Khi Mỹ công khai tăng đòn trừng phạt với Triều Tiên thì Nga tìm cách tăng cường phát triển kinh tế song phương với Bình Nhưỡng.
Nga – Triều Tiên đang lên kế hoạch xây dựng một cây cầu mới nhằm tăng thêm điều kiện giao lưu của hai nước trong bối cảnh Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Bình Nhưỡng trước cuộc đối thoại Mỹ, Hàn và Triều sắp tới.
Washington Post hôm 24/3 thông tin, cây cầu mới cho phép phương tiện qua lại giữa hai quốc gia một cách trực tiếp mà không cần đi vòng sang Trung Quốc.
Trước nay, các phương tiện vận tải từ Triều Tiên sang Nga và ngược lại đều phải thông qua Trung Quốc bởi tuyến đường sắt trên “Cầu Hữu Nghị”.
Điều này làm hạn chế thông thương giữa Nga- Triều Tiên bởi các chi phí gia tăng.
Bộ Phát triển vùng Viễn Đông Nga (MDRFE) hôm 21/3 đã tuyên bố Bình Nhưỡng và Moscow sẽ thành lập một nhóm để bàn bạc về việc xây chiếc cầu mới.
Bộ này dẫn lời một quan chức cấp cao của Triều Tiên cho rằng, giao thông quá ít ỏi khiến các doanh nghiệp từ Nga không hào hứng với việc làm ăn ở Bình Nhưỡng.
“Có Có 23 trạm kiểm soát ô tô giữa Triều Tiên và Trung Quốc nhưng lại không có trạm nào với Nga.
Hiện tại, hàng hóa nhập khẩu từ vùng Viễn Đông của Nga không đi qua được biên giới Triều Tiên – Nga mà phải qua biên giới Triều Tiên – Trung Quốc. Điều này khiến lộ trình bị nới rộng ra đáng kể” – MDRFE cho biết.
Tuyên bố cũng phần nào nói lên được các giao lưu kinh tế của Trung Quốc của Triều Tiên lâu nay vẫn chiếm ưu thế và việc Bắc Kinh ủng hộ các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng đã làm quốc gia này bị ảnh hưởng không nhỏ.
Trong khi đó, Nga cũng là một quốc gia láng giềng và có các hợp tác trong quá khứ, việc mở rộng hợp tác sang một quốc gia cũng đang chịu sự trừng phạt quốc tế như Triều Tiên là điều cả hai cùng hướng tới.
Dù kế hoạch xây chiếc cầu nối hai quốc gia có chung đường biên giới được kỳ vọng sẽ tăng thêm giao lưu hợp tác song phương nhưng dự án mới được manh nha ở giai đoạn đầu và có ý nghĩa về thời điểm hơn.
Trước cuộc đối thoại Mỹ- Triều Tiên và mới nhất sẽ là đàm phán liên Triều, Bình Nhưỡng được cho là đang chịu lép vế khi không đặt ra điều kiện nào để gửi đi thông điệp hòa bình.
Trong khi đó, dù tuyên bố sẽ tham gia đối thoại với Bình Nhưỡng, Washington vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế, cộng thêm điều kiện không tiến hành thử vũ khí hạt nhân trong thời gian tới, Bình Nhưỡng đang rất cần sự ủng hộ vào thời điểm này.
Cầu duy nhất nối biên giới Nga – Triều Tiên. |
Anthony Rinna, nhà phân tích về chính sách đối ngoại Nga ở Đông Á, nhận định cây cầu nối biên giới mới giữa Triều Tiên và Nga có thể được sử dụng để ứng phó với bất kỳ vấn đề “bất ngờ” nào xảy ra, như các sự cố về hậu cần và kỹ thuật, khiến tuyến đường sắt hiện thời giữa hai nước không thể hoạt động.
Theo học giả Benjamin Katzeff Silberstein tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, cây cầu nối Nga và Triều Tiên mang giá trị biểu tượng hơn là giá trị kinh tế.
Học giả Silberstein cho rằng quan hệ thương mại Nga – Triều vốn không đáng kể, phần lớn do các lệnh trừng phạt đa phương của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên về lâu dài, thương mại hai nước có thể sẽ tăng trưởng trở lại.
Còn Giáo sư chính trị quốc tế Artyom Lukin tại Đại học Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok cho rằng, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư Nga ít có khả năng lựa chọn Triều Tiên để đầu tư bởi đây vẫn là thị trường luôn gặp các rủi ro chính trị.
“Triều Tiên sẽ kỳ vọng Nga cấp tiền (xây cầu). Tuy nhiên, không có nhà đầu tư Nga nào, dù là tư nhân hay nhà nước, cam kết theo đuổi dự án này trừ khi những rủi ro chính trị liên quan tới Triều Tiên giảm đi đáng kể” – ông Lukin nói.
Nếu bối cảnh chính trị thuận lợi, Nga cũng có nhiều cơ hội phát triển kinh tế tại Triều Tiên.
Năm ngoái, một doanh nghiệp Nga đã cấp đường truyền kết nối Internet mới cho Triều Tiên thông qua hệ thống dây quang học chạy dọc cây cầu nối hai nước. Đến nay, Nga tiếp tục lên kế hoạch xây một cây cầu mới.
Phà Mangyongbong của Triều Tiên đậu ở cảng Vladivostok của Nga ngày 18/5/2017 – Ảnh: Reuters. |
Ngoài ra, Nga và Triều Tiên vào năm ngoái cũng khai trương tuyến phà nối giữa cảng Vladivostok của Nga với cảng Rajin của Triều Tiên nhằm vận chuyển hàng hóa và hành khách, chủ yếu là khách du lịch Trung Quốc.
Thành phố cảng Vladivostok là nơi có một trong những cộng đồng người Triều Tiên lớn nhất ở nước ngoài.
Người Triều Tiên làm việc ở đây là một nguồn kiều hối quan trọng đối với Bình Nhưỡng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói về việc hợp tác với Bình Nhưỡng bất chấp các đe dọa của Mỹ hay các biện pháp của Liên Hiệp Quốc.
Ông Putin cho rằng, Moscow phản đối chương trình hạt nhân của Triều Tiên, nhưng thế giới nên nói chuyện với thay vì đe dọa Bình Nhưỡng.