“Bóng đang ở trong chân” nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, khi mà “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ không có tác dụng trong hàng thập kỷ qua.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Bộ Các lực lượng vũ trang nhân dân hồi đầu năm 2018. Ảnh: The NationalInterest.
Cả năm 2017 căng thẳng Mỹ-Triều Tiên dường như chạm tới đỉnh điểm của thảm kịch, thậm chí là nguy cơ xung đột. Với tuyên bố bảo vệ đất nước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã cho thử liên tiếp hạt nhân và các tên lửa đạn đạo. Với phía Mỹ, các tên lửa của Triều Tiên cũng trở thành một mối đe dọa khi chúng có thể chạm tới lãnh thổ Mỹ, theo đúng như lời cảnh báo của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Đáp trả, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rõ ràng sẽ không cho phép Bình Nhưỡng sở hữu những tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Ông Trump cảnh báo ông Kim phải chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, nếu không Mỹ sẽ sử dụng biện pháp quân sự.
Gió đổi chiều trên Bán đảo Triều Tiên
Bầu không khí căng thẳng tột độ trên Bán đảo Triều Tiên và sự đối đầu không khoan nhượng Mỹ-Triều bất ngờ hạ nhiệt.
Tia hy vọng đã lóe lên đưa cuộc khủng hoảng hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên chuyển hướng tích cực. Trong cuộc gặp với đặc phái viên của Hàn Quốc đầu tháng 3 này, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lần đầu tiên thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa. Theo đúng lời của ông Kim là “sẵn sàng cân nhắc phi hạt nhân hóa nếu các mối đe dọa an ninh nhằm vào Triều Tiên được loại bỏ và an ninh Triều Tiên được đảm bảo”.
Chỉ vài ngày sau đó, thế giới đã chứng kiến diễn biến tích cực đầy bất ngờ khi ông Kim đề nghị đàm phán trực tiếp và ông Trump chấp thuận.
Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim có thể có hoặc không diễn ra. Bởi vì thực tế, để tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo cấp cao nhất giữa các nước thì giới chuyên gia và các nhà ngoại giao của mỗi bên phải làm việc, đàm phán tích cực.
Có không ít ý kiến cho rằng cuộc gặp “không tưởng” này sẽ khó diễn ra và kể cả khi 2 nhà lãnh đạo gặp mặt thì chưa chắc đã có kết quả. Thực tế, cả Mỹ và Triều Tiên đều có những tính toán cho lợi ích của mình và phản ứng đề phòng lẫn nhau là điều dễ hiểu. Một điều quan trọng hơn cả mà giới quan sát đề cập là việc Mỹ liệu có đủ ảnh hưởng để thuyết phục Triều Tiên thỏa hiệp hoặc nhượng bộ hay không.
Tầm ảnh hưởng là nhân tố sống còn trong “nghệ thuật chính trị”, đây vừa là điều vô cùng lợi hại, song cũng vô cùng khó để đạt được hay sử dụng nó. Đặc biệt là sử dụng với những “đối thủ lợi hại”. Trong hàng thập kỷ qua, Mỹ vẫn sử dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” với Triều Tiên. Đó là sự kết hợp của các trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao, đe sử dụng quân sự, cùng với đó là những đề nghị hấp dẫn về dỡ bỏ trừng phạt hay hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, chính Tổng thống Trump đã thừa nhận không cây gậy và củ cà rốt nào của Mỹ phát huy tác dụng.
Các lệnh trừng phạt và việc tăng cường tập quân sự của Mỹ với Hàn Quốc đã không và không thể buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển tên lửa chiến lược và vũ khí hạt nhân. Ngược lại, nó đưa Mỹ-Triều đến gần với chiến tranh hơn vì Triều Tiên luôn cho rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn hay Mỹ-Nhật đều là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược Triều Tiên.
Theo giới chuyên gia Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên đang “ở vị trí người điều khiển cuộc chơi” ở thời điểm này.
Giải pháp quân sự là không thể
Mặt khác, Mỹ rút ra được bài học xương máu trong cuộc chiến tại Iraq khi nhằm tới nhà lãnh đạo Saddam Hussein. Đó là các trừng phạt vô tác dụng hay sự sa lầy của một cuộc chiến hao người tốn của. Do vậy, việc Mỹ cảnh báo sử dụng quân sự cũng dường như không thể đe dọa Triều Tiên và không phải là biện pháp thực tế.
Và nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, thì rõ ràng Washington trở thành kẻ xâm lược. Vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ sẽ suy yếu và Washington có thể không còn nhận được sự ủng hộ từ các nước trong những biện pháp trừng phạt và phong tỏa nhằm vào Bình Nhưỡng. Trong khi, ông Kim Jong-un hiểu rất rõ điều này.
Một cuộc tấn công toàn diện Triều Tiên là một kích bản ít khả thi. Trong khi đó, Hàn Quốc, đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, sẽ phải nhận hậu quả khủng khiếp từ cuộc chiến này. Thậm chí, cả Nhật Bản và Trung Quốc sẽ không nằm ngoài vùng ảnh hưởng.
Chiến tranh tại châu Á- vốn là điểm sáng và là động lực kinh tế toàn cầu, sẽ là một thảm họa thực sự với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi, kinh tế sẽ là lá bài chiến lược nếu ông Trump muốn tìm kiếm nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ 2. Cuộc xâm lược của Mỹ sẽ chỉ khiến Triều Tiến có lý do chính đáng để triển khai tên lửa hạt nhân nhằm vào các mục tiêu, cũng như vị thế của Mỹ ở bất cứ nơi nào. Và một lần nữa, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hiểu rất rõ điều này.
Kể cả khi Mỹ có thể hạ bệ hoàn toàn nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng ông Kim có lý do để tin rằng điều này sẽ không diễn ra.
Tổng thống Mỹ vừa mới sa thải nhà ngoại giao hàng đầu của mình. Nhà Trắng đã xác định người thay thế Ngoại trưởng Rex Tillerson là Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo, người được cho là có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên hơn nhiều so với Ngoại trưởng Tillerson.
CNN dẫn một nguồn tin thân cận với chính quyền Tổng thống Trump cho biết, ông Trump lựa chọn Giám đốc CIA vào vị trí Ngoại trưởng bởi vì ông muốn một đội ngũ mạnh mẽ để sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên.