Saturday, January 11, 2025
Trang chủĐiểm tinBất chấp Ấn Độ lo ngại, Maldives vẫn muốn tìm đến sự...

Bất chấp Ấn Độ lo ngại, Maldives vẫn muốn tìm đến sự giúp đỡ của “họ hàng xa” TQ

Công sứ Maldives cho biết nước này nhiều lần xin Ấn Độ đầu tư nhưng không được đáp ứng, trong khi đó Trung Quốc lại luôn sẵn lòng giúp đỡ họ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Maldives Abdulla Yameen (phải). Ảnh: Xinhua.

Hôm thứ Năm (22/3) vừa qua, Tổng thống Maldives Abdulla Yameen đã chính thức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp tại đất nước này sau 45 ngày, bởi ông cho rằng tình hình đã dần bình ổn trở lại.

Maldives tiếp tục tìm sự giúp đỡ của “người họ hàng xa” Trung Quốc

Trả lời phỏng vấn của trang Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) sau quyết định của Tổng thống Yameen, Công sứ Maldives tại Trung Quốc Mohamed Faisal cho biết nước này sẽ tiếp tục xúc tiến các dự án của Trung Quốc và kêu gọi thêm các khoản đầu tư từ Bắc Kinh trong thời gian tới, bất chấp những quan ngại của “người anh em” Ấn Độ.

Căng thẳng Trung-Ấn đã leo thang trong bối cảnh Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị hồi đầu tháng Hai vừa qua. Tòa án Tối cao Maldives đã ra phán quyết thả hai thủ lĩnh đối lập bị bắt giữ trước đó vì âm mưu đảo chính. 

Trong đó, một thủ lĩnh muốn “mượn” Ấn Độ can thiệp quân sự vào nội bộ Maldives, người còn lại thì cáo buộc chính phủ cho phép Trung Quốc “mua” toàn bộ đảo.

Tuy nhiên Tổng thống Yameen đã bác bỏ phán quyết này.

Ông Faisal cho biết: “Cách thế giới nhìn nhận Trung Quốc đã khiến chúng tôi liên lụy”.

“Đây là một phần của xu thế toàn cầu hiện nay – rất nhiều người nhìn nhận [tiêu cực] về những động thái của Trung Quốc vì vị thế về kinh tế và chính trị của họ”.

“Maldives đã chịu khá nhiều áp lực và căng thẳng… như vấn đề bẫy nợ, hay chiếm đất, bởi chúng tôi hợp tác với Trung Quốc. Nếu chúng tôi hợp tác với Ấn Độ hay Mỹ, thì mọi người sẽ không nói như vậy”, ông Faisal nói.

Kể từ chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Maldives hồi năm 2014, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào Maldives. Ngoài hai dự án lớn nhất là mở rộng quy mô sân bay, và xây dựng cây cầu nối liền sân bay tới thủ đô Malé của Maldives, Bắc Kinh còn đầu tư xây dựng nhiều công trình như nhà cho thuê hay khu nghỉ dưỡng trên hòn đảo này.

Tuy nhiên, ông Faisal cho rằng tốc độ đầu tư như hiện giờ vẫn rất chậm so với tiềm lực kinh tế “khủng” của Trung Quốc, bởi Maldives “cần nhiều hơn thế”.

Theo ông này, các công ty Trung Quốc đã ngỏ ý muốn xây dựng một cảng thuộc khu kinh tế mới trên đảo san hô phía Bắc, với tên gọi iHavan, bao gồm một sân bay, trung tâm du lịch, bến tàu và xưởng đóng tàu.

“Chúng tôi đang tìm kiếm các khoản đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở hạ tầng tại các cảng. Không chỉ mỗi Trung Quốc, chúng tôi còn chào đón tất cả các nước khác”.

Tháng 12/2017, Trung Quốc và Maldives đã kí kết xây dựng một trạm quan trắc đại dương. Do đây là dự án được Trung Quốc khởi xướng, Ấn Độ đã lo ngại rằng trạm quan trắc này có thể được sử dụng cho mục đích quân sự.

Việc Trung Quốc tăng cường đầu tư ở khu vực Nam Á khiến Ấn Độ ngày càng lo ngại về an ninh quốc gia, khi những cảng biển do Bắc Kinh đầu tư lần lượt được xây dựng tại Sri Lanka và Pakistan. Những cơ sở này còn được mệnh danh là những “hạt ngọc trai trên chuỗi vòng cổ” để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.

Maldives cần cả Trung Quốc và Ấn Độ

Tuy nhiên, ông Faisal cho biết Maldives sẽ không ngả hẳn về phía nào, vì họ không muốn mất đi hai đối tác quan trọng là Ấn Độ và Trung Quốc:

“Chúng tôi đã từng xin Ấn độ đầu tư cho nhiều dự án, nhưng lại không nhận được nguồn tài chính cần thiết. Trung Quốc giống như người họ hàng xa sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi”.

Khi được phóng viên hỏi về Ấn Độ, ông nói: “Ấn Độ và chúng tôi là anh em. Bởi chúng tôi là gia đình, có thể thi thoảng bất hòa sẽ cãi nhau hay tranh luận, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn sẽ ngồi xuống giải quyết những vấn đề đó cùng nhau”.

Ông Faisal không loại trừ khả năng Trung Quốc và Maldives tập trận chung, và bác bỏ những quan ngại rằng Malé sẽ cho phép Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự ở Maldives.

Hồi tháng 8/2017, chính phủ Maldives đã cho phép 3 tàu chiến cập cảng nước này. Tuy nhiên theo lời ông Faisal, đó là sự hợp tác giữa các đối tác trên khuôn khổ đa phương nhằm đảm bảo an ninh khu vực.

Hơn 70% số nợ nước ngoài của Maldives thuộc về chủ nợ Trung Quốc, nhưng ông Faisal khẳng định nước này không gặp khó khăn gì trong việc trả nợ.

RELATED ARTICLES

Tin mới