Hành động của Anh, Mỹ và các nước khác sau vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang người Nga Sergei Skripal, đã mạnh mẽ hơn so với dự kiến của Điện Kremlin.
Ngày 29/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Moscow Jon Huntsman tới Bộ Ngoại giao để thông báo quyết định Nga sẽ trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, bằng đúng con số các nhà ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất vì vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang tại Anh. Nga cũng sẽ đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St. Peterburg.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày nêu rõ: “Nga yêu cầu 60 nhà ngoại giao Mỹ, bao gồm 58 người tại phái bộ ngoại giao Mỹ ở Moscow và 2 người ở Yekaterinburg, phải rời đi trước ngày 5/4 tới”.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, tổng cộng 150 nhà ngoại giao nước này đã bị trục xuất trên khắp thế giới. Và Nga sẽ có hành động đáp trả tương xứng với hơn 20 nước khác vì đã trục xuất ngoại giao Nga.
Giới chuyên gia không bất ngờ trước hành động đáp trả này của Nga. Song theo một số nhà phân tích, hành động của Anh, Mỹ và các nước khác sau vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang người Nga Sergei Skripal, đã mạnh mẽ hơn so với dự kiến của Điện Kremlin.
Cũng trong một tuyên bố cùng ngày, Ngoại trưởng Lavrov đã gọi cuộc trục xuất ngoại giao diện rộng nhằm vào Nga là hoàn toàn không thể chấp nhận được, ông cảnh báo Moscow sẽ đáp trả xứng đáng.
“Những nước trục xuất các nhà ngoại giao Nga đã phải chịu sức ép lớn chưa từng thấy từ Mỹ và Anh”, ông Lavrov khẳng định.
27 nước đã tham gia làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao Nga do Anh mở màn hôm 14/3, theo đó London yêu cầu 23 nhà ngoại giao Nga phải rời khỏi nước này.
Điểm lại danh sách các nước ủng hộ hành động của Anh có thể thấy các nền kinh tế lớn trong Liên minh châu Âu (EU) như Đức và Pháp, và tất nhiên là không thể thiếu hầu hết các nước thành viên NATO.
“Căng thẳng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua”
Đây là tiêu đề bài viết đăng trên Thời báo New York (The New York Times) sau khi Nga công bố quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ. Sự bùng nổ giận dữ là điều mà bài báo nhắc đến khi nói về cuộc trục xuất ngoại giao nhằm vào Nga do Anh và Mỹ khơi mào. Do đó, những đáp trả tương xứng của Nga là điều đương nhiên.
Theo Thời báo New York, Moscow cũng yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại St. Peterburg-thành phố lớn thứ 2 của Nga. Lãnh sự quán này lớn hơn so với lãnh sự quán Nga tại Seattle mà Mỹ yêu cầu đóng cửa và hơn nữa là cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ Moscow-Washington.
Căng thẳng Nga-phương Tây lần này không đơn giản như sự đối đầu mà lịch sử vẫn luôn chứng kiến trong mối quan hệ giữa 2 bên. Trong đó phải để đến hành động của Đức, nước luôn thận trọng trước những va chạm với Nga.
Đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã phải lên tiếng khi chứng kiến “bầu không khí đầy sát khí” giữa Nga và phương Tây hiện nay. Ông cho rằng, cuộc khủng hoảng ngoại giao này đang gợi lại hình ảnh của Chiến tranh Lạnh.
“Tình hình hiện nay giống như sự mất kiểm soát và những kênh liên lạc được thiết lập trước năm 1991-thời điểm Liên Xô tan rã, sẽ là công cụ để đảm bảo mọi thứ không tiếp tục vượt tầm kiểm soát khi căng thẳng leo thang”, Tổng Thư ký Guterres nói.
Khủng hoảng ngoại giao Nga-phương Tây cũng là một sức ép mới với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi chỉ trước đó không lâu, ông Trump đã bất chấp lời khuyên của các nhà cố vấn để gửi lời chúc mừng tới ông Putin với chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga hôm 18/3.
Trong cuộc điện đàm chúc mừng Tổng thống Putin, ông chủ Nhà Trắng đã tránh nhắc tới vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang Salisbury tại Anh vào hôm 4/3.
Trong phát biểu tại Ohio ngày 29/3 sau khi Nga đưa ra quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ, Tổng thống Trump đã không nhắc đến bất cứ chỉ trích nào nhằm vào Nga hay đề cập gì đến vụ đầu độc cựu điệp viên.
Vài giờ sau đó, Nhà Trắng đã công bố sẽ đáp trả và gọi quyết định của Nga là động thái làm quan hệ Washington-Moscow lao dốc.
Dù vậy, giới chính trị Nga vẫn tin vào một tín hiệu cho thấy Tổng thống Trump muốn đi theo “con đường mềm mỏng hơn” với Nga. Hãng thông tấn Interfax cùng ngày dẫn lời Phó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế tại Thượng viện Nga Vladimir Dzhabarov cho rằng, ông Trump buộc phải trục xuất các nhà ngoại giao Nga với vì sức ép từ những “đối thủ của Điện Kremlin”, những người đã rất tức tối khi ông Trump chúc mừng ông Putin.
Giới chính trị và các hãng truyền thông nhà nước Nga cũng đưa ra sự đồng tình với nhận định này của ông Dzhabarov, cho rằng Tổng thống Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Trong khi đó, cố vấn an ninh quốc gia của Anh Mark Sedwill đã tới Washington cùng ngày Nga tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ. Tuyên bố của ông Mark Sedwill từ Washington phản pháo lại mọi nhận định từ Moscow, với thông điệp mạnh mẽ của phương Tây rằng: “Đây là lần đầu tiên Mỹ và hàng chục quốc gia khác đồng lòng hành động đáp trả lại cách cư xử gây hấn của Nga”