Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngSCMP: Trump-Kim tái hiện cuộc gặp "ác mộng" với Liên Xô, nhưng...

SCMP: Trump-Kim tái hiện cuộc gặp “ác mộng” với Liên Xô, nhưng lần này TQ là người bẽ mặt

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) chỉ ra, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un xúc tiến cuộc gặp tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng chưa hề tiếp xúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cơ chế đàm phán 6 bên là di sản nổi bật nhất mà Trung Quốc để lại trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân bán đảo, nhưng chưa mang lại kết quả thực chất nào (Ảnh: Guang Niu)

Theo SCMP, việc lãnh đạo hai nước “đồng minh xương máu” trong quá khứ chưa hề gặp nhau sau 7 năm cho thấy mức độ lạnh nhạt trong quan hệ Trung Quốc-Triều Tiên.

Nếu cuộc gặp giữa lãnh đạo Kim Jong Un với tổng thống Trump và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in được tổ chức thành công thì đây sẽ là thắng lợi cho tất cả các bên – Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, cùng hai miền bán đảo. Căng thẳng cùng đe dọa chiến tranh hạt nhân sẽ được đẩy lùi.

Giải pháp hòa bình cho chương trình hạt nhân-tên lửa của Bình Nhưỡng là phù hợp với lợi ích của các nước tham gia vòng đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh trong thập kỷ trước.

Đó là lý do cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim được so sánh với hội nghị Nixon-Mao Trạch Đông vào năm 1972, sự kiện ngoại giao thế kỷ giúp hai cường quốc Mỹ-Trung bình thường hóa quan hệ và hóa giải rủi ro xung đột Đông-Tây.

Trung Quốc bị gạt ra?

Các lãnh đạo, từ ông Trump đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đều đề cao hợp tác giữa các bên liên quan. Trong năm qua, tổng thống Mỹ đã “xoay đi chuyển lại” giữa việc ca ngợi và chỉ trích ông Tập về nỗ lực của Trung Quốc để kiểm soát Bình Nhưỡng, qua đó hé lộ quan hệ có hợp tác lẫn cạnh tranh giữa Mỹ-Trung về vấn đề bán đảo.

Trong các bên chủ chốt, Bắc Kinh tuyên bố đóng vai trò trung gian hòa giải với sáng kiến đàm phán 6 bên – dù chương trình đối thoại đã thất bại và bị dang dở từ sau năm 2006, khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ nhất.

Trước, trong và sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) cho đến nay, Trung Quốc đóng vai trò là đối tác trọng yếu của Triều Tiên, giúp quốc gia bán đảo sinh tồn và chống đỡ trước các lệnh cấm vận nhiều thập kỷ của phương Tây. Nhưng sau khi ông Tập Cận Bình lên năm quyền năm 2012, Trung Quốc còn đóng vai trò tích cực trong thực thi các lệnh cấm vận do Mỹ khởi xướng ở Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên, dù về mặt chính trị Bắc Kinh vẫn coi người láng giềng là một đồng minh quan trọng.

Bất kỳ tiến triển nào trong quan hệ Mỹ-Triều sẽ tạo bước ngoặt trong trật tự địa chính trị ở bán đảo Triều Tiên, cũng như toàn khu vực Đông Bắc Á.

SCMP chỉ ra, triển vọng đối thoại trực tiếp Mỹ-Triều cho thấy Bắc Kinh đã mất đi “đòn bẩy” trong vai trò nhà hòa giải, đặc biệt khi các cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un với ông Moon Jae In và Donald Trump đều đang được dàn xếp mà không hề có phần của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng gần như sẽ bị gạt ra ngoài khỏi tất cả các cuộc hòa đàm tiềm năng trong tương lai, như hệ quả tất yếu của việc Washington, Seoul và Bình Nhưỡng đã thiết lập được liên hệ trực tiếp.

SCMP bình luận, vụ bẽ mặt ngoại giao của Bắc Kinh còn thể hiện đặc biệt ở chỗ, hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có thể diễn ra trước bất kỳ khả năng gặp mặt nào giữa ông Kim Jong Un và ông Tập Cận Bình – vốn vẫn còn hết sức mờ mịt. Điều này đồng nghĩa, trục quan hệ với Mỹ hiện đã được Bình Nhưỡng đánh giá cao hơn quan hệ với Trung Quốc.

Ngay cả Nhật Bản cũng đã tỏ ra lo ngại về việc “bị gạt ra”, khi thủ tướng Shinzo Abe phải đánh tiếng rằng ông sẵn lòng hướng đến một cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên.

“Ác mộng ngoại giao” của Bắc Kinh

Luận điểm của Trung Quốc từ trước đến nay là phi hạt nhân hóa bán đảo đạt được khi và chỉ khi Mỹ-Hàn Quốc ngưng tập trận chung, đồng thời Triều Tiên ngưng thách thức bằng hạt nhân và tên lửa. Nhưng trong diễn biến mới nhất đầy bất ngờ, ông Kim Jong Un cam kết Triều Tiên sẽ không tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa, và ông chấp nhận việc Mỹ-Hàn nối lại tập trận chung từ tháng 4.

Quan hệ Mỹ-Triều cải thiện đã tới vào thời điểm tệ hại nhất với Trung Quốc, khi quan hệ Bắc Kinh-Bình Nhưỡng chạm đáy thấp nhất sau nhiều thập kỷ khăng khít. Triều Tiên chỉ trích Trung Quốc vì bỏ phiếu thuận trong các nghị quyết trừng phạt ở HĐBA LHQ hồi năm ngoái.

Theo SCMP, ông Kim đang ngày càng cảnh giác trước người láng giềng. Truyền thông quốc tế tin rằng một số vụ thử của Triều Tiên gần đây được tiến hành nhằm làm bẽ mặt ban lãnh đạo Trung Quốc, ví dụ như vụ thử hạt nhân ngày 3/9 ngay trước hội nghị BRICS tổ chức ở Hạ Môn, Trung Quốc.

Không khó nhận thấy lãnh đạo Triều Tiên kỳ vọng “chốt” một thỏa thuận với Mỹ và thoát khỏi “cái bóng” quá lớn của Trung Quốc, nhờ nguồn viện trợ kinh tế hứa hẹn từ Mỹ và Hàn Quốc.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc có lý do để đánh giá nghiêm túc khả năng hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có thể là một nỗ lực chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, giống như Mao và Nixon nối lại quan hệ Mỹ-Trung Quốc năm 1972 trong bối cảnh hai nước cùng mâu thuẫn lớn với Liên Xô.

RELATED ARTICLES

Tin mới