Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTQ đi sau nhưng sẽ về trước Mỹ trong cuộc đua không...

TQ đi sau nhưng sẽ về trước Mỹ trong cuộc đua không gian?

Hồi tháng 7 năm ngoái, việc phóng thất bại Trường Chinh 5 – một trong những tên lửa đẩy mạnh nhất thế giới, được xem là một bước thụt lùi hiếm hoi trong chương trình vũ trụ rất thành công của Trung Quốc. Thế giới khi ấy kết luận Bắc Kinh vẫn cần nhiều việc phải làm nếu muốn đua với Mỹ.

Thất bại khiến sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc có tên “Hằng Nga 5” bị trì hoãn ít nhất tới năm 2019. Điều đó không làm người Trung Quốc nản lòng. Tập đoàn Khoa học và Công nghệ vũ trụ Trung Quốc (CASC) tuyên bố trong năm 2018 sẽ tăng gấp đôi số chuyến bay vào không gian, bao gồm việc đưa Trường Chinh 5 trở lại hoạt động và tiến hành sứ mệnh “Hằng Nga 4”.

Trung Quốc, với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng, đang cho thấy họ sẽ vượt mặt Mỹ trong cuộc đua vào không gian. 

Ngày 4-10-1957, khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo Trái Đất bằng tên lửa đẩy R-7, cả nước Mỹ bàng hoàng còn tầng lớp lãnh đạo Mỹ thì ê mặt. Người Mỹ sau đó lao vào cuộc đua không gian với Liên Xô, sự cay cú xen lẫn xấu hổ khiến nước Mỹ vượt mặt Liên Xô, trở thành nước đầu tiên đưa con người lên Mặt trăng 12 năm sau “thời khắc Sputnik”.

 Một học giả đã từng nhận xét người Mỹ sẽ thua Trung Quốc không phải vì công nghệ mà bởi đặc điểm của hệ thống chính trị Mỹ.

Với tư cách là một cơ quan liên bang, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nhận ngân sách hoạt động một phần từ ngân sách liên bang. Trách nhiệm thông qua khoản tiền này lại thuộc về Quốc hội Mỹ. Điều này khiến việc bổ sung ngân sách tốn khá nhiều thời gian và tranh luận.

Trong khi đó, theo vị học giả nói trên, Bắc Kinh có thể dành một khoản tiền lớn bất thường và đổ nó cho các sứ mệnh không gian một cách nhanh chóng trong trường hợp cần thiết.

Xây tiền đồn trên Mặt trăng

Kết thúc năm 2017, Trung Quốc thực hiện tổng cộng 19 vụ phóng tên lửa vũ trụ, đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ (29 vụ phóng thành công) và Nga (19/20 vụ phóng thành công). Kết quả này có thể còn cao hơn nếu không có sự cố tên lửa Trường Chinh 5 như đã nhắc ở trên.

Ngày 29-3, Trung Quốc tiến hành đưa vệ tinh Bắc Đẩu 30 và Bắc Đẩu 31 lên quỹ đạo Trái Đất bằng tên lửa Trường Chinh 3B. Đó đã là vụ phóng thành công thứ 9 của Trung Quốc kể từ đầu năm 2018. Chỉ tiêu 35 vụ trong năm 2018 xem ra có thể đạt được nếu CASC, thông qua công ty con ExPace tiến hành các sứ mệnh không gian bằng tên lửa họ Khoái Chu.

Trung Quốc đi sau nhưng sẽ về trước Mỹ trong cuộc đua không gian? - Ảnh 4.

Ngày 15-10-2003, tàu Thần Châu 5 mang theo phi hành gia Dương Lợi Vĩ đã bay vào không gian, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới có khả năng đưa con người lên vũ trụ – Ảnh: CASC

Sứ mệnh “Hằng Nga 4” sẽ không giống với bất kỳ sứ mệnh Hằng Nga nào trước đây của Trung Quốc. Các thí nghiệm được tiến hành trên Mặt trăng trong khuôn khổ Hằng Nga 4 sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược dài hơi nhằm xây dựng tiền đồn có người ở của Trung Quốc trên Mặt trăng.

Trong một vài năm gần đây, Bắc Kinh phát đi tín hiệu rằng họ có thể làm việc với Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) trong việc đặt nền móng cho sự hiện diện thường trực trên Mặt trăng. ESA mô tả dự án sẽ là người kế thừa xứng đáng của Trạm không gian quốc tế (ISS).

Thần Châu là chương trình chinh phục không gian có người lái được Trung Quốc công bố vào năm 1992. Thực tế trước đó rất lâu, ngay từ năm 1970, Trung Quốc bắt đầu cuộc đua vào không gian với chương trình Đông Phương hồng và đã phóng được một vệ tinh không người lái. Thiếu kinh phí và những bất ổn chính trị trong nước đã trì hoãn chương trình không gian của Trung Quốc cho đến khi Thần Châu ra đời.

Một mình một chợ sau năm 2022?

Dư luận thế giới từng xôn xao khi Trung Quốc thừa nhận đã mất kiểm soát trạm không gian nặng 8 tấn Thiên Cung 1 vào năm 2016. Thực tế, Bắc Kinh đã có các bước đi chuẩn bị thay thế sẵn.

Tháng 10-2016, Trung Quốc phóng tàu Thần Châu 11, đưa hai phi hành gia Trần Đông và Cảnh Hải Bằng vào vũ trụ. Thần Châu 11 mang theo các thiết bị để kết nối với trạm không gian Thiên Cung 2 được Trung Quốc phóng lên 1 tháng trước đó.

Trung Quốc đi sau nhưng sẽ về trước Mỹ trong cuộc đua không gian? - Ảnh 6.

Hai phi hành gia Trần Đông và Cảnh Hải Bằng trước sứ mệnh Thần Châu 11 – sứ mệnh có người lái lâu nhất của Trung Quốc – Ảnh: REUTERS

Bốn sứ mệnh Thần Châu đầu tiên chủ yếu để nghiên cứu và thử nghiệm các điều kiện ngoài không gian, chuẩn bị cho các chuyến bay có người lái. Ngày 15-10-2003 được xem như mốc son đáng nhớ trong tham vọng chinh phục không gian của Trung Quốc. Tàu Thần Châu 5 mang theo phi hành gia Dương Lợi Vĩ đã bay vào không gian, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới có khả năng đưa con người lên vũ trụ. Thành công bước đầu đã tiếp thêm động lực cho Trung Quốc tiếp tục thực hiện thêm bốn sứ mệnh không gian có người lái.

Tháng 9-2017, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới làm chủ khả năng tiếp liệu không gian, một năng lực quan trọng nếu muốn xây dựng một trạm không gian cỡ lớn và hiện diện lâu dài.

Kinh nghiệm từ quá trình kiểm soát Thiên Cung 1 và quá trình xây dựng Thiên Cung 2 sẽ đặt nền móng cho Thiên Cung 3 – trạm không gian thực thụ đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2022.

Theo tính toán, ISS chỉ có thể tiếp tục hoạt động đến năm 2020 nếu không được nâng cấp. Hồi tháng 2-2018, báo chí phương tây đồng loạt đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc cắt ngân sách dành cho ISS. Sau khi chương trình tàu con thoi ngừng hoạt động vào năm 2011, Mỹ phải dựa vào tên lửa Soyuz của Nga để đưa và chở các phi hành gia về Trái Đất.

Nếu ISS không được nâng cấp, Mỹ thoái lui, sau năm 2022, Trung Quốc sẽ là quốc gia duy nhất có sự hiện diện thường trực bên ngoài không gian.

Vậy thời khắc Sputnik 2.0 của người Mỹ là khi nào? Rất có thể là khi người Trung Quốc đặt chân lên Mặt trăng và hiện diện lâu dài trên đó!

RELATED ARTICLES

Tin mới