềm Nam Việt Nam đã tiếp tục đăng ký đài khí tượng Việt Nam vào hệ thống SYNOP của Tổ chức khí tượng Thế giới, giữ nguyên ký hiệu 48.860 và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Cột hải đăng trên đảo Hoàng Sa năm 1937, ảnh: travinh.gov.vn.

Tháng 6 năm 1980, tại Hội nghị Khí tượng khu vực châu Á lần thứ 2, Geneve, Đại biểu Việt Nam tuyên bố Trạm khí tượng Sanhudao do Trung Quốc đặt tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là bất hợp pháp;

Và kết quả là Trạm Hoàng Sa, ký hiệu 48.860, của Việt Nam vẫn được giữ nguyên trong danh sách các trạm khí tượng quốc tế. 

Tháng 7/1980, tại Hội nghị Địa chất Quốc tế lần thứ 26, họp tại Pari từ 7 đến 17/7, Trưởng đoàn Việt Nam, ông Phạm Quốc Tường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Việt Nam đã gửi công hàm cho Chủ tịch Hội nghị và Tổng thư ký Hội nghị.

Trưởng đoàn Việt Nam đã vạch trần và tố cáo hành động của Đoàn đại biểu Trung Quốc lợi dụng Hội nghị để tung tài liệu tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa với lập luận các quần đảo này là sự kéo dài của lục địa Trung Quốc…

Tháng 12/1981, Tổng cục Bưu điện Việt Nam gửi điện cho Chủ tịch Ủy ban đăng ký tần số tại Geneve phản đối việc Trung Quốc được phép phát một số tần số trên vùng trời Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 

Tháng 10 năm 1982,  tại Hội nghị Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union, viết tắt là ITU), Đại biểu Việt Nam tuyên bố không chấp nhận việc phát sóng đã được phân chia năm 1978 tại Geneve. 

Cuối tháng giêng năm 1983, Hội nghị Hàng không khu vực châu Á-Thái Bình Dương họp ở Singapore, Trung Quốc đưa đề nghị mở rộng vùng thông báo bay (FIR) Quảng Châu lấn vào FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh, nhưng Hội nghị quyết định duy trì nguyên trạng.

Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh (màu xanh), ảnh: Báo Công an Nhân dân.

Tháng 12/1985, Việt Nam phê chuẩn Công ước Narobi 1982, tuyên bố yêu cầu ITU sửa đổi Phụ lục AER2 của Thể lệ Vô tuyến viễn thông, khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam;

Vì vậy, Việt Nam không chấp nhận những thay đổi có liên quan đến tần số đã được phân chia ở vùng 6D, 6F, 6G nêu trong Biên bản Hội nghị Hành chính thế giới về thông tin vô tuyến năm 1978…

Tất cả những thông tin này có thể đủ để khẳng định rằng phía Trung Quốc đã lợi dụng mọi diễn đàn quốc tế, mọi tổ chức quốc tế…để tranh thủ giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách chủ quyền phi lý của họ đối với các quần đảo nằm giữa Biển Đông và hợp thức hóa ranh giới biển theo đường “lưỡi bò” phi lý…

Chúng tôi hy vọng các học giả Trung Quốc nên tôn trọng sự thật, cầu thị và có trách nhiệm trước những thông tin mà mình đã đưa ra, không nên bằng mọi giá cố tình nại ra lý do để “biện minh” cho tội danh xâm lược và tội ác thảm sát quá rõ ràng của quân đội Trung Quốc tại khu vực phía Tây Trường Sa năm 1988. 

Thiết nghĩ, nếu làm được như vậy thì mới bảo vệ được uy tín quốc gia, mới góp phần thượng tôn pháp luật, mới góp phần gìn giữ hòa bình, củng cố các quan hệ  hữu nghị hợp tác, phát triển giữa các quốc gia trong thời đại hiện nay.

Và với những bằng chứng hiển nhiên này, lập luận thứ hai của các học giả Trung Quốc về nguyên nhân trực tiếp nổ ra cái họ gọi là “xung đột Gạc Ma” đã hoàn toàn bị bác bỏ.

Hải quân Nhân dân Việt Nam trong điều kiện đất nước ngặt nghèo, khó khăn chồng chất sau 4 cuộc chiến tranh liên miên, bao gồm cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc và xung đột kéo dài suốt 10 năm do Trung Quốc gây ra năm 1979, vẫn quyết tâm củng cố và giữ vững chủ quyền ở Trường Sa thực sự đã là một kỳ tích đổi bằng xương máu và nước mắt, mà thế hệ chúng ta hôm nay có trách nhiệm phải tiếp tục giữ gìn.

RELATED ARTICLES

Tin mới