Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Kim Jong Un được gì sau chuyến thăm TQ?

Ông Kim Jong Un được gì sau chuyến thăm TQ?

Cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến hình ảnh về Triều Tiên của ông Kim Jong Un thay đổi, và đó nhiều khả năng là tiền đề cho các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tỏ ra lạc quan về cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Trên Twitter ngày 28-3 (giờ Mỹ), ông Trump viết: “Nhận được lời nhắn tối qua từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng cuộc gặp của ông ấy với ông Kim Jong Un diễn ra tốt đẹp, và rằng Kim đang mong đợi được gặp tôi. Trong khi đó, và thật không may, áp lực trừng phạt tối đa vẫn phải duy trì bằng bất cứ giá nào!”.

Hình ảnh một chính khách

Có thể thấy, ông Trump dù khẳng định cũng mong muốn gặp ông Kim Jong Un (dự kiến vào tháng 5 tới), song không quên thòng vào đó một thông điệp: lệnh trừng phạt vẫn giữ nguyên.

Ý này phù hợp với một số phỏng đoán của báo chí quốc tế về thái độ hợp tác có phần bất ngờ của Triều Tiên trong thời gian gần đây.

 Trong năm đầu tiên của ông Trump làm Tổng thống, Triều Tiên là vấn đề nhức nhối. Bình Nhưỡng được cho đã thể hiện tiến bộ vượt bậc trong công nghệ vũ khí hạt nhân, khẳng định có thể phóng tên lửa mang bom hydro (bom H), và hoàn toàn đủ sức vươn tới đất Mỹ. 

Nhưng rồi ông Kim Jong Un lại bất ngờ tỏ thái độ hòa hợp với Hàn Quốc thông qua sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2018. Và dĩ nhiên, sau đó là lên lịch, thực hiện các chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ năm 2011.

Báo New York Times của Mỹ ngày 28-3 đánh giá rằng ông Kim Jong Un đã có “màn ra mắt ấn tượng” trên trường quốc tế, trong hình ảnh một lãnh đạo tự tin, biết điều và sẵn sàng thương lượng mọi thứ.

Khi rũ bỏ một phần bí ẩn, ông Kim Jong Un đã hành động lớp lang như một chính khách quốc tế thông thường. Cuộc gặp ông Tập dĩ nhiên là bước chuẩn bị cho hai sự kiện cấp cao tiếp theo, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, và gặp Tổng thống Mỹ Trump.

Thông tin từ báo Nhật Asahi Shimbun ngày 29-3 cũng cho biết phía Nhật đang xúc tiến tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương, nơi Thủ tướng Shinzo Abe sẽ gặp ông Kim Jong Un. Nếu thành công, sự kiện này sẽ diễn ra vào tháng 6, trước khi ông Kim Jong Un có thể sẽ có chuyến thăm Nga.

Một số nhà phân tích cũng nói rằng, ông Kim Jong Un đang lặp lại hướng đi của cha mình, cố lãnh đạo Kim Jong Il. Năm 2000, ông Kim Jong Il đã gặp tổng thống Hàn Quốc khi ấy là Kim Dae Jung.

Giáo sư Lee Sung Yoon tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts nhận xét: “Giờ đây trong 6 năm nhiệm kì của riêng mình, Kim III (ông Kim Jong Un) đang tìm cách thể hiện vai trò chủ động của một chính khách hướng tới hòa bình”.

Lận tay một con cờ đàm phán

Báo chí Trung Quốc ca ngợi cuộc gặp giữa ông Kim Jong Un và ông Tập Cận Bình, nhấn mạnh vào sự cam kết của Trung Quốc với chính quyền Triều Tiên.

Tờ Hoàn cầu Thời báo ngày 28-3 viết: “Trước hết, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng tôn trọng nhau và là những đối tác đồng đẳng. Quan hệ Trung Quốc – Triều Tiên về mặt nhà nước với nhà nước được dẫn dắt bởi quan hệ giữa đảng với đảng. Tình hữu nghị này lấy chính trị làm nền tảng vững chắc. Đảng, chính phủ và định hướng chủ đạo của Trung Quốc tôn trọng sự lựa chọn chính trị của người dân Triều Tiên, tôn trọng tinh thần độc lập và tự chủ của Triều Tiên, và phản đối mạnh mẽ các nỗ lực can thiệp hệ thống chính trị của Triều Tiên từ các nước khác”.

Bên cạnh đó, truyền thông trung ương như Tân Hoa xã cũng khẳng định ông Kim Jong Un cam kết “sẵn sàng tiến hành phi hạt nhân hóa”, dù phía Triều Tiên chưa chính thức đưa tin xác nhận điều này.

Ông Bruce Klingner – cựu chuyên gia phân tích của CIA, nhận định rằng cuộc gặp Kim – Tập là do Bắc Kinh chủ động gợi ý, để qua đó truyền tải thông điệp rõ ràng: họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

Ông Kim đang thể hiện mình như một lãnh đạo tìm kiếm hòa bình, và điều này có khả năng sẽ khiến nhiệm vụ của ông Trump trong lần gặp tới phức tạp thêm”

Sue Mi Terry, học giả Hàn Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS)

Điều này cũng hợp lý nếu xét một diễn biến khác trước đó vài ngày. Tổng thống Mỹ Trump, trong khi công bố quyết định trừng phạt các công ty Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, vẫn lựa lời nhẹ nhàng nói về Chủ tịch Tập Cận Bình, và khẳng định Trung Quốc “vẫn giúp đỡ rất nhiều trong vấn đề Triều Tiên”.

Dù sao đi nữa, cuộc gặp với ông Tập vẫn giúp ông Kim coi như nắm trong tay một quân bài vững mạnh hơn trên các bàn đàm phán sắp tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới