Thursday, November 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChuyên gia TQ: Ông Tập Cận Bình có khả năng nắm quyền...

Chuyên gia TQ: Ông Tập Cận Bình có khả năng nắm quyền đến năm 2037

Theo học giả của SCMP, ông Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ nắm quyền thêm vài nhiệm kỳ, chứ khó có thể duy trì quyền lực trọn đời.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: EPA

Ngày 11/3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) khóa XIII đã thông qua dự thảo sửa đổi hiến pháp Trung Quốc, bãi bỏ điều lệ giới hạn nhiệm kỳ đối với chức vụ Chủ tịch nước – một động thái gây tranh cãi về việc ông Tập Cận Bình có khả năng tiếp tục tại nhiệm sau năm 2023, thậm chí trọn đời.

Trả lời họp báo ngày 4/3, người phát ngôn Quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại cho hay, thay đổi hiến pháp sẽ giúp “tăng cường và cải thiện hệ thống lãnh đạo của Trung Quốc”.

Trước đó, báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo ngày 1/3, trấn an dư luận khi dẫn điều lệ đảng nước này cho biết: “Cán bộ lãnh đạo các cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc, dù được bầu dân chủ hay được các cơ quan lãnh đạo bổ nhiệm thì chức vụ của họ đều không phải trọn đời, mà có thể thay đổi hoặc miễn nhiệm”.

Nhà phân tích chính trị Bắc Kinh – nguyên Phó Tổng biên tập tạp chí Thời báo học tập của Trung Quốc Đặng Duật Văn trong bài viết đăng tải trên Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) cho rằng với việc xóa bỏ quy định giới hạn nhiệm kỳ, ông Tập muốn tập trung quyền lực để có huy động chính phủ và nhân dân chung sức thực hiện Giấc mộng Trung Hoa.

“Ông Tập sẽ nắm quyền cho đến khi hoàn thành mục tiêu này chứ không phải nắm quyền trọn đời”, Đặng bình luận.

Theo ông này, có ba lý do khiến người đứng đầu Trung Nam Hải đương nhiệm khó có thể duy trì quyền lực trọn đời.

Thứ nhất, để giành được sự ủng hộ cho việc sửa đổi hiến pháp, ông Tập có thể phải đảm bảo với đội ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng Cộng sản Trung Quốc rằng, ông sẽ không duy trì quyền lực trọn đời.

Quy định về giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đề xuất và được Quốc hội thông qua trong lần sửa đổi hiến pháp năm 1982, mục đích nhằm ngăn chặn sự tái diễn khủng hoảng của thời Cách mạng Văn hóa.

Trong hơn 30 năm qua, hai lần chuyển giao quyền lực được thực hiện thuận lợi từ ông Giang Trạch Dân tới Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình dựa trên quy định do Đặng Tiểu Bình đề xuất.

“Quy định này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các đảng viên và xã hội Trung Quốc”, Đặng Duật Văn nhận định.

Đặng cũng cho hay nếu quyết thay đổi quy định mà không nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao, ông Tập có thể sẽ gây chia rẽ nghiêm trọng trong giới lãnh đạo, điều này cản trở sự vận hành của Trung Nam Hải.

Thứ hai chính là sự phản ứng tiêu cực từ dư luận. Theo Đặng, bộ phận dư luận tại Trung Quốc không hoàn toàn đồng tình với quyết định xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước.

Hơn nữa, việc xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với Chủ tịch Trung Quốc còn dẫn đến mối nghi ngại trong cộng đồng xã hội quốc tế, đặc biệt là các nước phương Tây. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, Đặng bình luận.

Vài ngày trước, ông Wang Xiangwei, cựu tổng biên tập báo SCMP đồng quan điểm cho rằng, dường như các lãnh đạo Trung Quốc không hề muốn thu hút nhiều sự chú ý vào sự kiện này bởi sự nhạy cảm của đề xuất sửa đổi hiến pháp, mà quan trọng hơn, nó còn khiến quan ngại quốc tế gia tăng.

Thứ ba, theo nhà phân tích chính trị Bắc Kinh, chính những bài học lịch sử là nguyên nhân khiến ông Tập khó nắm quyền trọn đời.

“Là người am hiểu lịch sử và tham vọng thực hiện sứ mệnh lịch sử khôi phục vị trí của Trung Quốc trên vũ đài thế giới, ông Tập ý thức rõ về các bài học lịch sử [của việc nắm quyền trọn đời]”, Đặng Duật Văn cho rằng, dù thành công đến đâu thì một nhà lãnh đạo cũng phải biết từ bỏ quyền lực bởi đó là quy luật của lịch sử.

Đặng Duật Văn dự đoán, ông Tập có khả năng sẽ tại nhiệm cho đến năm 2037 – khi hoàn thành những mục tiêu của giai đoạn đầu Giấc mộng Trung Hoa.

RELATED ARTICLES

Tin mới