Năm 2017, thế giới đã trải qua nhiều biến động, trong đó có những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ như rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu. Một câu hỏi đặt ra là những thay đổi mạnh mẽ đó sẽ có ảnh hưởng thế nào tới tranh chấp Biển Đông, và Việt Nam sẽ có những lựa chọn chiến lược nào để giải quyết tranh chấp Biển Đông?
Các nước ASEAN và Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào 6/8/2017. Ảnh: Các Ngoại trưởng tại lễ khai mạc Hội nghị bộ trưởng ngoại giao lần thứ 50 ở Manila (Philippines). Nguồn: Asean.org.
Tình hình Biển Đông năm 2017
Từ quan điểm của Việt Nam, cần phân tích ba nhân tố chính có tính quyết định ở Biển Đông.
Đầu tiên là Mỹ, nước công khai tuyên bố ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông và giải quyết mọi tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Trong năm 2017, Mỹ có sự thay đổi quan trọng trong chương trình nghị sự Châu Á – Thái Bình Dương: chấm dứt thời kỳ “xoay trục” dưới thời Obama và rút lui khỏi TPP. Ở mặt này, Mỹ dự kiến sẽ tăng cường các hoạt động quốc phòng, ngoại giao và kinh tế trong khu vực để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Phản ứng của Mỹ đối với các tranh chấp trên Biển Đông chủ yếu là các hoạt động mang tính “danh nghĩa”: Ngày 23 tháng 1 năm 2017, phát ngôn viên nhà trắng Sean Spicer đã tuyên bố trước báo chí rằng “sẽ đảm bảo rằng [nước Mỹ] bảo vệ các lãnh thổ quốc tế khỏi bị kiểm soát bởi bất kỳ một quốc gia nào”. Vào tháng 5/ 2017 Hải quân Mỹ đã bắt đầu tiến hành các hoạt động duy trì tự do hàng hải (Freedom of Navigation Operations – FONOP) ở Biển Đông và cho đến tháng 10/2017 đã thực hiện bốn hoạt động tự do hàng hải. Gần đây nhất, trong tháng 11, khi gặp gỡ với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho biết rằng ông có thể làm “trung gian” giải quyết tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Nhân tố quan trọng thứ hai là Trung Quốc. Đối với nước này, tranh chấp trên Biển Đông sẽ vẫn là một trong những mối quan ngại hàng đầu, đặc biệt là với việc thực hiện “Sáng kiến vành đai, con đường” (BRI) đầy tham vọng. Vì dự án này bao gồm một “con đường tơ lụa” trên biển kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi từ vùng Biển Đông và phía nam Trung Quốc đến Địa Trung Hải, Trung Quốc có quyền lợi rất lớn trong việc đảm bảo an ninh và điều hướng trong vùng Biển Đông. Đối với Trung Quốc, khẳng định chủ quyền trên Biển Đông không chỉ có ý nghĩa về mặt quyền lợi kinh tế mà còn cả ý nghĩa về mặt chính trị – lịch sử. Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố có chủ quyền lịch sử với một số khu vực ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ năm 2014 đến 2017, Trung Quốc tăng cường cải tạo các bãi đá ở Trường Sa và phản đối phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA). Tháng 8 năm 2017 Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ khi Việt Nam và công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha tiến hành khoan thăm dò ở Biển Đông, dẫn tới việc phải ngừng khoan thăm dò. Đó là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc có khả năng và sẵn sàng phản ứng rất mạnh mẽ với những hành động của các quốc gia khác mà Trung Quốc tin rằng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ trên Biển Đông. Trung Quốc cũng phản đối sự can thiệp của các nước bên ngoài vào tình hình Biển Đông.
Về mặt chiến lược, việc nước Mỹ rút lui khỏi liên minh với các nước trong khu vực trong giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực thuận lợi cho Trung Quốc. Những cam kết rõ ràng của chính quyền Trump về chủ nghĩa bảo hộ trong nước đã khiến cho Trung Quốc đạt được nhiều thành tựu mới trong hợp tác dự do thương mại như với hiệp định tự do thương mại ba bên Trung Quốc – Nhật Bản – Hàn Quốc. Những hành động đó của chính quyền Trump khiến nhiều đồng minh của Mỹ ở trong khu vực bị sốc, đe dọa phá vỡ thế cân bằng quyền lực ở khu vực. Và kết quả là Trung Quốc có thể chiếm ưu thế và gia tăng yêu sách của mình trên Biển Đông.
Nhân tố quan trọng thứ ba là ASEAN. ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một mốc quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông vào năm 2017, đó là thông qua dự thảo về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kế thừa Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Mặc dù đây là bước đi đúng hướng, nhưng khung dự thảo đã không đề cập đến tính pháp lý của COC, phạm vi áp dụng và cơ chế để đảm bảo tính tuân thủ bộ quy tắc trên. Một vấn đề khác liên quan đến Philippines, kể từ khi Duterte lên làm Tổng thống thì quốc gia đã giành chiến thắng sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016 này lại chuyển hướng ngày càng gia tăng mối quan hệ thân Trung Quốc.
Các lựa chọn giải pháp chiến lược cho Việt Nam
Trước những thay đổi đang diễn ra ở Biển Đông, Việt Nam nên cân nhắc kỹ lưỡng các lựa chọn của mình, đặc biệt là trong mối quan hệ với các cường quốc có quyền lợi từ những tranh chấp trên Biển Đông. Có ba chiến lược mà Việt Nam có thể áp dụng: đối trọng (balancing), nhượng bộ (bandwagoning), và phòng ngừa rủi ro (hedging).
Đối trọng (tính khả thi thấp)
Trong chính trị thế giới, đối trọng là trạng thái khi quyền lực của một nước cân bằng với một nước khác. Tuy Việt Nam quá yếu để trực tiếp thách thức với quốc gia lớn nào trong khu vực thì Việt Nam vẫn có thể gián tiếp tạo thế cân bằng bằng việc liên kết với Mỹ và các đồng minh khác trong khu vực đồng thời dần tách khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, có hai lý do chính khiến Việt Nam khó thực hiện chiến lược này, đầu tiên là do có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Từ sau năm 1991 tới nay, Việt Nam vẫn duy trì chính sách “ba không”, tránh các mối liên minh có thể khiến Trung Quốc phản đối. Trong bối cảnh như vậy, một chiến lược đối trọng có thể khiến Trung Quốc nghĩ rằng phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc đang giảm ở Việt Nam và gia tăng các hoạt động mạnh mẽ hơn ở Biển Đông. Lý do thứ hai là Việt Nam thiếu một đồng minh đáng tin cậy. Trong trường hợp Việt Nam muốn liên kết với một đồng minh để đối trọng với Trung Quốc, chỉ có Mỹ và Nhật Bản là các lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, nước Mỹ dưới thời Trump ít quan tâm tới các vấn đề quốc tế, và nhiều khả năng sẽ tập trung vào giải quyết những vấn đề như khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên hơn là tới mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Nhật Bản tuy là một đồng minh phù hợp bởi vì cũng có những xung đột với Trung Quốc trên biển, song lại không có đủ sức mạnh để tham gia vào các tranh chấp quân sự. Mặt khác, việc theo đuổi một chiến lược “đối trọng” với Trung Quốc cũng sẽ đi ngược lại với tuyên bố của Việt Nam về chủ trương giải quyết các xung đột trên Biển Đông bằng con đường hòa bình dựa trên các quy tắc và luật pháp quốc tế. Do đó, Việt Nam không nên từ bỏ chủ trương này để theo đuổi một chiến lược “đối trọng” mà tính khả thi không cao.
Nhượng bộ (tính khả thi thấp)
Lựa chọn thứ hai, hoàn toàn đối lập với “đối trọng”, là giảm quan hệ với Mỹ và xích lại gần với Trung Quốc hơn nữa và nhượng bộ Trung Quốc nhiều hơn trong các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên lựa chọn này không khả thi cho Việt Nam vì, thứ nhất, chủ quyền trên Biển Đông được cả Việt Nam và Trung Quốc coi là vấn đề cốt lõi. Từ bỏ vị trí của mình tại khu vực này sẽ đe dọa nghiêm trọng tới vấn đề an ninh của Việt Nam, đồng thời, sự nhượng bộ sẽ đem lại cơ hội để khiến Trung Quốc có những hành động mạnh hơn ở Biển Đông. Thứ hai, tinh thần phản đối Trung Quốc ở Việt Nam rất mạnh mẽ, nếu Việt Nam ngả về phía Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thì sẽ nhận được sự phản đối rất dữ dội từ dư luận trong nước. Và cuối cùng, nếu đi theo hướng này, Việt Nam sẽ bị các nước như Mỹ, Nhật Bản xa lánh và mối quan hệ với các nước ASEAN bị rạn nứt. Do đó, hầu như Việt Nam sẽ không có cơ hội với lựa chọn thứ hai này.
Phòng ngừa rủi ro (tính khả thi cao)
Hai lựa chọn trước đều có nhiều điểm bất lợi, có thể đẩy Việt Nam và các nước vào những cực khác xa nhau, vì vậy, giới học giả quốc tế đã đề cập đến một lựa chọn thứ ba có tính khả thi hơn. Nhà nghiên cứu ngoại giao và Trung Quốc Cheng-Chwee Kiuk ở ĐH Malaysia đã định nghĩa “phòng ngừa rủi ro” là “một quốc gia tìm cách phòng tránh rủi ro bằng cách theo đuổi nhiều lựa chọn chính sách mà sẽ tạo ra các hiệu ứng khác nhau”. Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp thuộc Viên Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, bốn thành tố trong chiến lược phòng ngừa rủi ro của Việt Nam với Trung Quốc gồm thực dụng kinh tế (duy trì hợp tác dựa trên lợi ích kinh tế), đối thoại trực tiếp (trao đổi thông tin song phương và xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau), cân bằng mềm (tăng cường quan hệ với các cường quốc khác và tham gia hiệu quả hơn vào các thỏa thuận đa phương để theo đuổi các chương trình nghị sự cụ thể), và cân bằng cứng (tăng khả năng quân sự của mình nhằm phòng ngừa nguy cơ).
Trong ba chiến lược trên, giải pháp thứ ba này cho phép Việt Nam thu được lợi ích kinh tế cũng như đảm bảo được an ninh, tránh kích động Trung Quốc đồng thời vẫn kiên định trong việc bảo vệ lợi ích của mình. Thứ hai, nó phù hợp với đường lối đối ngoại đa phương của Việt Nam, trong đó từ những năm 1990 đã nhấn mạnh rằng Việt Nam “sẵn sàng làm bạn” với tất cả các nước. Thứ ba, nó cho phép Việt Nam tránh xáo trộn mối quan hệ với bất kỳ cường quốc nào (như đã từng xảy ra trong những năm 1970 dẫn đến hàng chục thập kỷ xung đột).
Việt Nam đã làm gì?
Những hoạt động ngoại giao của Việt Nam vào năm 2017 đã cho thấy chúng ta đang theo đuổi chiến lược phòng ngừa rủi ro, bao gồm việc tăng cường quan hệ kinh tế với nhiều đối tác, tham gia đối thoại trực tiếp, tập trung vào xây dựng năng lực và tiếp cận với các đồng minh tiềm năng. Về thực dụng kinh tế, Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc, đến tháng 9 năm 2017 đã đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 63,98 tỷ USD, tăng 25,1% so với năm 2016. Về đối thoại trực tiếp, Việt Nam đã tiếp cận các nước khác thông qua Hội nghị APEC vào tháng 11 – lần đầu tiên có mặt lãnh đạo của tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới kể từ năm 2006. Song song với đó, Việt Nam cũng tăng cường tiếp cận với Mỹ và các đồng minh khác trong khu vực. Vào tháng 7/2017, Việt Nam và Mỹ đã tiến hành hoạt động hải quân lần thứ 8, là một biểu hiện tăng cường hợp tác quân sự. Đồng thời, Thủ tướng Việt Nam là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được Trump mời đến nhà Trắng sau khi thắng cử. Tại hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11/ 2017, Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên được Tổng thống Mỹ đến thăm ngay sau Trung Quốc. Song song với đó, Việt Nam có quan hệ mật thiết với các cường quốc khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng như các cơ chế đa phương như ASEAN, cho phép đa dạng hoá, đa phương hóa quan hệ hợp tác. Đó là những điều kiện thuận lợi để áp dụng chiến lược phòng ngừa rủi ro trong thời gian tới.