Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ ra đòn hiểm giữa lúc căng với TQ

Mỹ ra đòn hiểm giữa lúc căng với TQ

Mỹ cho phép chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan chỉ 1 tháng sau khi ban hành luật mới có thể khiến Trung Quốc nổi giận.

Mỹ đẩy mạnh hỗ trợ Đài Loan

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn giấy phép bán công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan, qua đó “bật đèn xanh” cho giới công nghiệp quốc phòng Mỹ giúp Đài Loan tự chế tạo tàu ngầm.

Ngày 8/4, Đài Loan đã lên tiếng hoan nghênh quyết định này, được đánh giá sẽ cho phép Đài Loan xây dựng một hạm đội có khả năng chống lại mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, Văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ghi nhận: “Quyết định của Chính phủ Mỹ sẽ không chỉ giúp Đài Loan nâng cao năng lực phòng thủ mà còn mang lại lợi ích to lớn cho an ninh và ổn định trong khu vực”.

Hãng tin AFP dẫn lời Tướng Trần Trung Cát, người phát ngôn Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, cho rằng quyết định của Mỹ là một “bước đột phá” trong cả một tiến trình mà Đài Loan sẽ “từng bước thực hiện”.

Người phát ngôn Trần Trung Cát không cho biết thêm chi tiết, nhưng theo AFP, từ năm ngoái, vào lúc quan hệ đang xấu đi với Trung Quốc, Đài Loan đã đề ra một kế hoạch tự đóng tàu ngầm sau khi thấy rằng không thể mua được tàu ngầm đóng sẵn từ Mỹ.

Đài Loan đã tìm mua công nghệ chế tạo tàu ngầm của các tập đoàn vũ khí Mỹ nhưng thương vụ này cần phải được Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt, điều vừa được thực hiện.

AFP cho rằng , quyết định của Mỹ rất có thể là sẽ khiến Bắc Kinh tức giận vì Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và không loại trừ việc dùng vũ lực để sáp nhập.

Về phía Mỹ, việc cho phép chuyển giao công nghệ chế tạo tàu ngầm cho Đài Loan được đưa ra chỉ 1 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật mới về Đài Loan, cho phép các quan chức cấp cao Mỹ sang thăm Đài Loan.

My ra don hiem giua luc cang voi Trung Quoc
Hạm đội tàu ngầm của Đài Loan vừa mỏng vừa lạc hậu

Trung Quốc đã phản đối động thái đó, đòi Mỹ cắt đứt các trao đổi chính thức với Đài Loan để tránh “gây tổn hại cho quan hệ Trung-Mỹ”.

Đài Loan từ lâu đã chật vật để tìm mua thiết kế tàu ngầm mà không được. Hồi tháng 4/2001, Tổng thống Mỹ thời đó là George W. Bush đã phê chuẩn việc bán 8 tàu ngầm quy ước cho Đài Loan, nhưng hồ sơ đó không hề tiến triển, buộc Đài Loan phải nghĩ đến việc tự chế tạo.

Trong 40 năm qua, Mỹ đã không còn đóng tàu ngầm thông thường. Đài Loan cũng từng muốn mua thiết kế tàu ngầm của Đức và Tây Ban Nha nhưng không thành công vì 2 nước này từ chối để khỏi “động chạm” Trung Quốc.

Hải quân Đài Loan hiện đang có một đội tàu ngầm gồm 4 chiếc, đều mua từ nước ngoài, nhưng chỉ có 2 trong số này là có năng lực tác chiến, 2 chiếc còn lại thuộc loại được Mỹ sản xuất từ những năm 1940 và chỉ được dùng để huấn luyện vì đã quá cũ.

Nếu mọi việc suôn sẻ, sẽ phải chờ thêm 10 năm nữa Đài Loan mới có được chiếc tàu ngầm tự chế tạo đầu tiên.

Cuộc chiến A2/AD

Ngoài tin tức về vụ chuyển giao công nghệ tàu ngầm, truyền thông thời gian qua cũng đưa tin về khả năng Mỹ cho Đài Loan thuê các máy bay chiến đấu Boeing F-15C/D.

Tuy nhiên, phía Cơ quan quốc phòng Đài Loan đã phủ nhận, đồng thời nhấn mạnh rằng không có bất cứ đề xuất nào kiểu này từ phía Mỹ. Đài Loan gọi thông tin về lời đề xuất cho thuê F-15C/C của Mỹ chỉ là “sự võ đoán của truyền thông”.

Những thông tin trên được đăng tải trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một phát biểu trước Quốc hội tại Bắc Kinh đã đưa ra lời cảnh báo gay gắt rằng bất cứ nỗ lực nào nhằm chia rẽ Trung Quốc đều “có kết cục thất bại”.

Máy bay chiến đấu F-15 của Nhật Bản

Mối quan hệ 2 bờ Eo biển Đài Loan đã xuống dốc kể từ sau khi bà Thái Anh Văn lên cầm quyền tại Đài Loan vào tháng 5/2016. Bà Thái Anh Văn hồi đầu tháng này cũng đã lên tiếng hoan nghênh Đạo luật Đi lại Đài Loan của Mỹ.

Sau phát biểu của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã điều một nhóm tàu sân bay sẵn sàng hành động đi qua Eo biển Đài Loan. Phía Đài Loan cũng đã điều các máy bay chiến đấu để theo sát các động thái của các tàu thuộc lực lượng Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa dọc eo biển này.

Hiện Đài Loan đã có 3 mẫu máy bay chiến đấu nòng cốt có khả năng tấn công, bao gồm ba phi đội máy bay Dassault Mirage 2000-5E/D, 3 phi đội F-5E/F Tiger Iis, 6 phi đội F-16 Block A và Block B, cùng 5 phi đội máy bay chiến đấu sản xuất trong nước F-CK-1 Ching-kuo.

Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan

F-15 C/D được cho là sẽ hoàn thiện các năng lực đặt ra cho Đài Loan mà chiếc Mirage 2000 đang dần lỗi thời còn thiếu sót. Trong khi đó, Tập đoàn Phát triển Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Đài Loan, hãng hàng không quân sự bản địa hàng đầu của hòn đảo này, cũng đang hợp tác với công ty Lockheed Martin để nâng cấp phi đội F-16A/B.

Năm ngoái, Chính quyền Trump đã phê chuẩn hợp đồng bán vũ khí quan trọng đầu tiên cho Đài Loan kể từ năm 2015. Gói vũ khí này bao gồm các tên lửa AGM-88B, tên lửa SM-2 Block IIIA, ngư lôi hạng nặng MK48 Mod 6AT, ngư lôi hạng nhẹ MK54, vũ khí tấn công AGM-154C JS, và hệ thống chiến đấu điện tử AN/SLQ-32(V)3.

Tổng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc hiện tiếp tục áp đảo so với Đài Loan. Ngân sách quốc phòng năm 2017 của Bắc Kinh cao gấp 14 lần so với Đài Loan. Chính quyền Đài Loan dự định chi khoảng 11 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2018.

Trung Quốc hiện được cho là có nhiều lựa chọn đối với Đài Loan, cả về kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, về mặt quân sự, nhiều ý kiến phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều thách thức nếu Mỹ trợ giúp hòn đảo này trong công tác quốc phòng.

Trung Quốc gia tăng sức mạnh hải quân tạo ra thách thức lớn đối với Đài Loan

Tuy nhiên, bước tiến ấn tượng trong lĩnh vực hải quân, không quân và tên lửa đã đem lại cho Trung Quốc “vũ khí” mạnh mẽ hơn. Không chỉ vậy, những tiến bộ về năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) làm tăng nguy cơ Mỹ phải hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng nếu đưa quân tới Đài Loan.

Giới phân tích khu vực cho rằng, điều đó có nghĩa Mỹ nên đầu tư để củng cố năng lực quân sự cần thiết nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng chiến lược A2/AD nếu xung đột nảy sinh.

Washing cần khích lệ và hậu thuẫn Đài Loan phát triển và đảm bảo năng lực A2/AD của chính mình để chống đỡ các chiến dịch quân sự của Trung Quốc trong trường hợp Mỹ chưa thể chi viện.

Để làm được như vậy, Mỹ phải giúp Đài Loan củng cố lĩnh vực ngoại giao và kinh tế thông qua việc tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới