Chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới hơn 70% vào chỉ số tăng trưởng chính là gót chân Asin của chính quyền Trump khi “tấn công” kinh tế Trung Quốc..
Tổng thống Trump bắt đầu kế hoạch lấy lại những gì mà Mỹ bị Trung Quốc cướp mất
Ngày 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, qua đó làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại.
Theo Bloomberg cho biết, ông Trump đã yêu cầu Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer áp thuế suất tăng đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ có tổng kim ngạch dao động từ 50-60 tỷ USD mỗi năm.
Theo nội dung bản ghi nhớ được ông Trump ký tại Nhà Trắng, USTR sẽ có 15 ngày để đưa ra một danh sách đề xuất các mặt hàng bị đánh thuế. Còn theo tài liệu được USTR công bố thì Mỹ sẽ áp thuế suất 25% đối với một số mặt hàng Trung Quốc.
Danh sách các mặt hàng được đề xuất sẽ bao gồm sản phẩm thuộc các ngành hàng không, công nghệ thông tin-truyền thông và máy móc. Tuyên bố cũng cho biết danh sách các mặt hàng cụ thể sẽ được đưa ra trong vài ngày tới.
“Vấn đề này đã được cân nhắc từ lâu. Nạn xâm phạm tài sản trí tuệ vẫn diễn ra tràn lan ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến hàng trăm tỷ USD kim ngạch thương mại mỗi năm của Mỹ”, người đứng đầu Nhà Trắng phân trần.
Vị tổng thống doanh nhân của nước Mỹ còn cho biết thêm kế hoạch dựng hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc mới chỉ là kế hoạch đầu tiên trong nhiều kế hoạch của Washington.
Tuy nhiên, phản ứng lại động thái từ Nhà Trắng, nhiều tổ chức thương mại đại diện cho các công ty lớn của Mỹ, như Walmart, Amazon…đều lo ngại hàng rào thuế quan của Mỹ sẽ khiến giá tiêu dùng đắt đỏ, còn thị trường chứng khoán Mỹ thì lao dốc.
Chủ tịch FED – định chế vốn thường đứng ngoài các tranh chấp thương mại – ông Jerome Powell cũng cảnh báo về việc giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ ngày càng lo ngại về chính sách thương mại của chính quyền Trump.
Ngoài kế hoạch thuế quan, Tổng thồng Trump còn chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong vòng 60 ngày đưa ra đề xuất biện pháp mới về hạn chế các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, đặc biệt là làn sóng “M&A by Chinese”.
Mục đích của các biện pháp này là bảo vệ những công nghệ được nhận diện là có ý nghĩa chiến lược đối với cả kinh tế và kỹ thuật của Mỹ, như Cố vấn kinh tế cấp cao Nhà Trắng Everett Eissenstat cho hay.
Kế hoạch của chính quyền Trump là một bước ngoặt lớn trong quan hệ Mỹ-Trung. Nó được đưa ra sau cuộc điều tra kéo dài 7 tháng của USTR về những cáo buộc cho rằng Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Điều đầu tiên nhất là phải điều chỉnh độ lệch pha của kinh tế Mỹ |
Theo giới chuyên gia, cuộc điều tra theo kiểu của USTR là rất hiếm gặp trong quan hệ giữa Mỹ với các đối tác thương mại và nó được thực hiện theo Điều 301, Luật Thương mại 1974 của Mỹ.
Kết luận điều tra – theo Cố vấn Nhà Trắng Einsenstat – Trung Quốc đã có nhiều vi phạm, từ chính sách của Bắc Kinh buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc đến đánh cắp bí mật thương mại thông qua tấn công mạng.
Đặc biệt, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc năm 2017 đã tăng 8,1%, đạt mức kỷ lục ngay trong năm đầu tiên dưới thời chính quyền Trump, với giá trị lên đến 375,2 tỷ USD.
Mỹ có thể mất nhiều hơn được với kế hoạch của chính quyền Trump nhắm vào Trung Quốc
Sau khi Tổng thống Trump thông báo kế hoạch lập hàng rào thuế quan với hàng hoá Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Thôi Thiên Khải, cho biết Bắc Kinh không muốn xảy ra chiến tranh thương mại, “nhưng chúng tôi không sợ điều đó”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington sau đó đã ra một tuyên bố với lời lẽ mềm mỏng nhưng không khoan nhượng, rằng “nếu cuộc chiến tranh thương mại được Mỹ khởi động, Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình”.
Ông Robert Manning, một chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung thuộc Hội đồng Atlantic ở Washington, cho rằng phản ứng ban đầu của Bắc Kinh tưởng chừng không nghiêm trọng, nhưng xung đột thì đã chuẩn bị leo thang.
Giới phân tích cho rằng, chưa cần Bắc Kinh phải thực hiện những biện đáp trả tương xứng với Mỹ, mà chỉ cần các doanh nghiệp Trung Quốc điều chỉnh điều kiện hợp tác – kinh doanh để phù hợp với chính sách của ông Trump là kinh tế Mỹ đã mệt rồi.
Nếu kinh tế Mỹ còn quá lệch pha thì Tổng thống Trump không dễ lấy lại những gì đã bị cướp mất bởi Trung Quốc, thậm chí là ngược lại |
Bởi kinh tế Mỹ trong 1 thập kỷ qua đã trở thành “một nền kinh tế tiêu dùng”, khi chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới hơn 70% vào chỉ số tăng trưởng kinh tế và đây chính là gót chân Asin đối với chính quyền Trump khi chọn “tấn công” kinh tế Trung Quốc.
Vị tổng thống doanh nhân đã chọn tăng thuế để lấy lại những lợi ích cho kinh tế Mỹ, tuy nhiên theo giới chuyên gia thì đó không phải là giải pháp căn cơ và có thể khiến kinh tế Mỹ “mất nhiều hơn được”.
Xin đưa ra một bài toán về lợi và thiệt của kinh tế Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, xoay quanh hàng giá rẻ. Theo số liệu từ exportgenius.in/blog/usa-china-trade, năm 2017, Mỹ nhập hàng hoá từ Trung Quốc khoảng 519 tỷ USD (tạm gọi là I).
Với hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc thì các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ và người tiêu dùng Mỹ được lợi (tạm gọi là A), còn các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại Mỹ bị thiệt hại (tạm gọi là B).
Như vậy, A = chênh lệch giữa hàng giá rẻ Trung Quốc với hàng sản xuất tại Mỹ, B = lợi nhuận các doanh nghiệp Mỹ có được khi sản xuất ra hàng lượng hoá có giá trị bằng A. Vì thế :
Nếu A – B = A, tức B = 0, Mỹ không bị thiệt hại vì nhập hàng giá rẻ Trung Quốc.
Nếu A – B > A, tức B < 0, Mỹ bị thiệt hại vì nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Nếu A – B < A, tức B > 0, Mỹ có lợi nhờ hàng giá rẻ nhập từ Trung Quốc.
Đặt trường hợp giá hàng hoá nhập từ Trung Quốc thấp hơn giá hàng hoá do doanh nghiệp Mỹ sản xuất là 10% (giá hàng Trung Quốc = 90% hàng Mỹ) thì với 519 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc năm 2017, giá trị “Mỹ hoá” của nó sẽ là :
IN = I x 100/90 = 519 tỷ x 100/90 = 576,6 tỷ USD.
Nghĩa là thay vì phải nhập với trị giá 576,6 tỷ USD thì các doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ chỉ phải trả cho đối tác Trung Quốc 519 tỷ USD. Như vậy :
A = 576,6 tỷ – 519 tỷ = 57,6 tỷ USD.
Theo Bộ Thương mại Mỹ thì năm 2017 kinh tế Mỹ tăng trưởng sấp xỉ 3% và chi tiêu hộ gia đình đóng góp 70% vào chỉ số tăng trưởng. Vậy tỷ suất lợi nhuận tối thiểu của doanh nghiệp Mỹ (R) sẽ nằm trong 30% còn lại. Nghĩa là: R = 3% x 0,3 = 0,9% và :
B = 57,6 tỷ x 0,9% = 0,5184 tỷ —> B > 0
Điều đó chứng tỏ năm 2017 kinh tế tài chính – thương mại Mỹ có lợi từ hàng hoá giá rẻ nhập từ Trung Quốc. Và hàng hoá Trung Quốc nhập vào Mỹ càng rẻ thì kinh tế Mỹ càng có lợi, chỉ có điều nó nằm ở kinh tế tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi chi tiêu hộ gia đình đóng góp tới gần 3/4 vào tăng trưởng thì rõ ràng lợi ích của kinh tế tiêu dùng Mỹ có được trong quan hệ với kinh tế Trung Quốc luôn lớn hơn thiệt hại của kinh tế sản xuất Mỹ bị Trung Quốc “cướp mất”.
Nếu không khắc phục được tình trạng “chi tiêu nhiều hơn làm ra” – biểu hiện lệch pha của kinh tế Mỹ và để Trung Quốc trả đũa, thì các biện pháp của Tổng thống Trump chỉ như lấy tiền của người tiêu dùng Mỹ bù đắp cho người sản xuất Mỹ mà thôi.