Những tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình của Liên Xô và Nga giống như thợ săn trên đại dương. Chúng có thể ẩn nấp hàng tháng dưới các đại dương để rồi bất ngờ tung đòn tấn công chí mạng bằng tên lửa hành trình.
Tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen
Tính tới thời điểm hiện tại, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình đã phục vụ hải quân Liên Xô và Nga hơn nửa thế kỷ. Cách đây 60 năm trước, vào tháng 3-1958, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên mang tên lửa hành trình với tên gọi K-45 bắt đầu nhiệm vụ của mình.
Đây là thời điểm đánh dấu việc Liên Xô cân bằng chiến lược hải quân với Mỹ và cũng là cột mốc định hướng phát triển các dòng tàu ngầm mang tên lửa hành trình tấn công tới tận ngày nay của Nga.
Vũ khí mang tính răn đe chiến lược
Hải quân Liên Xô đã sở hữu tổng cộng 5 tàu ngầm thuộc đồ án 659. Chúng được thiết kế với mục đích hoạt động ở Thái Bình Dương và tung đòn tiến công chiến lược vào bờ biển phía Tây nước Mỹ.
Mỗi tàu ngầm Đồ án 659 mang 6 tên lửa hành trình P-5 với khả năng công phá khoảng 220 Kilotone/tên lửa. Với tầm bắn lên tới 500km và khả năng bay siêu âm, tên lửa P-5 đủ khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không của Mỹ thời điểm những năm 1960. Mỗi tên lửa P-5 đủ khả năng tạo ra vùng hủy diệt rộng tới hơn 3km.
Tuy nhiên, những hạn chế về tầm bắn và sự phát triển vượt bậc của tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm đã khiến giới chức quân sự Liên Xô quyết định thay thế tàu ngầm Đồ án 659 và tên lửa P-5. Các vũ khí trên được chuyển mục tiêu tấn công nhắm tới là các hạm đội tàu sân bay của Mỹ và phương Tây.
Với tầm bắn hơn 500km, tàu ngầm Đồ án 659 và tên lửa P-5 tạo lợi thế rõ ràng so với vũ khí ngư lôi chỉ có tầm bắn chưa tới 10km. Với gói nâng cấp cho nhiệm vụ mới, tổng cộng đã có 29 tàu ngầm Đồ án 659 được đóng mới với nhiệm vụ theo sát và tiêu diệt nhóm tàu sân bay của đối phương khi chiến tranh nổ ra.
Điểm yếu duy nhất của dòng vũ khí tấn công chiến lược này lúc đó là khi khai hỏa, tàu ngầm buộc phải nổi lên mặt nước và phơi mình trước hỏa lực của đối phương.
Hoàn thiện ý tưởng
Tiếp tục học thuyết chiến đấu hải quân mới dựa trên nền tảng các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình, nhưng nhiều lớp tàu ngầm thế hệ tiếp sau của Liên Xô không đạt được mục đích đề ra. Cụ thể, Liên Xô từng phát triển tàu ngầm tấn công Đồ án 661 Anchar và đưa vào trang bị vào năm 1969.
Thời điểm đó, đây là lớp tàu ngầm có tốc độ di chuyển nhanh nhất thế giới là 44 hải lý/giờ, nhưng nó cũng là tàu ngầm có độ phát ồn nhất thế giới. Tàu ngầm Đồ án 661 Anchar với các tên lửa hành trình P-70 Ametist được đánh giá là thiết kế đắt đỏ, nhưng thiếu hiệu quả. Chính vì những hạn chế này, Hải quân Liên Xô đã nhanh chóng loại biên chúng.
Một lớp tàu ngầm tấn công khác là 667AT Grusha được hoán cải từ tàu ngầm chiến lược lớp 667A Havaga. Chúng được loại bỏ các giếng phóng tên lửa đạn đạo mang theo và tăng cường bằng các ống phóng ngư lôi cỡ 533mm.
Đã có khoảng 3 chiếc tàu ngầm lớp 667A được hoán cải trong giai đoạn từ 1983-1988. Chúng được tái trang bị tên lửa hành trình cận âm S-10 Granat với tầm bắn tới 2.000km. Chúng sử dụng phương thức phóng qua ống ngư lôi.
Đây là phương thức đặc biệt ở thời điểm đó, nhưng chúng lại không có đặc điểm gì đặc biệt để tạo ra sức mạnh như các tàu ngầm hạt nhân tấn công trước đó.
Trong số các tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ 2 của Nga, lớp tàu ngầm 670 Skat được chế tạo nhiều nhất với 11 tàu. Đây có thể coi phiên bản nâng cấp của tàu ngầm Đồ án 670M Chaika.
Ban đầu, các tàu ngầm lớp Chaika được trang bị tên lửa P-70 Amethyst, nhưng sau đó được nhanh chóng nâng cấp bằng tên lửa P-120 Malachite với tầm bắn được nâng lên 150km. Các tàu ngầm lớp Chaika tiếp tục phục vụ Hải quân Liên Xô và Nga tới tận giữa những năm 1990.
Cuộc cách mạng của tên lửa hành trình “thông minh”
Tới đầu những năm 1980, Hải quân Liên Xô bắt đầu được trang bị dòng tàu ngầm hạt nhân tấn công thế hệ thứ 3 lớp 949 với dự trữ hành trình trên biển lên tới 120 ngày. Với nhiều tính năng vượt trội, đặc biệt là khả năng hoạt động yên lặng hơn và đặc biệt là 24 đạn tên lửa hành trình siêu thanh P-700 Granit mang theo, tàu ngầm Đồ án 949 thực sự là quái vật trên biển.
Mỗi đạn tên lửa P-700 mang theo đầu đạn nặng 750kg hoặc đầu đạn hạt nhân 500 Kilotone thực sự là vũ khí thông minh theo tiêu chí ở thời điểm những năm 1980. Sau khi rời bệ phóng, đạn tên lửa tự cơ động lên độ cao tới 17km để tăng tốc lên siêu âm và hoạt động tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa P-700 hạ xuống độ cao 25m để giảm khả năng bị phát hiện. Ngoài ra, đạn tên lửa P-700 còn tự cơ động quỹ đạo bay để giảm khả năng bị đánh chặn.
Đạn tên lửa P-700 thực sự đã tạo ra cuộc cách mạng trong chiến lược tác chiến diệt hạm của Hải quân Liên Xô. Tới tận thời điểm hiện tại, các tàu ngầm Đồ án 949A vẫn là lực lượng tấn công chủ lực của Hải quân Nga. Chúng được tái trang bị tên lửa P-800 Onyx và Kalibr để tăng cường năng lực chiến đấu.
Vũ khí cho chiến tranh bất đối xứng
Nếu máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 và tàu ngầm Đồ án 949 là các vũ khí tấn công nhóm tàu sân bay thời Liên Xô, thì hiện tại, nhiệm vụ này đã được giao cho tàu ngầm Đồ án 885 Yasen.
Với khả năng hoạt động cực kỳ yên lặng và đạn tên lửa hành trình chính xác cao Kalibr-PL, các đợt tấn công của tàu ngầm lớp Yasen là mối nguy cơ chết người với chiến hạm hoặc nhóm tác chiến trên biển của đối phương.
“Chỉ cần một đòn tấn công trúng đích duy nhất là tàu sân bay của đối phương với hơn 80 máy bay trên khoang trở thành đồ vô dụng”, chuyên gia Vladimir Mamaykin thuộc Hiệp hội Hải quân quốc tế, đánh giá.
Cùng với tàu ngầm lớp Yasen, Hải quân Nga hiện còn có vũ khí lợi hại khác là tàu ngầm chạy diesel-điện Đồ án 636.3 Varshavianka. Với khả năng hoạt động yên lặng gần như tuyệt đối, chúng có thể ẩn nấp và tung đòn tấn công bất ngờ ở thời điểm thích hợp nhất.
Dù có những hạn chế về dự trữ hành trình và thời gian hoạt động trên biển so với tàu ngầm hạt nhân, nhưng tàu ngầm chạy diesel-điện Đồ án 636.3 Varshavianka với tên lửa hành trình Kalibr-PL đủ khả năng tung đòn tấn công chí tử vào các mục tiêu được bảo vệ kỹ nhất như tàu sân bay của đối phương.