Vào tuần rồi, đặc phái viên Nga đã đến Triều Tiên để thảo luận về việc xây dựng một cây cầu mới. Dù chỉ mới ở giai đoạn ban đầu, kế hoạch xây cầu cho thấy Bình Nhưỡng và Moscow đang mở đường thúc đẩy thương mại.
“Cầu Hữu nghị” – cây cầu duy nhất nối Triều Tiên với Nga. Ảnh: Stripes.
Triều Tiên có chung biên giới với 3 quốc gia: Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga. Trong đó, biên giới Nga – Triều Tiên dài gần 18 km và hiện tại chỉ có 1 cây cầu nối 2 quốc gia này. Mở cửa vào năm 1959, “Cầu Hữu nghị” cung cấp kết nối đường sắt tương đối cơ bản cho Nga – Triều Tiên.
Washington Post ngày 24-3 đưa tin Nga và Triều Tiên đã lên kế hoạch xây dựng một cây cầu mới, cho phép phương tiện qua lại giữa 2 quốc gia này mà không cần phải đi vòng sang Trung Quốc.
Bộ Phát triển vùng Viễn Đông Nga (MDRFE) hôm 21-3 tuyên bố Bình Nhưỡng và Moscow sẽ thành lập một nhóm để xây cầu mới.
“Có 23 trạm kiểm soát ô tô giữa Triều Tiên và Trung Quốc nhưng lại không có trạm nào với Nga. Hiện tại, hàng hóa nhập khẩu từ vùng Viễn Đông của Nga không đi qua được biên giới Triều Tiên – Nga mà phải qua biên giới Triều Tiên – Trung Quốc. Điều này khiến lộ trình bị nới rộng ra đáng kể” – MDRFE trích lời ông Ro Tu Chol, quan chức cấp cao của Triều Tiên, cho biết.
Anthony Rinna, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga ở khu vực Đông Á, cho biết cây cầu mới có thể “giải quyết những vấn đề khó lường, chẳng hạn lỗi hậu cần hay kỹ thuật có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến kết nối đường sắt của Triều Tiên”.
Trong khi đó, theo ông Benjamin Katzeff Silberstein, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế (Mỹ), cây cầu mang giá trị biểu tượng. Ông Benjamin giải thích rằng thương mại giữa Triều Tiên và Nga hiện tại không đáng kể, nguyên nhân chủ yếu đến từ loạt biện pháp trừng phạt nặng nề của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, theo ông Benjamin, có vẻ như Nga và Triều Tiên tin rằng về lâu dài, tình hình thương mại giữa 2 nước sẽ thay đổi.