Bản tin Biển Đông ngày 03/04/2018.
Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông
Ngày 3/4, trang Policy Forum đăng bài viết “Cách tiếp cận của Ấn Độ đối với vấn đề Biển Đông” của Ulises Granados, Phó Giáo sư và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương, Viện Instituto Tecnológico Autónomo de Mexico (ITAM), Thành phố Mexico, Mexico.
Trong 4 năm qua, Ấn Độ thúc đẩy Chính sách Hành Động Hướng Đông, ttrong đó có việc tăng cường cam kết về chính trị và an ninh với Châu Á, từ khu vực Ấn Độ Dương đến Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Ấn Độ hiện cũng đang thể hiện vai trò ngày càng tích cực trong các vấn đề an ninh của khu vực Châu Á.
Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ vẫn hàm chứa cả hai mặt hợp tác và cạnh tranh. Hai nước chia sẻ đặc biệt nhiều lợi ích kinh tế trong đó có việc xây dựng cộng đồng ở Đông Á, hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các sáng kiến Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và phối hợp trong diễn đàn BRICS giữa 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi. Tuy nhiên, chính sách kinh tế hòa dịu của Trung Quốc với Ấn Độ lại được triển khai trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động củng cố yêu sách biển phi lý của nước này ở Biển Đông thông qua việc liên tục nâng cấp các tiền đồn quân sự ở Trường Sa và cho đến nay nước này vẫn cương quyết bác bỏ Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016. Trước các hoạt động khiêu khích gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông, Ấn Độ đã nhiều lần lên tiếng mạnh mẽ và khẳng định sự quan tâm của nước này đối với khu vực này về tầm quan trọng của việc bảo đảm quyền tự do hàng hải. Quan ngại này cũng đã được các quan chức Ấn Độ nhiều lần đưa ra với phía Trung Quốc trong một số diễn đàn khu vực và quốc tế.
Với tình hình này, tác giả cho rằng trong quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ cần phải hết sức thận trọng trong việc cân bằng giữa mục tiêu và ưu tiêu của mình. Hơn nữa, phản ứng của Ấn Độ đối với những diễn biến gần đây ở Biển Đông như tăng cường sự hiện diện của Hải quân cũng như các hoạt động thăm dò năng lượng tại khu vực đang bị cản trở bởi một số mục tiêu căn bản của nước này như phải đảm bảo nguyên tắc tránh gây leo thang căng thẳng làm tác động đến an ninh quốc gia, duy trì đà tăng trưởng thương mại với các nước đối tác, trong đó có Trung Quốc và đẩy mạnh chiến lược hàng hải mang bản chất “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Mặt khác, để trở thành một cường quốc lớn ở Đông Á, một thành viên chủ động và tích cực lại đòi hỏi Ấn Độ phải thúc đẩy chiến lược hải quân tại Biển Đông, khu vực đóng vai trò quan trọng đối với an ninh kinh tế của nước này. Tác giả cho rằng chính sách của Ấn Độ ở Biển Đông trong thời gian tới, thay vì trực tiếp kiềm chế Trung Quốc cũng như tham gia vào các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, sẽ tập trung vào triển khai dưới dạng tăng cường hợp tác an ninh nhằm giải quyết các nguy cơ phi truyền thống tại khu vực như viện trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Về lâu dài, chiến lược phát triển biển của Ấn Độ sẽ bao gồm việc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng biển ở khu vực Đông Nam Á, cụ thể là các hệ thống cảng biển. Về ngắn hạn và trung hạn, Ấn Độ sẽ ưu tiên tìm kiếm cơ chế thúc đẩy hợp tác biển và bảo đảm an toàn hàng hải ở Biển Đông, như đã được khẳng định tại Đối thoại các vấn đề biển năm 2016.
Trung Quốc và Philippines tìm kiếm giải pháp chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông
Ngày 2/4, trang Asia Times đăng bài viết “Trung Quốc và Philippines tìm cách chia sẻ Biển Đông” của Richard Javad Heydarian, Phó Giáo sư Đại học De La Salle, Philippines. Trong bài viết, ông Heydarian khẳng định đề xuất hợp tác cùng phát triển nhằm khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông mà Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano công bố nhân chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi cuối tháng 3 vừa qua là biểu hiện rõ ràng cho xu thế phát triển nồng ấm quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Philippines trong thời gian gần đây nhưng sáng kiến này lại đối mặt với những rào cản về pháp lý và rủi ro chính trị. Nội bộ Philippines cho đến thời điểm này vẫn không mấy lạc quan về khả năng triển khai nguồn năng lượng ngoài khơi và các thống kê về mức độ hoài nghi của người dân Philippines về mưu đồ đằng sau của Trung Quốc ở các vùng biển mà Philippines yêu sách vẫn luôn ở mức cao. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn sốt sắng tìm cách hợp thức hóa yêu sách các yêu sách thái quá của mình ở Biển Đông
Ông Heydarian cho hay, về lý thuyết, bất cứ thỏa thuận hợp tác chia sẻ tài nguyên nào cũng phải phù hợp với nội luật của hai nước cũng như Phán quyết của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông ngày 12/7/2016 bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc ở khu vực. Ông cho hay Hiến pháp Philippines cũng không cho phép bất cứ thỏa thuận hợp tác cùng phát triển nào được tiến hành với một bên nước ngoài không thừa nhận chủ quyền của Philippines đối với khu vực vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Ông Heydarian cho biết nhiều khả năng hai bên sẽ triển khai các dự án chia sẻ tài nguyên tương tự như dự án khí gas tại (i) Camago-Malampaya nằm bên ngoài đảo Palawan của Philippines trên Biển Đông hoặc (ii) Công ty dầu khí quốc gia Philippines sẽ cùng Công ty dầu khí hải dương Trung Quốc phát triển nguồn tài nguyên nằm gần quần đảo Calamian, nằm ngoài EEZ của Philippines cũng như “đường chín đoạn” của Trung Quốc hoặc (iii) tại khu vực Bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng cảnh báo rằng rằng việc trao đổi đơn thuần về các thỏa thuận này sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục lấn lướt, chia rẽ và áp đặt lên các nước láng giềng nhỏ hơn trong khi thực hiện chiến dịch ngoại giao rầm rộ đồng thời tăng cường củng cố sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Truyền thông Trung Quốc khăng khăng ngụy biện cho hoạt động phô trương quân sự rầm rộ ở Biển Đông
Ngày 2/4, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Không nên suy diễn sai lầm về các cuộc tập trận quân sự” của phóng viên Luan Xuan. Nhằm ngụy biện cho các cuộc tập trận mà Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã tiến hành rầm rộ ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Biển Đông, bao gồm các cuộc tận trận bắn đạn thật và triển khai “nhiệm vụ huấn luyện ở vùng biển quốc tế”, bài viết này đã đưa ra ba lý do “quan trọng” đối với an ninh của Trung Quốc: (i) Trung Quốc cần bảo vệ cái gọi là “lợi ích quốc gia” ở khu vực và khăng khăng “các cuộc tuần tra thường xuyên này” là phù hợp với chính sách quân sự “mang tính phòng vệ” của Trung Quốc, (ii) một số quốc gia đang nhắm vào Trung Quốc như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ và Anh, (iii) tình hình Đài Loan thay đổi do Mỹ ký Đạo luật Du lịch Đài Loan, đi ngược lại với chính sách “Một Trung Quốc”. Viện vào 3 lý do này, tác giả bài viết ngang nhiên cho rằng Bắc Kinh có quyền chuẩn bị cho việc đối phó với những thách thức trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay. Mặt khác, bài viết còn cho rằng, với sức mạnh quân sự đang lên, Trung Quốc cần nhiều hơn các cuộc tập trận quân sự lớn hơn nữa để thử nghiệm và cải thiện năng lực tác chiến.