Giới quan sát nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ lần đầu đích thân lên tiếng đáp trả Mỹ về lùm xùm thương mại ở một sự kiện do Bắc Kinh làm chủ nhà.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Đề cao Diễn đàn châu Á Bác Ngao
Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) đang diễn ra tại đảo Hải Nam, Trung Quốc từ ngày 8-11/4, trong đó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu quan trọng vào ngày 10/4.. Đây là diễn đàn ngoại giao diễn ra trên sân nhà đầu tiên của Bắc Kinh trong năm 2018, cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên kể từ khi ông Tập tái đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ mới.
Đáng chú ý, ý tưởng thiết lập Diễn đàn châu Á Bác Ngao không phải là đề xuất của Trung Quốc. Sau Thế chiến thứ hai, châu Á trở thành khu vực có sự phát triển nhanh chóng với sự xuất hiện của các nhóm như Bốn con rồng châu Á, Bốn con hổ châu Á… Tương tự, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương cũng được ra đời. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, chính các nước châu Á lại không giữ ảnh hưởng then chốt đối với các tổ chức hợp tác kinh tế này.
Tháng 9/1998, Thủ tướng Úc-Nhật Bản khi đó là Bob Hawke và Morihiro Hosokawa cùng Tổng thống Philippines bấy giờ là Fidel Valdez Ramos đã đề nghị xây dựng nên một diễn đàn kinh tế châu Á có tính chất tương tự như Diễn đàn kinh tế Davos của các nước phương Tây.
Một năm sau (tháng 10/1999), hai ông Bob Hawke, Fidel Valdez Ramos và Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Hồ Cẩm Đào đã lên kế hoạch xây dựng một diễn đàn cho khu vực châu Á ở Bắc Kinh. Nói cách khác, Trung Quốc được coi là “nước sáng lập” quan trọng của diễn đàn này.
Tháng 2/2001, hội nghị khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao được tổ chức ở đảo Hải Nam, Trung Quốc với sự tham gia của hàng loạt các chính trị gia hàng đầu đến từ 26 quốc gia. Chủ trì diễn đàn năm đó là cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Sau đó, đại diện những nước tham dự diễn đàn hầu như là các cựu chính khách nhưng Bắc Kinh vẫn luôn cử quan chức cấp cao tham dự.
Ví dụ, dưới nhiệm kỳ của ông Hồ Cẩm Đàm, đại diện Bắc Kinh tham dự về cơ bản đều là các quan chức thuộc Ban thường vụ Bộ chính trị; ông Hồ Cẩm Đào cũng từng ba lần tham dự diễn đàn trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc.
Kể từ khi ông Tập Cận Bình trở thành Chủ tịch Trung Quốc đến nay, Trung Nam Hải vẫn tiếp tục áp dụng thông lệ này. Riêng ông Tập, đây là lần tham dự thứ 3 của ông trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường từng tham dự các năm 2014 và 2016.
Ngoài tham dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao – diễn đàn kinh tế quốc tế thuần túy, từ lâu Trung Quốc cũng đã gia nhập vào các diễn đàn an ninh chính trị khác như Hội nghị về Phối hợp hành động và Các Biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA). Năm 2014, Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nước chủ nhà tổ chức hội nghị, ông Tập Cận Bình giữ cương vị chủ trì hội nghị và hội nghị năm đó được đánh giá là kỳ họp có quy mô lớn nhất trong lịch sử tổ chức CICA.
Ngoài ra, một cơ chế an ninh khác – Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) do Trung Quốc, Nga , Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan sáng lập – đã tổ chức hội nghị đầu tiên vào năm 2001. Trong các kỳ hội nghị thượng đỉnh về sau, đại diện Trung Quốc tham dự đều là các lãnh đạo đứng đầu nhà nước. Vào tháng 6 năm nay, Trung Quốc sẽ là nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh SCO.
Theo giới phân tích, đối với các ý tưởng hoạt động ngoại giao đa phương về ngoại giao, an ninh và kinh tế, Trung Quốc không thường tùy tiện đề xuất mà sẽ trải qua quá trình cân nhắc cẩn trọng. Điều này giúp Bắc Kinh có mục tiêu ngắn hạn hoặc dài hạn về hướng phát triển và các phương châm sách lược quan trọng.
Lợi thế của động thái này chính là, sau khi khung chương trình chung được định hình thì hướng phát triển của các hoạt động liên quan sẽ không bị tác động nếu có sự chuyển giao chính phủ.
Sân chơi mới trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mai Trung-Mỹ tăng nhiệt, giới truyền thông phương Tây dự đoán, ông Tập sẽ mượn Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay để đáp trả lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Mỹ.
Bloomberg ngày 7/4 nhận định, ông Tập sẽ lần đầu lên tiếng đáp trả chính sách thuế quan của Mỹ áp đặt lên hàng hóa của Trung Quốc trong bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Trên thực tế, tại diễn đàn này năm 2017, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố duy trì toàn cầu hóa, chỉ vài ngày sau khi ông Donald Trump lên nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Tờ này cho rằng, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ không ngừng leo thang, mối đe dọa về hàng rào thuế quan của Tổng thống Trump khiến ông Tập sẽ phải đưa ra nước cờ khôn khéo để đáp trả.
“Trong bài phát biểu năm nay tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, ông Tập sẽ cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng trả đũa lại mối đe dọa thương mại của Mỹ, đồng thời cũng thể hiện cam kết mở cửa (đối với Mỹ) của Trung Quốc”, Bloomberg nhấn mạnh.
Báo Mỹ nhận định, tại diễn đàn năm nay, ông Tập có khả năng sẽ tập trung đề cao những lợi ích thương mại khi các nước tiến hành giao dịch với Trung Quốc cũng như có thể sẽ công bố xóa bỏ bớt những hạn chế cho giới đầu nước ngoài, để kỷ niệm 40 cải cách và mở cửa.
Ông He Weiwen, Phó giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở ở Bắc Kinh cho rằng, tại diễn đàn năm nay, ông Tập sẽ tái khẳng định ủng hộ mạnh mẽ của Trung Quốc đối với toàn cầu hóa, tuân thủ các quy định của Tổ chức thương mại thế giới WTO và cam kết mở cửa.
Bloomberg dẫn lời Scott Kennedy, một nhà nghiên cứu Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington cho biết: “Lần này, có thể ông Tập sẽ tiếp tục các lời hứa về tự do hoá chung trước đây. Tuy nhiên, ông ấy cũng có thể sẽ thông qua loạt cải cách mở cửa thị trường Trung Quốc để phá vỡ bong bóng thương mại của Mỹ”.
Bên cạnh đó, The Nikkei (Nhật Bản) cũng cho rằng, nhà lãnh đạo Trung Quốc có khả năng sẽ tuyên các chính sách liên quan mới về cải cách mở cửa tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao, một cách nhằm để chìa cành ô liu về phía Tổng thống Mỹ.