Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiƯu - nhược trong Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ

Ưu – nhược trong Chiến lược Quốc phòng mới của Mỹ

Chiến lược Quốc phòng (NDS) mới được Mỹ công bố là chiến lược quốc phòng thực sự đầu tiên của Mỹ trong vòng 1 thập kỷ trở lại đây. Chiến lược này làm rõ quan điểm của Chính quyền Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đối với các thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt cũng như đề xuất để giải quyết các lo ngại này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Reuters

Chiến lược nhiều khả năng sẽ có những tác động tác kể, góp phần chi phối chính sách và các quyết sách của Lầu Năm Góc trong nhiều năm tới. Chiến lược này miêu tả các đối thủ của Mỹ cũng như hiện trạng quân đội Mỹ một cách thẳng thắn và cụ thể hơn những tài liệu tương tự, chẳng hạn như Báo cáo Quốc phòng được đưa ra bốn năm một lần. Cùng với sự thẳng thắn này là một cách nhìn hoàn toàn mới đối với chiến lược quốc phòng. Chiến lược nói về việc “mở rộng không gian cạnh tranh”, một ý tưởng mới bao gồm cả khái niệm về việc đặt ra thách thức và đẩy các đối thủ tiềm tàng vào thế khó trong nhiều lĩnh vực.

Một điểm mới dễ nhận thấy trong văn bản này là cách hành văn chặt chẽ và thống nhất. Khác với các chiến lược quốc phòng khác, vốn thường khiến người đọc cảm tưởng như có cả một ủy ban đứng đằng sau soạn thảo, văn bản này có một sự mạch lạc và dễ hiểu từ đầu tới cuối, một dấu hiệu cho thấy rất có thể là nó đã được chấp bút bởi chỉ duy nhất 1 người, hoặc ít nhất cũng không phải là bởi hàng chục tác giả với những quan điểm trái chiều

Ngoài những ưu điểm trên, chiến lược quốc phòng và Chiến lược An ninh Quốc gia được Tổng thống Trump công bố chỉ mới một tháng trước còn có một sự thống nhất rất rõ ràng. Chiến lược quốc phòng được xây dựng trên nền tảng chủ đề mà chiến lược an ninh quốc gia đã đề cập tới, cụ thể là sự cần thiết của việc “tái thiết năng lực sẵn sàng cho quân đội” Mỹ.

Ưu tiên là yếu tố xác định giá trị thực sự của một chiến lược an ninh quốc gia, và để đề ra các ưu tiên, người ta phải đưa ra những quyết định khó khăn. Trong Chiến lược Quốc phòng mới, Mỹ đã thực sự định hình những quyết định ấy. Nga và Trung Quốc rõ ràng đã được xem là mối đe dọa hàng đầu. Xếp sau đó là Iran, Triều Tiên, và đáng chú ý là chủ nghĩa khủng bố. Có thể nói văn bản này đã thay đổi hoàn toàn các ưu tiên quốc phòng của Mỹ vốn được duy trì trong suốt 16 năm qua.

Lầu Năm Góc đang có nhiều hoạt động rất kém hiệu quả trong kỷ nguyên công nghiệp, và Bộ trưởng Mattis có vẻ đang rất quyết tâm thay đổi điều này. Khi công bố chiến lược, ông đã ám chỉ việc “tái tổ chức” các tài sản an ninh mạng của quân đội Mỹ, và dù không nói chi tiết, song đây rõ ràng là một lĩnh vực đang rất cần cải thiện. Bên cạnh những ưu điểm trên, không may là Chiến lược Quốc phòng vẫn còn một số điểm đáng thất vọng.

Nghiêm trọng nhất, mục tiêu chiến lược của Mỹ đã bị hạ thấp. Văn bản này chỉ kêu gọi Mỹ duy trì khả năng “chống lại các hành vi quyết đoán của một cường quốc và ngăn chặn nguy cơ ở khắp mọi nơi”. Nhiều người đã nhắc đến chiến lược vận hành “1+”, nghĩa là Mỹ vừa có khả năng chiến đấu chống lại một đối thủ mạnh, vừa ngăn chặn một đối thủ khác. Tuy nhiên, răn đe là một mục tiêu rất mơ hồ và khó có thể lên kế hoạch cụ thể. Việc thực hiện các biện pháp răn đe cần tới quyết tâm và năng lực, và để có thể thực sự “cảnh cáo” đối phương, Mỹ phải thể hiện được sức mạnh và khả năng giành chiến thắng của mình trong trường hợp nổ ra chiến tranh. Chưa rõ năng lực này có thể khả thi hay không nếu tiêu chuẩn bị hạ xuống quá thấp.

Để bảo vệ các lợi ích then chốt của Mỹ trước một mức độ rủi ro có thể chấp nhận được, Mỹ cần phải có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trên hai mặt trận, cụ thể là chiến đấu vừa ngăn chặn. “Chiến lược chiến tranh song song” đã là một tiêu chuẩn vàng đối với các mục tiêu chiến lược của Mỹ từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bởi nó giúp đảm bảo một cách hiệu quả các lợi ích quan trọng của Mỹ, trong khi vẫn cho phép cường quốc này có đủ năng lực để răn đe những đối thủ đang tìm cơ hội và chống đỡ các thiệt hại trong chiến tranh. Tiêu chuẩn này cũng giúp quân đội Mỹ có được các kinh nghiệm chiến đấu, và đảm bảo các hoạt động bền vững trong dài hạn.

Một điểm yếu khác của Chiến lược Quốc phòng là việc văn bản không chú trọng tới kế hoạch tăng quy mô quân đội. Chiến lược An ninh Quốc gia mà Tổng thống Trump đưa ra nhiều lần đề cập tới mục tiêu tăng quân số, chỉ ra rằng Mỹ đang “dại dột” giảm số lượng quân sỹ xuống mức thấp nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc “tăng quân để đảm bảo đủ năng lực triển khai ở quy mô lớn và trong thời gian kéo dài nhằm dành chiến thắng trong nhiều trường hợp”.

Chiến lược Quốc phòng thực tế nói rằng “quy mô lực lượng là việc cần lưu tâm” song không nhấn mạnh tới việc cần phải tăng quân số tới mức cần thiết để bảo vệ các lợi ích của đất nước. Những thiếu sót kể trên có thể là kết quả của khoản ngân sách quốc phòng đang bị siết chặt, dù chiến lược không nói rõ tới những khó khăn về tài chính. Thời gian sẽ là câu trả lời cho băn khoăn này. Bộ trưởng Mattis đã nhấn mạnh rằng Mỹ đang ở trong một giai đoạn cạn kiệt về chiến lược”, giai đoạn mà đất nước chưa dành đủ sự quan tâm cho những vấn đề cấp bách đang phải đối mặt. Chiến lược Quốc phòng đã vạch ra và tìm cách sửa chữa những thiếu sót này một cách rõ ràng và quyết đoán. Bất chấp những hạn chế, đây cũng xứng đáng được xem là một đóng góp hữu ích cho các cuộc thảo luận về vấn đề quốc phòng tại Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới