Nhóm tác chiến tàu sân bay số 9 của Hoa Kỳ đã đến Biển Đông hôm 5/4, theo Daily Star.
Các lực lượng Hoa Kỳ trong nhóm tác chiến đã tiến hành các cuộc tập trận chung với quân đội Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương và hiện đang hướng về San Diego.
Nhóm tác chiến bao gồm tàu sân bay Roosevelt, tàu tuần dương hạm USS Bunker Hill và tàu khu trục USS Sampson, theo các phương tiện truyền thông địa phương.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ)
Nhóm tác chiến đã đi vào phạm vi “Đường chữ 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp một phán quyết của tòa án quốc tế đã bác bỏ cơ sở pháp lý của tuyên bố này.
Sự xuất hiện của nhóm tàu Mỹ gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đối với Trung Quốc khi căng thẳng leo thang trong khu vực, theo Daily Star.
Ông Patrick Murphy của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết: “Không một quốc gia nào được phép bắt nạt hay ép buộc cách thức của họ trong việc giải quyết (tranh chấp)”.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện một số động thái cứng rắn hơn người tiền nhiệm Obama trong vấn đề về Biển Đông. Tháng 7, ông phê duyệt kế hoạch một năm cho phép hải quân Mỹ tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, trong khi dưới thời Obama mỗi hoạt động như vậy phải xin phép từng lượt.
Tháng 5, tàu chiến Mỹ đã tiến hành ‘cuộc thao diễn’ trong phạm vi 12 hải lý của hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Động thái này chưa từng xảy ra dưới thời Obama và được cho là một thách thức trực tiếp đến hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc tại khu vực.
Các thủy thủ trên tàu sân bay Gerald R.Ford của Hoa Kỳ (Ảnh: Getty)
Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao của Tổng thống Trump đã phác họa chính sách châu Á – Thái Bình Dương, trong đó hứa hẹn một cuộc đối đầu toàn diện của Hoa Kỳ với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và các vấn đề nổi cộm khác.
“Trước hết chúng tôi muốn nói đến các đường liên lạc và các tuyến đường hàng không cởi mở. Những tuyến đường liên lạc trên biển rộng mở này thực sự là huyết mạch của khu vực. Nếu bạn nhìn vào thương mại thế giới, 50% hoạt động thương mại đi qua Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương theo các tuyến đường biển, đặc biệt Biển Đông, [vì vậy] việc mở cửa các tuyến đường biển và đường hàng không ở Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương ngày càng trở thành một điều sống còn và quan trọng đối với thế giới.”
Dù không nêu đích danh quốc gia nào, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra viễn cảnh về một cuộc thách thức với Trung Quốc trong việc theo đuổi các tuyến đường liên lạc tự do, theo Business Insider.