Kết hợp dữ liệu thời gian thực từ vệ tinh và các công nghệ quân sự tối mật, hệ thống thay đổi thời tiết của Trung Quốc có thể tạo ra mưa lớn trên một diện tích lớn gấp 3 lần Tây Ban Nha.
10.000 lò đốt nhiên liệu rắn sẽ được xây dựng tại các địa điểm được lựa chọn trên khắp Tây Tạng.
“Hơn 500 lò đốt kiểu nào đã được xây dựng thử nghiệm tại Tây Tạng, Tân Cương và một số khu vực khác. Kết quả thu được cho thấy những tín hiệu rất lạc quan”, một nhà nghiên cứu thuộc dự án “Thiên Hà” kể trên báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.
Đặt trên các triền núi cao, những lò đốt này khi hoạt động sẽ giải phóng lên bầu trời bạc iotua, chất tạo mây có cấu trúc tinh thể giống như băng. Kết hợp với những cơn gió mùa nóng ẩm từ Nam Á, những hạt li ti này sẽ hòa vào mây, tạo ra những cơn mưa bao phủ diện tích hơn 1,6 triệu km vuông của cao nguyên Thanh Tạng.
Các nhà khoa học ước tính khi mạng lưới này được hoàn thành có thể tăng lượng mưa trong khu vực mỗi năm thêm 10 tỉ mét khối – tương đương 7% lượng nước tiêu thụ trên toàn Trung Quốc.
Lý thuyết nghe có vẻ đơn giản. Thực tế khó khăn và cách Trung Quốc giải quyết vấn đề cho thấy tham vọng cải tạo thiên nhiên của người Trung Quốc ở Tây Tạng – khởi nguồn của những con sông dài nhất thế giới.
Quân sự phục vụ dân sự
Cao nguyên Thanh Tạng thuộc tỉnh Thanh Hải và khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc được ví như nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất châu Á. Một nửa dân số của hành tinh này phụ thuộc vào nguồn nước của các con sông bắt nguồn từ Thanh Tạng như Hoàng Hà, Trường Giang, Mekong, Thanlwin và Brahmaputra.
Bất chấp những con sông đã chảy xuôi dòng hàng ngàn năm nay, Thanh Tạng vẫn là một trong những nơi khô hạn nhất thế giới, với lượng mưa trung bình mỗi năm dưới 10cm. Theo định nghĩa của Cục khảo sát địa chất Mỹ, một khu vực được gọi là sa mạc khi lượng mưa dưới 25cm/năm.
Hệ thống gây mưa và những lò đốt trên Thanh Tạng được Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Vũ trụ Trung Quốc phát triển. Đây cũng là đơn vị đang thực hiện các tham vọng không gian khác của Trung Quốc như thám hiểm mặt trăng và xây dựng trạm vũ trụ của riêng Bắc Kinh.
Trong khi ý tưởng gây mưa bằng lò đốt không mới, Trung Quốc lại là quốc gia đầu tiên nỗ lực áp dụng công nghệ này trên diện rộng. Những chiếc lò cũng không đơn giản, chúng phải vừa đáp ứng mục đích cơ bản nhất là đốt nhiên liệu gây mưa, vừa phải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Một nhà khoa học tham gia dự án tiết lộ để giữ những chiếc lò luôn cháy ở độ cao hơn 5.000m so với mặt nước biển – nơi khí oxy đã loãng, họ buộc phải sử dụng công nghệ đốt của động cơ tên lửa trong quân sự.
Minh họa hệ thống gây mưa bằng lò đốt của Trung Quốc trên cao nguyên Thanh Tạng – Ảnh chụp màn hình SCMP
Nhược điểm lớn nhất của hệ thống gây mưa này chính là phụ thuộc vào gió mùa nóng ẩm thổi từ Ấn Độ Dương. Những đám khói chứa bạc iotua có thể kéo dài tới 5km nhưng sẽ vô dụng nếu không được gió đẩy lên cao, vượt qua các ngọn núi để hòa vào mây hoặc gió thổi sai hướng.
Để khắc phục điều này, các hoạt động hàng ngày của hệ thống lò sẽ dựa trên dữ liệu thời gian thực được gửi về từ hơn 30 vệ tinh thời tiết quan sát hướng gió mùa trên khắp Ấn Độ Dương. Mọi thao tác có thể được tiến hành thông qua ứng dụng trên điện thoại ở khoảng cách hàng ngàn km.
“Có khi chúng tôi đứng đó, vừa bật lò xong là tuyết rơi ngay, y như biểu diễn ảo thuật”, một thành viên dự án hào hứng kể.
Cải tạo thiên nhiên
Sau dự án Đường nước Bắc – Nam đưa hàng tỉ mét khối nước từ sông Trường Giang lên các vùng khô hạn phía bắc, dự án “Thiên Hà” sẽ là minh chứng mới cho tham vọng buộc thiên nhiên phải nghe lời của Trung Quốc.
Hồi tháng này Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Vũ trụ Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với Đại học Thanh Hoa – cơ sở nghiên cứu hàng đầu Trung Quốc và tỉnh Thanh Hải để thành lập một hệ thống thay đổi thời tiết quy mô lớn ở Tây Tạng.
Thỏa thuận với những điều khoản không được tiết lộ vì các thông tin nhạy cảm sẽ đặt nền móng cho một hệ thống ngăn chặn thảm kịch hạn hán có thể xảy ra ở Thanh Tạng trong một vài thập kỷ tới.
Giá của một lò đốt tạo bạc iotua là 50.000 nhân dân tệ (khoảng 7.900 USD), rẻ hơn nhiều so với việc tạo mưa bằng máy bay nhưng lại hiệu quả hơn về mặt diện tích gây mưa. Một vài chuyên gia tỏ ra hoài nghi với hệ thống này, cho rằng chúng khó được kiểm soát.
Số khác lo ngại nếu hệ thống lò gây mưa này đi vào hoạt động và trong tương lai Trung Quốc có thể tạo ra được cả gió mùa, các nước hạ lưu những con sông bắt nguồn từ Thanh Tạng sẽ bị đặt trong nguy cơ đáng kể.
Ranh giới ba nước Myanmar, Thái Lan và Lào trên sông Mekong, con sông bắt nguồn từ Trung Quốc – Ảnh: REUTERS