Khả năng Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ khó xảy ra vì nó gây xáo trộn lớn trên thị trường tài chính thế giới, cả Mỹ và Trung Quốc đều mất.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lên cao khiến nhiều nhà kinh tế và đầu tư lo ngại có thể xảy ra cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới.
Đặc biệt, không ít quan điểm cho rằng, nếu thực sự nổ ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Bắc Kinh có thể biến nợ khổng lồ của Mỹ thành vũ khí chống lại Tổng thống Trump. Cụ thể, Trung Quốc có thể bán tháo một phần lớn trong số gần 1,17 ngàn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà Bắc Kinh đang nắm giữ.
Trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều cho rằng chiến tranh thương mại và cả việc Trung Quốc bán tống trái phiếu kho bạc Mỹ là điều khó có thể xảy ra.
Ai thiệt hơn ai?
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Trung Quốc không cần dùng đến biện pháp bán trái phiếu kho bạc Mỹ thì Mỹ cũng đã phải xuống thang và đề nghị đàm phán với Trung Quốc.
“Bán trái phiếu sẽ xáo trộn một cách ghê gớm toàn bộ thị trường tài chính thế giới và người mất không phải chỉ là Mỹ mà ngay cả Trung Quốc cũng sẽ mất. Khi Trung Quốc bán ra ồ ạt, lập tức trái phiếu Mỹ ở trong tình trạng cung nhiều, cầu ít khiến giá trái phiếu Mỹ sụt giảm. Những người đang nắm giữ trái phiếu Mỹ cũng sẽ bán ra làm giá trái phiếu càng giảm.
Giá trái phiếu giảm thì giá trị đồng USD cũng giảm vì lãi suất trên đồng USD giảm. Khi ấy, bản thân những tài sản bằng USD và trái phiếu bằng USD mà Trung Quốc đang nắm giữ cũng mất giá.
Như vậy, Trung Quốc sẽ mất đơn mất kép, mất cái giá họ đang nắm giữ và mất do đồng USD sụt giá. Họ chẳng dại gì bán tháo trái phiếu Mỹ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Vị chuyên gia khẳng định, Trung Quốc chưa cần dùng đến biện pháp bán tháo trái phiếu Mỹ và đó là chỉ biện pháp cuối cùng. Quan hệ Trung-Mỹ thuộc dòng chảy luân chuyển thương mại lớn nhất trên thế giới và khi Mỹ đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Trung Quốc chỉ cần làm một động tác đơn giản là đánh thuế đáp trả tương xứng lại Mỹ. Trước đây, Trung Quốc đã sử dụng biện pháp này với Nhật Bản và một số nước khác khi các nước đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vượt mức họ mong muốn, kết quả là Trung Quốc giành thắng lợi.
“Trước đây, Nhật Bản dưới sức ép của người nông dân đã đánh thuế cao vào 5 mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, như khoai tây, nấm… nhằm bảo hộ nông nghiệp. Trung Quốc sau đó đã đánh thuế trả lại 5 mặt hàng khác của Nhật Bản nhưng toàn hàng xuất khẩu trọng yếu của Nhật như linh kiện điện tử. Cuối cùng, Nhật Bản phải đàm phán ngay với Trung Quốc.
Lần này cũng thế, khi Mỹ tuyên bố đánh thuế hàng hóa Trung Quốc với mức thuế cao, ngay lập tức, Trung Quốc cũng tìm những mặt hàng của Mỹ có vị thế tương tự với hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế. Thậm chí, Trung Quốc chọn những mặt hàng hiểm hơn, ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến sự phát triển của hàng hóa xuất nhập khẩu nói riêng cũng như sản xuất của Mỹ nói chung để đánh thuế trả lại.
Nếu Mỹ không thay đổi, Trung Quốc vẫn giữ các biện pháp thuế quan như thế và về lâu dài, Mỹ thiệt hại nhiều hơn Trung Quốc, thiệt hại tận gốc rễ, do đó buộc Mỹ phải đề nghị đàm phán ngay với Trung Quóc.
Rõ ràng, Mỹ là người đầu tiên phải xuống thang dù họ là người chủ động đánh thuế đầu tiên. Trung Quốc có đủ sức mạnh, trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh để đương đầu với Mỹ nếu hai bên xảy ra chiến tranh thương mại”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Về phía Mỹ, ông Thịnh lưu ý, Mỹ có thể sử dụng các biện pháp tài chính để can thiệp vào thị trường trong trường hợp Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên, thiệt hại của chính phủ Mỹ là rất lớn và không biết liệu chính phủ Mỹ có chịu đựng được?
Ngân sách Mỹ thường xuyên thiếu hụt, thỉnh thoảng chính phủ lại dọa đóng cửa, vậy Mỹ lấy đâu ngân sách mua một lúc hàng trăm tỷ USD trái phiếu của chính phủ về?
“Trường hợp xấu xảy ra, chính phủ Mỹ chỉ có một cách dùng tiền ngân sách của mình mua lại trái phiếu đó trên thị trường với một giá đảm bảo.
Mà như vậy có hai cái hại: Thứ nhất, Mỹ phải bỏ rất nhiều tiền ra để mua lại trái phiếu mà cái này là cái khó của chính phủ Mỹ. Thứ hai, Mỹ phải mua trái phiếu với giá cao để giữ giá, nói cách khác Mỹ phải bù lỗ cho trái phiếu đó. Mỹ sẽ không dại gì chơi kiểu ấy bởi như thế thì Mỹ thiệt quá”, ông Thịnh nhận xét.
Từ những phân tích thiệt hơn đối với cả Mỹ và Trung Quốc, vị chuyên gia cho rằng, câu chuyện Trung Quốc có thể bán tháo trái phiếu Mỹ có lẽ được đưa ra chỉ để dọa nhau.
Đằng sau trái phiếu Mỹ còn rất nhiều vấn đề khác mà Trung Quốc không thể tự nhiên xuống tay bán tháo. Chưa kể, xét cho cùng, trái phiếu Mỹ vẫn là nơi trú ẩn an toàn nhất và nó được coi như một khoản đầu tư của Trung Quốc vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Điểm nút hòa giải
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cũng cho rằng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như khả năng Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ đều rất khó xảy ra.
Ông phân tích, trước nay, giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn xảy ra va chạm thương mại và hai bên đều dừng ở một mức cần thiết.
“Suốt mấy chục năm đã như thế, nhưng lần nay đã có thay đổi căn bản trong đường lối đối ngoại của hai dòng tư tưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cho nên, tình hình không còn dễ giải quyết như những thời kỳ trước, nhưng nó cũng có điểm dừng. Ít có khả năng Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ mà nó sẽ chỉ dừng lại ở mức độ bổ sung thuế nhập khẩu của hai bên, mức độ cụ thể thế nào thì không rõ, có thể căng thẳng gay gắt nhưng cuối cùng hai bên sẽ chỉ dừng ở mức độ gọi là xung đột thương mại chứ chưa phải là chiến tranh thương mại”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý dự đoán.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho biết: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều tỏ ra cứng rắn và kiên quyết trong cuộc chơi lần này, nhưng ông Trump gặp phải sức cản của thế lực đối lập ở Mỹ, đó là các doanh nghiệp có lợi trong thương mại với Trung Quốc và lực lượng tiêu dùng. Tổng thống Mỹ tuy có rất nhiều quyền lực nhưng không phải quyết định tất cả.
Còn ở Trung Quốc, họ có sự quyết đoán nhiều lúc không tưởng tượng nổi nhưng dẫu sao nếu chiến tranh thương mại nổ ra, Mỹ vẫn có lợi hơn. Có thể chìa khóa vấn đề nằm ở Mỹ và trong trường hợp hai bên không kiềm chế được, nổ ra cuộc chiến thương mại thì thiệt hại của Trung Quốc vẫn lớn hơn.
Bởi Trung Quốc bị hạn chế bởi thế yếu, mà Mỹ bị hạn chế bởi sức cản của phe đối lập, do đó, tôi cho rằng, trong khoảng 3 tháng nữa sẽ có đối thoại.
Năm ngoái Trung-Mỹ đã có 4 cuộc đối thoại, trong đó đối thoại về kinh tế thương mại không đi đến kết quả. Năm nay, hai nước sẽ có đối thoại hoặc đàm phán về kinh tế thương mại. Họ sẽ tạm hòa nhập ở mức độ nào đó, còn đấu tranh về thương mại kinh tế giữa hai nước sẽ vẫn tiếp tục.
Cần lưu ý rằng, ngoài kinh tế thương mại, Mỹ và Trung Quốc còn phụ thuộc vào nhau các vấn đề về an ninh”.