Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhilippines tự giăng bẫy chính mình

Philippines tự giăng bẫy chính mình

Cấp phép nghiên cứu khoa học là hoạt động bình thường, nhưng hợp tác khai thác chung tài nguyên giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông là bài toán nhiều hệ lụy.

Việc hợp tác giữa một quốc gia ven biển với một hoặc một số nước khác để nghiên cứu khoa học hoặc thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của quốc gia đó được quy định trong luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS).
Trong khu vực biển đang tồn tại tranh chấp chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn, các quốc gia có thể thỏa thuận hợp tác để cùng khai thác tài nguyên. Đối với các khu vực chỉ thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển, nước này có thể hợp tác với các quốc gia hoặc công ty, tổ chức để thăm dò, khai thác tài nguyên nếu chưa đủ năng lực, hoặc việc hợp tác có lợi hơn về mặt kinh tế. Nguyên tắc cần tuân thủ là không vi phạm chủ quyền, đảm bảo công bằng về quyền lợi và phù hợp với năng lực tài chính và kỹ thuật, công nghệ của các bên liên quan.
 
“Trao tặng chủ quyền”
 
Trước khi Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, Philippines đã đánh tiếng sẽ hợp tác với Trung Quốc thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng biển của mình trên cơ sở “đảm bảo chủ quyền quốc gia và không từ bỏ bất cứ quyền lợi biển nào thuộc về mình”. Có thể thấy Manila hy vọng phán quyết của PCA sẽ tạo ra lợi thế và sức mạnh pháp lý để họ tìm giải pháp giảm căng thẳng với Bắc Kinh. Tuy nhiên, đến nay nước này vẫn đang dò dẫm tìm đường.
Hồi tháng 1, Philippines đã cấp phép nghiên cứu hải dương học giữa Viện Hải dương học quốc gia Trung Quốc và Đại học Philippines tại vùng biển phía đông nước này. Một số chính trị gia đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Rodrigo Duterte nhưng thực chất cấp phép hợp tác nghiên cứu khoa học là việc làm bình thường, cho thấy họ đang quản lý một cách hiệu quả vùng biển của mình theo quy định của luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, hợp tác cùng khai thác tài nguyên lại là chuyện khác. Việc thực hiện được cả hai mục tiêu vừa hợp tác để tận dụng nguồn tài chính, kỹ thuật, công nghệ, làm hòa dịu quan hệ với Trung Quốc, đồng thời bảo vệ được chủ quyền và các quyền lợi biển thực sự đầy thách thức. Phán quyết của PCA đã bác bỏ “đường lưỡi bò”, đồng thời giúp giải phóng phần lớn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines khỏi các tranh chấp. Nếu Philippines đơn giản coi hợp tác là để chia sẻ quyền lợi thì mặc nhiên họ đã biến vùng biển không còn tranh chấp của mình thành nơi có tranh chấp. Nói cách khác, họ đã vô tình trao tặng một phần chủ quyền quốc gia đối với tài nguyên trong vùng biển của mình cho Trung Quốc. Điều này vi phạm luật pháp của Philippines vì hiến pháp của họ quy định chủ quyền quốc gia không phải là đối tượng để trao tặng cho nước ngoài.
 
Tự mắc bẫy
 
Nếu hợp tác với Trung Quốc mà không bảo vệ được chủ quyền, Tổng thống Duterte và nội các sẽ phải đối mặt với cáo buộc “bán nước”. Do thái độ cứng rắn của Trung Quốc, không có khả năng Philippines đạt được thỏa thuận khai thác chung trong vùng biển của mình mà không mất chủ quyền quốc gia. Thêm vào đó, viện trợ kinh tế của Trung Quốc càng làm tăng mức độ gắn kết, kéo theo tăng tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Philippines. Nếu không thực hiện những thỏa thuận sau khi đã ký kết, ngoài đối mặt với sức ép quân sự, nước này chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt hại kinh tế với những đòn trừng phạt của Bắc Kinh.
Có thể do những khó khăn trên, phát ngôn của giới lãnh đạo Philippines về hợp tác với Trung Quốc trong thăm dò, khai thác dầu khí đến nay vẫn rất mập mờ. Theo truyền thông nước ngoài, Tổng thống Duterte hồi tháng 2 phát biểu hợp tác giữa hai nước giống như “đồng sở hữu” thay vì chiến tranh. Sau đó, Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano lại nói do hạn chế về tài chính, Philippines không thể tự khai thác dầu khí tại các vùng biển của mình mà sẽ đàm phán hợp tác giữa một công ty nước này với một công ty Trung Quốc. Dường như chính quyền Philippines đang mắc vào cái bẫy do mình tự tạo nên. Với thái độ hung hăng, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, việc Philippines đạt được thỏa thuận khai thác chung mà không làm mất chủ quyền gần như là không thể. Dừng lại hay lùi bước đều gây ra những hệ lụy rất lớn, còn nếu tiến lên thì Tổng thống Philippines sẽ phải giải thích sao với người dân khi đi ngược lại phán quyết PCA và làm mất chủ quyền quốc gia?
RELATED ARTICLES

Tin mới