Monday, January 20, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 02/04/2018

Bản tin Biển Đông ngày 02/04/2018

Bản tin Biển Đông ngày 02/04/2018.

Đại diện cao cấp của Liên minh Châu Âu (EU) nêu quan ngại về tranh chấp Biển Đông

Ngày 2/4, trang Australian Financial Review (AFR) đưa tin, trả lời phỏng vấn với AFR trong chuyến thăm tới Úc tuần trước, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh của EU Francois Rivasseau đặc biệt nhấn mạnh những lo ngại về những căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông, cảnh báo có thể có những “làn sóng gây sốc” về kinh tế do tranh chấp Biển Đông gây ra, trước sẽ tác động tức thì đến khu vực và sau sẽ là tác động trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, ông khẳng định không loại trừ khả năng hải quân các nước Châu Âu có thể sẽ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong tương lai do “các vùng biển ở Nam Á đóng vai trò rất quan trọng đối với Châu Âu, nhìn từ góc độ kinh tế”, “EU có lợi ích trong việc đảm bảo cho khu vực ổn định”. Ông nhấn mạnh Biển Đông là “di sản toàn cầu” và một Biển Đông hòa bình thuộc về lợi ích kinh tế của Châu Âu nói riêng và lợi ích toàn cầu. Ông cho biết EU có thể được xem là “một trung gian hòa giải đáng tin cậy” trong tranh chấp Biển Đông.

Ý kiến học giả Philippines: đã đến thời điểm phù hợp cho Hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông

Ngày 01/4, Rappler đăng bài viết “Hợp tác cùng phát triển ở Biển Đông: một sáng kiến đang gặp thời” của Lucio Blanco Pitlo III, nghiên cứu viên cao cấp tại Quỹ Con đường Tiến bộ Châu Á – Thái Bình Dương. Tác giả bài viết cho rằng Philippines cần tham gia vào một thỏa thuận Hợp tác cùng phát triển, kể cả trong trường hợp đối tác là một thực thể của Nhà nước. Lucio Blanco Pitlo III cho hay, Philippines là quốc gia Đông Nam Á duy nhất chưa tham gia vào bất cứ thỏa thuận cùng phát triển ở vùng biển tranh chấp nào với các quốc gia láng giềng. Bên cạnh đó, Hợp tác cùng phát triển sẽ không tác động tiêu cực đến Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016 giữa Philippines và Trung Quốc cũng như chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines ở Biển Đông. Ông khẳng định, hệ thống các Hợp đồng dịch vụ dầu khí của Philippines có thể sẽ đem lại giải pháp chung cho cả hai nước và hỗ trợ cho việc triển khai hoạt động cùng phát triển, qua đó đảm bảo được vấn đề an ninh năng lượng, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và góp phần giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, tác giả nhận định rằng thiện chí về chính trị sẽ là yếu tố then chốt với hoạt động hợp tác cùng phát triển và ghi nhận rằng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có quyết tâm trong việc hiện thực hóa hoạt động này. Thêm nữa, Hiến pháp Philippines cũng để ngỏ cho giải pháp này, trên cơ sở quy định về dàn xếp tạm thời theo UNCLOS 1982.

Mặt khác, tác giả bài viết cho hay sự tồn tại dai dẳng của các tranh chấp ở Biển Đông đang ảnh hưởng đến các Hợp đồng dịch vụ dầu khí, trong khi Trung Quốc có vẻ đang muốn “nhập nhằng” giữa Hợp đồng dịch vụ dầu khí và Hợp tác cùng phát triển nhằm vừa có thể tham gia với Philippines theo luật Philippines vừa công bố với công luận trong nước rằng đây là Hợp tác cùng phát triển để giữ thể diện cho chính quyền, dù quan điểm của Philippines là hai khái niệm này khác nhau một cách rõ ràng.

RELATED ARTICLES

Tin mới