Wednesday, January 15, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông sau sự kiện Gạc Ma: Sự cảnh giác của ASEAN...

Biển Đông sau sự kiện Gạc Ma: Sự cảnh giác của ASEAN và học thuyết “mối đe dọa TQ”

Từ năm 1988, các thành viên ASEAN đã gia tăng cảnh giác với Trung Quốc, trong khi học thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” trở nên thịnh hành tại phương Tây.

Tàu khu trục số hiệu 162 của Hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc từ lâu thèm muốn và nhòm ngó

Sau 8 năm tiến hành cải cách mở cửa, thực lực kinh tế đất nước và quốc phòng tăng lên, môi trường quốc tế đã có, lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy đó là thời cơ để Trung Quốc tiếp tục lấn xuống Trường Sa.

Báo Hải Dương Đại học Đường của Trung Quốc ngày 26/7/2011 đăng phát biểu của Thiếu tướng Hải quân Trung Quốc Trịnh Minh Hòa nói, trận chiến Gạc Ma không phải chỉ bột phát ngày 14/3/1988 mà được ấp ủ từ lâu.

Theo tờ này, từ thập niên 1970, Trường Sa được xác nhận có trữ lượng tài nguyên dầu lửa phong phú dưới đáy biển. Cùng với cuộc cải cách mở cửa do Đặng Tiểu Bình phát động, kéo theo vị thế quốc tế được nâng cao, Trung Quốc bắt đầu đặt mục tiêu “phải có chân” ở biển Đông.

Theo tờ báo này, từ thập niên 1980, Đặng Tiểu Bình, Hồ Diệu Bang và một số lãnh đạo Trung Quốc khác đã đến Hải Nam, Hoàng Sa thị sát và quyết định giao nhiệm vụ cho Hải quân là: “trên cơ sở củng cố Tây Sa, tiến hành khởi động vũ lực xuống Nam Sa (cách gọi vô giá trị của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam – PV)”.

Để từng bước lấn dần,  mở đầu Trung Quốc là những cuộc tập trận và thử vũ khí trong khu vực này, như tháng 5/1981 lần đầu tiên bắn thử tên lửa xuống Trường Sa. Tiếp đó, tháng 10/1982 cho tàu ngầm bắn tên lửa trong khu vực. Từ tháng 11 tới tháng 12/1985 đưa tàu Hải quân thăm dò với danh nghĩa thăm Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh…

Trung Quốc không có cơ sở pháp lý

Tham vọng được xác định từ giai đoạn Đặng Tiểu Bình nắm quyền, nhưng Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý để hợp thức hóa các hoạt động trên biển Đông.

Trang Đa chiều ngày 11/5 và 13/5/2014 liên tiếp đăng các bài phân tích về pháp lý của các học giả Trung Quốc đối với biển Đông trong một số cuộc hội thảo. Họ cho rằng Trung Quốc bị đuối lý về phương diện pháp lý cũng như hiện thực ở biển Đông. Các lập luận được đưa ra là:

Thứ nhất, về thời gian. Năm 1986 Trung Quốc công bố “Luật ngư nghiệp”, năm 1998 công bố “Luật Vùng đặc quyền khai thác kinh tế và thềm lục địa” nhưng không chỉ rõ được phạm vi Vùng  đặc quyền khai thác kinh tế ở biển Đông, càng không tuyên bố về biên giới ở biển Đông. Năm 2012 khi Trung Quốc thành lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa” – đặt trái phép trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, họ cũng không công bố cụ thể giới hạn như thế nào.

Thứ hai, Trung Quốc đuối lý về phương diện địa lý. Năm 1947, Trung Quốc thời Quốc Dân đảng nêu yêu sách chủ quyền đối với biển Đông chỉ là đường đứt đoạn, giới hạn trong khu vực bản thân tiến hành đo đạc được mực nước, dòng nước chảy cũng như những đảo đã thăm dò.

Những Tuyên bố của Trung Quốc như về lãnh hải năm 1958, Luật ngư nghiệp năm 1986 và Vùng đặc quyền khai thác kinh tế năm 1998, cũng không đề cập tới biển Đông, nếu có đề cập cũng chỉ là “đường tưởng tượng” không có mốc giới hạn, nên không có giá trị pháp lý.

Thứ ba, Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý về Khái niệm “biển nội địa” và “biển mở”. Yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn” mà Bắc Kinh áp đặt trên biển Đông đã bị tòa trọng tài LHQ bác bỏ, trong khi chính Bắc Kinh không đưa ra được lý giải và các số liệu cụ thể cho nó.

Dù Trung Quốc tự nhận có chủ quyền (phi pháp-PV) ở các vùng nước biển Đông trong phạm vi “đường 9 đoạn”, nhưng trên thực tế đây vẫn đang là vùng biển quốc tế – nơi các nước tiến hành hoạt động thương mại, hợp tác quân sự, tự do hàng hải… không phụ thuộc vào Bắc Kinh. Các tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc trong khu vực cũng không thể hành động khiêu khích vũ lực quá đà với các tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra tự do hàng hải của Mỹ hay Australia tại đây.

Trung Quốc chớp thời cơ xâm lấn Biển Đông

Tuy nhiên, bất chấp việc không có trong tay bất cứ cơ sở pháp lý nào cho các đòi hỏi chủ quyền vô cớ ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn ôm mộng bá quyền ở đây. 

Năm 1987, thời cơ vàng đã đến. Vào tháng 2, Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban hải dương học của các nước trong tổ chức Văn hóa Khoa học Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại Paris, thông qua “Kế hoạch đo đạc mặt biển toàn cầu”. Bắc Kinh đã chớp cơ hội này để “nhận” xây dựng 5 trạm quan trắc biển, một trong số đó là Trạm số 74 ở Trường Sa. Các tàu hải quân Trung Quốc đã được điều động xuống khu vực xung quanh Gạc Ma, quần đảo Trường Sa, để thực hiện dã tâm này.

Trước đó vào tháng 7/1986, khi thăm vùng Viễn Đông, tại Vladivostok, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã đồng ý bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh – vốn bị đóng băng trong khoảng gần 3 thập kỷ. Sự kiện này đặt nền móng cho chuyến thăm Trung Quốc năm 1989 của Gorbachev để chính thức bình thường hóa quan hệ song phương.

Bối cảnh giai đoạn 1986-1987 là khi quan hệ Mỹ-Trung đã được cải thiện trong hơn một thập kỷ, và quan hệ Xô-Trung đạt chuyển biến cơ bản, đã trao cho Bắc Kinh thời cơ để xúc tiến việc xâm lấn và tìm cách chiếm các đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có đá Gạc Ma.

Bên cạnh đó, năm 1988 được coi là thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam, khi Liên Xô – “anh cả” của các nước khối Xã hội chủ nghĩa vấp phải các bất ổn trong nước, khiến vai trò hỗ trợ cả về vật chất lẫn đối ngoại của Moskva không phát huy được nhiều. Trong khi đó, phải tới năm 1995, Việt Nam mới trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ( ASEAN).

Việt Nam đứng giữa nhiều khó khăn, cục diện quốc tế lại có lợi cho Bắc Kinh, và tiềm lực kinh tế-quân sự của Trung Quốc gia tăng nhanh chóng sau 8 năm cải cách mở cửa, đã biến thời điểm tháng 3/1988 – khoảng 1 tháng sau tết Âm lịch Mậu Thìn – thành thời cơ chín muồi để nước này “xua quân” tìm cách chiếm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Biển Đông “hậu Gạc Ma” và tham vọng của Trung Quốc

Sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988, với 64 chiến sĩ Việt Nam hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự xâm chiếm của Trung Quốc, được coi là khởi đầu cho sự bành trướng của Bắc Kinh đối với quần đảo Trường Sa.

Kể từ thập niên 2000, và đặc biệt là từ năm 2014, Bắc Kinh đã đẩy nhanh hoạt động cải tạo trái phép trên 7 thực thể nước này cưỡng chiếm được ở Trường Sa, đồng thời triển khai phi pháp các khí tài quân sự như tên lửa, máy bay tại các thực thể này.

Kể từ sau sự kiện Gạc Ma, Trung Quốc đã chen chân vào Trường Sa, hơn nữa vị trí của Gạc Ma rất quan trọng, như các nhà quân sự đánh là một trong những vị trí xung yếu. Nếu chiếm được Gạc Ma thì họ sẽ chi phối được vùng biển phía Tây. Nếu tiềm lực và sức mạnh của Hải quân không ngừng tăng lên thì Trung Quốc có thể từ đây vươn ra khống chế cả vùng biển xung quanh.

Hãng tin Chinanews (Trung Quốc) vào tháng 7/2016 công khai đánh giá, sự kiện Gạc Ma 1988 là bàn đạp để Trung Quốc lần đầu tiên “vươn tay” xuống Trường Sa, và tiếp đó xâm chiếm (phi pháp) thêm 6 đảo, bãi ở quần đảo của Việt Nam.

Chinanews cũng thừa nhận, cũng từ năm 1988, các thành viên ASEAN đã gia tăng cảnh giác với Trung Quốc, trong khi học thuyết “mối đe dọa Trung Quốc” trở nên thịnh hành tại phương Tây.

Cho đến nay, bất chấp đã có phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague ngày 12/7/2016 – bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở biển Đông, Bắc Kinh vẫn phớt lờ và thúc đẩy các chương trình bành trướng của mình bằng sức mạnh kinh tế, quân sự lẫn ngoại giao. Biển Đông thời kỳ “hậu Gạc Ma”, trong cục diện như vậy, sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới