Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News hôm 25-3, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes tuyên bố ủy ban của ông sẽ điều tra nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành thế lực về quân sự và kinh tế ở châu Phi.
Xe tăng của Trung Quốc trong một cuộc tập trận bắn đạn thật ở Djibouti năm 2017. Ảnh: SCMP
Vị hạ nghị sĩ Cộng hòa này nhấn mạnh hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở các quốc gia châu Phi sẽ cho phép Bắc Kinh củng cố khả năng thâu tóm thương mại thế giới. Ông Nunes viện dẫn sự kiện Trung Quốc khánh thành căn cứ quân sự hồi mùa hè năm ngoái ở Djibouti, trong khu vực Sừng châu Phi ở Đông Phi và nằm ngay cửa ngõ biển Đỏ, như một minh chứng cho thấy Bắc Kinh đang dùng mánh khóe để giành lấy sức mạnh thương mại.
“Chúng tôi tin rằng họ đang nhăm nhe đầu tư vào các hải cảng và cơ sở hạ tầng khắp thế giới, không chỉ nhằm xây dựng năng lực quân sự mà còn để kiểm soát các chính phủ ở đó” – ông Nunes nhận xét. Theo ông, tầm ảnh hưởng về chính trị tại một quốc gia ở ngay cửa ngõ biển Đỏ, một tuyến giao thông đường thủy huyết mạch trên toàn cầu, sẽ tạo cho Bắc Kinh một thế lực to lớn đối với thương mại thế giới. Khi đó, họ có thể “bức tử” thương mại thế giới nếu muốn.
Chưa hết, rót vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở châu Phi cũng tạo điều kiện cho Bắc Kinh gây sức ép với những quốc gia đó tại các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc. Đó được xem là cái giá phải trả của các nước châu Phi sau khi đã nhận những khoản vay hàng tỉ USD từ Trung Quốc để xây dựng đường sắt hoặc cảng.
Báo South China Morning Post (Hồng Kông) nhận định: Trung Quốc đang đầu tư nhiều vào các dự án cơ sở hạ tầng trên thế giới theo sáng kiến Vành đai và Con đường để nâng cao quyền lợi của riêng họ.
Trong vòng 2 năm ngắn ngủi, Bắc Kinh đã cho Djibouti vay khoảng 1,4 tỉ USD, tương đương hơn 75% tổng sản phẩm nội địa (GDP) hằng năm của nước này. Hậu quả là tỉ lệ giữa nợ công của Djibouti và GDP đã tăng lên 85%, mức cao nhất của một nước thu nhập thấp. Nếu như Trung Quốc thừa thắng xông lên và dốc hầu bao vào các cơ sở hạ tầng mới, bao gồm cảng, sân bay, xa lộ và đường sắt mới đến Ethiopia, tỉ lệ nợ công của Djibouti sẽ tăng lên trên 90% – hơn 90% trong số đó là nợ Trung Quốc.
Trước tình hình đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lên tiếng khuyến cáo hành vi vay nợ của Djibouti là “sự liều lĩnh cao độ”. Cơ quan tư vấn Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) đã xác định Djibouti là trường hợp tệ hại nhất trong số quốc gia nghèo “đối mặt nguy cơ vỡ nợ gia tăng đáng kể nếu các dự án thuộc sáng kiến Vành đai và Con đường được thực hiện”.
Trên thực tế, trong mấy năm gần đây, Trung Quốc đã cho vay một cách hào phóng đối với một số quốc gia khá nghèo nhưng có vị trí chiến lược và đã nổi lên là chủ nợ quốc tế có tầm ảnh hưởng nhất. Trong công trình nghiên cứu mới công bố trong tháng 3 này, CGD đã xác định thêm 14 quốc gia, nơi mà việc Trung Quốc đổ tiền vào các dự án Vành đai và Con đường có nguy cơ gây ra “tai họa” về tài chính, 7 nước trong số đó nhiều khả năng đứng bên bờ khủng hoảng nợ. Nguy cơ cao nhất là Maldives, nơi Trung Quốc rót tiền xây dựng sân bay mới và các công trình liên quan trị giá 1,25 tỉ USD. Hậu quả là nợ công của Maldives lên đến gần 75% GDP, khoảng 70% trong số đó là nợ Trung Quốc.