Bắc Kinh sẽ tiếp tục chiến dịch bài trừ tham nhũng và làm trong sạch đội ngũ đảng viên
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước các đại biểu quốc hội hôm 20-3 Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 20-3 khởi đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình bằng bài phát biểu đậm chất chủ nghĩa dân tộc trước gần 3.000 đại biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất quốc hội khóa XIII.
Cảnh báo cứng rắn
Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tiến hành “trận chiến đẫm máu” để chống lại mọi kẻ thù và giành lại vị trí xứng đáng trên thế giới. Ông đặc biệt đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào những ai ủng hộ Đài Loan – được Bắc Kinh xem là phần lãnh thổ không thể tách rời – độc lập khi tuyên bố bất kỳ hành động nào nhằm chia cắt Trung Quốc “chắc chắn sẽ thất bại, bị người dân lên án và lịch sử trừng phạt”. Dù vậy, ông nhấn mạnh chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ hòa bình với Đài Loan, mở rộng trao đổi kinh tế và văn hóa với hòn đảo này.
Reuters nhận định đây là cảnh báo mạnh mẽ nhất được ông Tập gửi đến Đài Loan. Nó được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật mới khuyến khích quan chức nước này thăm Đài Loan và ngược lại. Trong động thái có thể khiến Bắc Kinh thêm bất bình, ông Alex Wong, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, có chuyến thăm Đài Loan từ ngày 20 đến 22-3.
Cũng trong bài phát biểu trên, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng “chất lượng cao”, coi trọng đổi mới sáng tạo hơn là tốc độ tăng trưởng. Hãng tin AP nhận định một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Tập trong nhiệm kỳ mới là kiểm soát những rủi ro tài chính, nhất là món nợ công đang phình to, mà không làm chệch hướng nền kinh tế.
Những thách thức gai góc khác là tăng trưởng kinh tế chậm lại, tình trạng vay mượn quá nhiều và nguy cơ chiến tranh thương mại với Mỹ. Nỗi lo về kinh tế phần nào được thể hiện qua nhắc nhở của ông Tập Cận Bình, theo đó Trung Quốc không được tự mãn về sự phát triển của mình.
Nỗi lo của Nhật Bản
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc lại nước này sẽ tiếp tục chiến dịch bài trừ tham nhũng và làm trong sạch đội ngũ đảng viên. Ông nêu bật cam kết xóa nghèo, chăm sóc người bệnh và cao tuổi, tạo ra một nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Về đối ngoại, nhà lãnh đạo này cam kết mở rộng sáng kiến “Vành đai và Con đường” do ông khởi xướng nhằm xây dựng cảng biển, cầu đường và đường sắt kết nối châu Âu với châu Á. Đối mặt những chỉ trích về dự án tham vọng này, ông khẳng định Bắc Kinh không tìm kiếm bá quyền: “Sự phát triển của Trung Quốc không là mối đe dọa với bất kỳ nước nào”.
Dù vậy, Bắc Kinh chắc chắn cần nhiều hơn những lời lẽ như thế để xoa dịu nỗi lo của cộng đồng quốc tế. Theo Reuters, Nhật Bản là một trong những quốc gia đang chuẩn bị đối phó những mối đe dọa an ninh tiềm tàng đến từ Trung Quốc, quốc gia không ngừng tăng chi tiêu quân sự (riêng năm 2018 tăng 8,1% lên khoảng 175 tỉ USD) và không ngừng lấn tới ở biển Đông, biển Hoa Đông. Giới chuyên gia quân sự Nhật đang lo Bắc Kinh có thể sắp mở một tuyến đường tiếp cận Thái Bình Dương thông qua chuỗi đảo Okinawa sau khi thường xuyên có những hành động bị xem là khiêu khích ở biển Hoa Đông.
Hồi tháng 1 qua, Tokyo lên tiếng phản đối “hành động leo thang nghiêm trọng” sau khi một tàu ngầm Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, hồi tháng 11-2017, Nhật Bản cũng phản ứng mạnh khi 6 máy bay ném bom Xian H-6, máy bay trinh sát Y-8 và máy bay tác chiến điện tử TU-154 của Trung Quốc bay qua không phận nằm giữa hai đảo Okinawa và Miyakojima. “Trung Quốc đang kiểm tra phản ứng của lực lượng Nhật Bản để hiểu rõ hơn về khả năng phòng thủ của nước này” – ông Toshi Yoshihara, chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá ngân sách (Mỹ), nhận định.
Để đối phó, theo một số nguồn tin, Nhật Bản cần thêm vũ khí tiên tiến để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách xa hơn. Ngoài ra, Tokyo có thể xem xét lập một trụ sở chỉ huy chung để điều phối các lực lượng trên không, bộ và biển, cũng như tăng cường hợp tác quân sự với Washington.